Rau xanh tăng giá đột biến

07:10, 25/10/2021

Do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh đầu mùa nên trên địa bàn tỉnh ta có mưa lớn kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là rau xanh. Bên cạnh đó giá xăng, dầu tăng cao khiến chi phí vận chuyển rau xanh cũng bị đẩy lên. Thêm vào đó thời điểm này là giao mùa giữa rau vụ hè thu và rau vụ thu đông nên sản lượng rau xanh cung ứng ra thị trường cũng ít hơn chính vụ. Những nguyên nhân này khiến cho rau xanh trên thị trường những ngày gần đây tăng giá đột biến. Ghi nhận của phóng viên tại các chợ dân sinh ở khu vực thành phố, các loại gia vị, rau muống, rau ngót, rau cải… đã tăng gấp 2, 3 lần. Chiếm lĩnh thị trường hiện nay chủ yếu là rau, củ, quả nguồn gốc do Trung Quốc sản xuất và cũng tăng giá mạnh (?!).

Mô hình trồng rau thủy canh của Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN Nam Định.
Mô hình trồng rau thủy canh của Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN Nam Định.

Đi chợ cả buổi về đến nhà nhưng chiếc làn nhựa của bà Trần Thị Hòa, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) vẫn nhẹ bẫng, không chất đầy rau củ quả như mọi ngày. Bà than phiền: rau xanh ngoài chợ mỗi ngày một giá, nay đã tăng gấp đôi, gấp ba so với trước đây. Rau muống từ 2.000 đồng lên 5.000 đồng/mớ; rau cải từ 8-10 nghìn đồng/mớ; bí xanh 25 nghìn đồng/kg, xà lách 50 nghìn đồng/kg. Rau đay, mùng tơi đang ở giá 3.000-5.000 đồng/cặp nay lên 10-15 nghìn đồng một cặp mà cũng khá hiếm. Đặc biệt các loại gia vị như rau húng, mùi, hành hoa 80-100 nghìn đồng/kg, cao gấp 5-7 lần so với trước đây. Các loại rau củ nhập ngoại như củ cải trắng, bắp cải, khoai tây, cải thảo, cà rốt, nấm tươi... cũng tăng từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng/kg. Duy chỉ có bí ngô là ít tăng giá, đến nay vẫn ở mức 5-10 nghìn đồng/kg. Mâm cơm gia đình đành phải giảm bớt lượng rau xanh và chỉ sử dụng rau gia vị cơ bản như hành hoa, mùi tàu, các loại rau khác đành hạn chế tối đa. Để đảm bảo khẩu phần rau xanh của gia đình, đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường, huyết áp, tim mạch, nhiều người nội trợ phải kỳ công tính toán chuyển rau xanh sang dùng các loại củ quả như rau mầm, giá đỗ, chuối xanh, hoa chuối...

Quầy hàng rau xanh tại chợ Ngô Đồng (Giao Thủy).
Quầy hàng rau xanh tại chợ Ngô Đồng (Giao Thủy).

Tại chợ đầu mối, lượng rau xanh cung ứng từ các vựa rau trong và ngoài tỉnh đổ về không nhiều. Khu vực nông thôn, giá các loại rau xanh rẻ hơn một chút so với các chợ ở thành phố nhưng cũng cao gấp đôi ngày thường. Tại các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Nam Định, lượng rau xanh từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Lào Cai đưa về cũng không nhiều do chi phí vận tải cao. Các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn, lượng rau, củ, quả tươi cũng không còn phong phú như trước. Giá bán cũng tăng sau thời điểm mưa liên tiếp kéo dài. Ông Nguyễn Văn Dự, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) cho biết: Hiện giá rau tăng là do ảnh hưởng của mưa, bão, không khí lạnh đầu mùa vừa qua, khiến rau màu nhiều nơi bị ngập nặng; những diện tích rau màu chân ruộng cao không bị ngập thì cũng bị giập nát và thối rữa do mưa và nắng gắt thay đổi đột ngột đan xen trong cùng ngày khiến rau màu không kịp thích nghi. Đó là chưa kể đến giá phân bón, vật tư nông nghiệp và chi phí xăng dầu trong khâu sản xuất, vận chuyển đều tăng cao khiến giá rau tăng mạnh. Do thời tiết nên chất lượng rau cung ứng ra thị trường kém, hao hụt rất lớn trong quá trình vận chuyển, bảo quản. Mặc dù thời tiết bất thuận nhưng hợp tác xã vẫn động viên bà con nông dân tranh thủ trồng các loại rau ít bị ảnh hưởng bởi mưa úng như rau ngót, rau muống và tăng cường các biện pháp bảo vệ rau ăn lá như căng lưới hạn chế tác động trực tiếp của mưa và tiêu thoát nước để nhanh chóng khôi phục sản lượng rau xanh cung ứng ra thị trường. Rau xanh nội tỉnh và khu vực các tỉnh lân cận khan hiếm, giá tăng cao tạo cơ hội cho nhiều loại rau, củ nhập khẩu từ Trung Quốc về “lấn sân” ở các chợ dân sinh, phổ biến nhất là khoai tây, bắp cải, cải thảo, củ cải, cà chua, cà rốt… Giá bán của các loại rau, củ này rẻ hơn so với rau địa phương nên nhiều gia đình phải lựa chọn. Tuy nhiên qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hầu hết hàng rau, củ, quả của Trung Quốc bày bán tại các chợ chủ yếu nhập khẩu theo đường tiểu ngạch khó kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu và chất lượng nhóm thực phẩm này để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và quyền  lợi người tiêu dùng. Đồng thời tăng cường kiểm soát ngăn chặn, xử lý vi phạm tình trạng lợi dụng thời tiết bất thuận cố tình đẩy giá lên đối với cả một số mặt hàng ít bị ảnh hưởng bởi mưa và ngập úng như nấm tươi, rau mầm, giá đỗ và các loại rau thủy canh.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương thì năm nay mùa đông miền Bắc có rét sớm và rét sâu hơn mọi năm, kèm theo diễn biến nắng gắt sau mưa khiến cho việc canh tác hết sức khó khăn, đặc biệt đối với thời điểm giao mùa như hiện nay. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung rau xanh sẽ không sớm khắc phục được cho đến khi thời tiết ổn định. Do đó, người nội trợ nên cân nhắc sử dụng các loại củ, quả có thời gian lưu trữ dài ngày như bí xanh, bí đỏ, nấm tươi, chuối xanh, hoa chuối, đu đủ hay có thể tự làm một số loại rau mầm vừa đáp ứng nhu cầu rau xanh trong bữa ăn hàng ngày, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com