Nỗ lực khẳng định vị thế trung tâm sản xuất công nghiệp của tỉnh

08:10, 15/10/2021

Thành phố Nam Định có vị trí quan trọng trong vùng ảnh hưởng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và duyên hải Bắc Bộ với vị thế chiến lược trong trục hành lang phát triển kinh tế ven biển của vùng duyên hải Bắc Bộ và chùm đô thị động lực phía Nam đồng bằng sông Hồng. Xuyên suốt lịch sử tròn 100 năm hình thành và phát triển, thành phố Nam Định vẫn luôn giữ vị thế là trung tâm sản xuất công nghiệp của tỉnh, của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước với hàng loạt ngành công nghiệp trọng điểm như: dệt may; cơ khí, sản xuất thuốc và hoá dược… 

Sản xuất các sản phẩm cơ khí đúc tại Công ty TNHH Thắng Lợi (thành phố Nam Định).
Sản xuất các sản phẩm cơ khí đúc tại Công ty TNHH Thắng Lợi (thành phố Nam Định).

Trong giai đoạn 2015-2020, để giữ vững vị thế trung tâm sản xuất công nghiệp, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, thành phố Nam Định tập trung mọi nguồn lực xây dựng, phát triển thành phố hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, trong đó có mục tiêu phấn đấu hướng tới vị thế trung tâm công nghiệp theo hướng đầu tư công nghệ hiện đại, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Thành phố Nam Định đã khẳng định được vị thế trung tâm sản xuất công nghiệp với một số ngành chủ lực như: dệt may, sản xuất thuốc và hóa dược… đứng trong tốp đầu của cả nước. Nhờ đó, đến năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phức tạp nhưng giá trị sản xuất công nghiệp thành phố quản lý (theo giá so sánh 2010) vẫn đạt 17.023 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 15,79%/năm. Các ngành công nghiệp chủ yếu của thành phố trong giai đoạn này vẫn chiếm tỷ trọng lớn như: Dệt, sản xuất trang phục và da giầy đạt 30.528 tỷ đồng, chiếm 61,6%, bình quân hàng năm tăng 25%; cơ khí chế tạo, điện, điện tử, gia công kim loại đạt 8.061 tỷ đồng, chiếm 16,28%, bình quân hàng năm, tăng 18%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu đạt 3.321 tỷ đồng, chiếm 6,71%, bình quân hàng năm tăng 24,47%… trong cơ cấu giá trị của ngành công nghiệp toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2015-2020, thành phố đã thành lập mới gần 1.300 doanh nghiệp, đưa tổng số doanh nghiệp đến nay lên gần 3.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng trên 35% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh. Tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển đạt trên 43 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư xã hội toàn tỉnh. Các Khu công nghiệp: Hoà Xá, Mỹ Trung và Cụm công nghiệp An Xá trên địa bàn thành phố đã thu hút hơn 230 doanh nghiệp đầu tư, trong đó có 34 doanh nghiệp có vốn nước ngoài với 37 dự án. Cùng với các doanh nghiệp, các hộ sản xuất cá thể đã thu hút trên 50 nghìn lao động ở các loại hình sản xuất, kinh doanh. Trình độ quản lý, lao động và trang thiết bị công nghệ được đầu tư theo hướng tiên tiến và hiệu quả. Một số sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp đã có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, tiêu biểu là nhóm ngành Dệt may, cơ khí… Các doanh nghiệp ngành dệt may không chỉ vững vàng ở vị trí chủ lực, chủ đạo mà còn giữ vững và mở rộng được thị trường xuất khẩu sang các nước: Mỹ, EU, Nhật Bản…, đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm trước. Cùng với dệt may, nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cơ khí - điện, sản xuất thuốc và hóa dược, chế biến thực phẩm - đồ uống như các Công ty: Cổ phần Dây lưới thép Nam Định, Cổ phần Chế biến nông sản xuất khẩu Nam Định, Cổ phần Dược phẩm Nam Hà… cũng vững vàng khẳng định thương hiệu trên thị trường. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn thành phố năm 2020 ước đạt 1.250 triệu USD, chiếm 56,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: may mặc chiếm 71,5%, túi xách, dày dép chiếm 15%… các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu: nguyên phụ liệu may chiếm 76%; bông, sơ, sợi, vải 6,2%; da và các mặt hàng liên quan 12,4%… Tranh thủ sự quan tâm của thành phố, các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị, máy móc, nâng cao năng lực cạnh tranh, kiến thức quản lý, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm… Tổng mức đầu tư của các doanh nghiệp ước thực hiện tại Cụm công nghiệp An Xá đến hết năm 2020 đạt 1.300 tỷ đồng; doanh thu ước đạt 2.554 tỷ đồng; tạo việc làm cho 3.200 lao động với mức lương bình quân từ 5,5-6 triệu đồng/tháng. Những tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, giá trị sản xuất công nghiệp thành phố quản lý (giá so sánh năm 2010) ước 9 tháng năm 2021 đạt 12.204 tỷ đồng, tăng 14,35% so cùng kỳ.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập thành phố Nam Định; thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 để góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XX, thành phố Nam Định chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, từng bước chuyển dịch sang các ngành công nghiệp phụ trợ có giá trị gia tăng cao. Phấn đấu thực hiện và hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng do thành phố quản lý tăng từ 15-17%/năm, đến năm 2025, giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt 2 tỷ USD. Để thực hiện và hoàn thành mục tiêu đó, những tháng cuối năm 2021 và thời gian tiếp theo, thành phố Nam Định tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và khuyến khích, hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp lớn, sản phẩm thương hiệu có chất lượng cao và xuất khẩu. Nâng cao chất lượng, khuyến khích xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề cho lao động địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và giải quyết việc làm. Tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, phù hợp với xu thế phát triển chung của cả tỉnh. Phát triển công nghiệp với nhiều loại hình, quy mô và thành phần kinh tế; phát triển tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp nông thôn, nghề thủ công truyền thống, công nghiệp chế biến. Ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và có giá trị gia tăng như: Cơ khí chế tạo, điện - điện tử; hóa chất, dược phẩm, công nghệ sinh học; công nghiệp hỗ trợ. Mở rộng Cụm Công nghiệp An Xá và xây dựng mới các cụm công nghiệp theo quy hoạch được duyệt. Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thu hút các doanh nghiệp lớn có công nghệ cao, sạch, hiện đại, có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách đầu tư trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, làng nghề, Hợp tác xã xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tập trung làm tốt công tác quản lý các loại quy hoạch; cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến, thu hút đầu tư, khai thác triệt để nguồn lực xã hội hóa từ tiềm năng, thế mạnh về đất đai và vị thế là trung tâm của tỉnh và vùng. Tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục về đầu tư và đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, tập đoàn có vốn lớn, công nghệ cao như: VinGroup, SunGroup, FLC... về đầu tư trên địa bàn thành phố theo quy hoạch địa giới hành chính được mở rộng. Tiếp tục kiểm tra, rà soát để xây dựng kế hoạch khai thác quỹ đất dôi dư trong nội thành và quỹ đất hai bên tuyến đường đại lộ Thiên Trường; đường dẫn cầu Tân Phong; đường trục trung tâm phía Nam thành phố... để tăng nguồn thu cho đầu tư phát triển theo quy hoạch sử dụng đất 5 năm và kế hoạch sử dụng đất hàng năm giai đoạn 2021-2025./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com