Thúc đẩy thanh toán không tiếp xúc giảm nguy cơ lây lan dịch COVID-19

07:10, 12/10/2021

Thanh toán không tiếp xúc (TTKTX) là hình thức sử dụng các ứng dụng công nghệ số (ví điện tử, MobileBanking, InternetBanking, Ipay...) thanh toán qua ngân hàng các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội… hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng. 

Khách hàng thanh toán bằng quét mã VietQR trên ứng dụng MBBank tại cửa hàng cafe trên đường Hàng Tiện (thành phố Nam Định).
Khách hàng thanh toán bằng quét mã VietQR trên ứng dụng MBBank tại cửa hàng cafe trên đường Hàng Tiện (thành phố Nam Định).

Để góp phần bảo đảm an toàn trong tiêu dùng, phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giải pháp TTKTX được nhiều người dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp lựa chọn. bởi khả năng hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Đồng thời, cung ứng nhiều dịch vụ chuyên nghiệp về thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt quy đổi. Để thúc đẩy  người dân TTKTX, các ngân hàng đều chú trọng đầu tư phát triển các dịch vụ bằng công nghệ số, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành. Mới đây, Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Nam Định (MB Nam Định) giới thiệu tiện ích thanh toán mã VietQR trên ứng dụng App MBBank. Theo đó, khách hàng có thể dễ dàng tạo một mã QR cho tài khoản thanh toán của mình và lưu lại cho mọi giao dịch. Với mã VietQR, giao dịch thanh toán được diễn ra trong tích tắc mà không cần phải nhập các thông tin chi tiết của người thụ thưởng như số tài khoản, tên tài khoản, ngân hàng thụ hưởng… như các hình thức chuyển tiền thông thường. Hơn thế, đây được xem là tính năng thuận tiện, an toàn và vô cùng hữu ích đặc biệt cho các đối tượng khách hàng là chủ cửa hàng, chủ shop online trong các vùng dịch, vùng giãn cách hoặc phong toả do dịch COVID-19. Chị Đỗ Thị Minh Quý, chủ cửa hàng cafe thuỷ sinh Nam Định tại số 144 Hàng Tiện (thành phố Nam Định) cho biết: “Thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống COVID-19 của tỉnh, thời gian qua, cửa hàng không phục vụ khách hàng uống tại chỗ, chỉ phục vụ nhu cầu mua về. Được MB Nam Định giới thiệu và hỗ trợ tạo mã QR cá nhân, hiện tại, khách đến mua hàng chỉ cần quét mã QR để thanh toán, tôi không cần phải nhận tiền mặt, trả lại tiền mặt hoặc lo rủi ro khách đưa tiền giả như trước. Nếu có khách đặt mua hàng online, tôi chỉ cần chụp hình ảnh mã QR để gửi Zalo, Facebook cho khách thanh toán. Trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay tiền mặt được xác định là nguồn lây lan dịch do quá trình trao đổi dịch chuyển giữa nhiều người và lại khó truy vết. Việc thanh toán VietQR giúp hạn chế tối đa việc tiếp xúc, phòng ngừa dịch bệnh”. Anh Nguyễn Văn Hiếu, chủ hệ thống cửa hàng cơ khí tại chợ Rồng thì chia sẻ: “Do đặc thù việc giao dịch thanh toán, vận chuyển hàng hoá nhiều nên tôi thường xuyên tiếp xúc với các sản phẩm, dịch vụ được tích hợp công nghệ trên smartphone của các ngân hàng. Khi biết MB Nam Định triển khai thanh toán theo mã VietQR, tôi đã đăng ký sử dụng. Việc thanh toán bằng VietQR rất thuận tiện, không lo ngại sai sót hoặc nhầm lẫn thông tin chuyển tiền. Khách hàng đến mua hàng, thanh toán thì chỉ cần quét mã và nhập số tiền cần chuyển. Như vậy sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 hàng ngày cho tôi và gia đình”. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển các sản phẩm tiện ích hiện đại trên nền tảng số và biến App MBBank thành một “ngân hàng thu nhỏ”, tỷ trọng khách hàng giao dịch không tiền mặt và trên kênh ngân hàng số của MB Nam Định hiện chiếm khoảng 90%. Hiện tại, MB Nam Định đang cung cấp cho các khách hàng nhiều sản phẩm, dịch vụ số nổi bật như: Cho phép khách hàng mở tài khoản online, thực hiện các giao dịch chuyển tiền và thanh toán hoàn toàn miễn phí không kèm điều kiện, miễn phí mở tài khoản số đẹp như ý, số tài khoản giống số điện thoại, rút tiền bằng mã tự sinh trên APPMB Bank mà không cần thẻ, thoải mái nạp tiền vào tài khoản thông qua điểm CRM, thanh toán bằng mã VietQR, cho vay và giải ngân trực tuyến… Ông Trần Thanh Cao, Giám đốc MB Nam Định cho biết: “VietQR đã tạo nên cuộc cách mạng mới trong TTKTX, không sử dụng tiền mặt. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, phương thức thanh toán này hạn chế tối đa các nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp. Với phương thức thanh toán chuyển tiền bằng mã QR, các thông tin giao dịch của khách hàng được xử lý hoàn toàn tự động, nhanh chóng, chính xác. Chúng tôi tin tưởng rằng, khách hàng sẽ hài lòng khi trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt với VietQR dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại của MB”.

Hàng loạt các ngân hàng khác trên địa bàn tỉnh như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Tiên Phong… đều đã triển khai các chương trình, dịch vụ khuyến mãi khuyến khích người dân tham gia giao dịch trực tuyến, TTKTX để phục vụ các nhu cầu thiết yếu như mua sắm, chuyển khoản, thanh toán bằng mã QR, thanh toán tiền điện, nước, internet, cước viễn thông, thuế, phí thông qua các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh. Để giúp khách hàng TTKTX, các ngân hàng đã xây dựng các ứng dụng APP trên điện thoại di động thông minh, phân bố 213 cây ATM ở các địa điểm để giúp người dân luân chuyển tiền một cách linh hoạt và chủ động. Các đơn vị tín dụng cũng đã phát hành gần 1,1 triệu thẻ ATM đến tay khách hàng và có 407 máy POS được đặt tại các điểm giao dịch để khách hàng thuận lợi trong giao dịch mua sắm, hạn chế dùng tiền mặt trao tay, hạn chế tiếp xúc gần, đem lại khoảng cách an toàn trong mùa dịch COVID-19. Hiện tại, tỷ lệ các doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử chiếm 99,8% trên tổng số 6.228 doanh nghiệp đang hoạt động; tỷ lệ số tiền nộp thuế điện tử đạt 98%. Riêng tại địa bàn thành phố, đã có 100% doanh nghiệp giao dịch nộp thuế qua ngân hàng. Hiện đã có 643.012 khách hàng thực hiện thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các kênh thanh toán điện tử, chiếm tỷ lệ 87,2% tổng số khách hàng dùng điện trên địa bàn tỉnh. Đến nay, một số ngân hàng đã triển khai thành công dịch vụ thanh toán tiền học phí qua ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, các ngân hàng đã thu hộ 22.525 món học phí với số tiền 63,4 tỷ đồng.

Có thể thấy rằng, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã dần làm thay đổi thói quen giao dịch tài chính của nhiều khách hàng, giúp dịch vụ ngân hàng điện tử tăng trưởng mạnh mẽ. Thanh toán số không tiếp xúc sẽ tiếp tục góp phần giúp ngân hàng và người dân hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, duy trì các hoạt động mua bán, giao dịch hàng hóa, nâng cao hiệu quả phục hồi, phát triển kinh tế./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com