Nằm ở phía nam huyện Nghĩa Hưng, có tỉnh lộ 490C chạy qua, xã Nghĩa Thành có những thuận lợi trong giao lưu kinh tế - xã hội với các địa phương khác. Hệ thống giao thông đang được đầu tư nâng cấp tạo điều kiện thuận tiện lưu thông hàng hóa; nguồn lao động dồi dào đủ điều kiện đáp ứng tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá ở địa phương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn xã bình quân hàng năm ước đạt 8,5%, trong đó ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 49,2%; ngành thương mại - dịch vụ chiếm 21,7%; ngành sản xuất nông nghiệp - thuỷ sản chiếm 29,1%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 59,2 triệu đồng.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Phùng Thị Lịch ở xóm 3 đã đầu tư mở đại lý kinh doanh hải sản chế biến đem lại thu nhập ổn định. |
Đồng chí Trần Văn An, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để phát huy các lợi thế về địa hình, giao thông trọng yếu; xã đã tập trung lãnh đạo ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hoá, đẩy mạnh phát triển ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ. Quan tâm hỗ trợ và khuyến khích người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng trên địa bàn”. Hiện tại, dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hưng trên địa bàn xã đạt hơn 20 tỷ đồng với 513 hộ vay; trong đó, dư nợ cho vay uỷ thác qua Hội Phụ nữ là 16 tỷ 970 triệu đồng, qua Hội Cựu chiến binh là 3 tỷ 67 triệu đồng. Đồng chí Trần Thị Huyền Chang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Trong những năm qua, Hội Phụ nữ xã đã thực hiện hợp đồng ủy thác cho vay với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đảm bảo các hộ gia đình chính sách ở xã được tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi giúp giảm nghèo, cải thiện kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống, chăm lo cho con em ăn học. Hiện tại, Hội Phụ nữ đang được uỷ thác cho vay 6 chương trình vốn gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, sửa chữa làm nhà ở. Thông qua nguồn vốn uỷ thác của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2020 xuống còn 0,3% (6 hộ). Chị Phùng Thị Lịch ở xóm 3 là hộ đặc biệt khó khăn của xã. Chồng mất sớm, một mình chị tần tảo nuôi 3 con nhỏ. Ngày ngày chị chăm chỉ ra bến bãi thu mua hải sản tươi sống, đồ khô về bán tại chợ, tích góp nhặt nhạnh từng đồng để trang trải kinh tế gia đình nên lúc nào cũng khó khăn. Thấu hiểu và đồng cảm với khó khăn của chị, Hội Phụ nữ xã đã tạo điều kiện cho chị vay vốn các chương trình tín dụng chính sách như nước sạch và vệ sinh môi trường (12 triệu đồng), cho vay hộ cận nghèo (50 triệu đồng), học sinh sinh viên (25 triệu đồng). Các gói vay tín dụng ưu đãi đã tiếp thêm nghị lực từng bước giúp chị vượt qua khó khăn, ổn định kinh tế gia đình. Chị Lịch cho biết: “Sau nhiều năm buôn bán nhỏ lẻ nhờ có thêm vốn vay hiện tại tôi đã nâng cấp lên thành đại lý kinh doanh hải sản, có kho lạnh bảo quản, thu nhập ổn định. Các cháu đều đã được ăn học đầy đủ. Cháu lớn hiện đang học Đại học Luật Hà Nội năm thứ nhất, cháu thứ hai đang học lớp 6 và cháu bé đang học lớp 3. Gia đình tôi từ hộ nghèo đã vươn lên hộ mới thoát nghèo. Hy vọng vốn tín dụng chính sách sẽ tiếp tục hỗ trợ gia đình tôi thoát nghèo bền vững”. Nhiều gia đình khác cũng sử dụng vốn hiệu quả, tạo đòn bẩy thoát nghèo bền vững như chị Vũ Thị Mơ ở xóm Liên Thành với mô hình nuôi trâu sinh sản; chị Vũ Thị Phương ở xóm Công Điền Chỉ Thiện thoát nghèo nhờ nuôi cá mú, tôm thẻ chân trắng… Hiện tại, toàn xã không có nợ đọng, nợ quá hạn, 100% các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả gốc, lãi đúng quy định.
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng chính sách, xã cũng hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng khác của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Quỹ TDND Nghĩa Lâm… Hiện tại, dư nợ của Agribank trên địa bàn xã đạt 36,9 tỷ đồng với 191 hộ còn dư nợ. Dư nợ tại Quỹ TDND Nghĩa Lâm là 35 tỷ đồng với 153 hộ còn dư nợ. Ngoài ra, còn 15 tỷ đồng cho vay qua các tổ chức tín dụng khác. Được vốn tín dụng trợ lực, các hộ dân trong xã đã đầu tư phát triển sản xuất thuỷ, hải sản, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như may công nghiệp, chạm khắc đá, dệt chiếu… đạt hiệu quả kinh tế cao. Đáng kể như nuôi trồng thủy hải sản cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng/ha/năm; thương mại dịch vụ tiếp tục phát triển mạnh trên toàn xã. Anh Trần Văn Thảnh, ở xóm 5 làm đại lý kinh doanh cám kết hợp nuôi lợn của Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hoà Phát (Hưng Yên) hơn 10 năm nay. Thời gian qua, thức ăn chăn nuôi tăng giá đột biến, đặc biệt là cám lợn tăng từ 280 nghìn đồng lên 340 nghìn đồng/bao 25kg khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Được Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh tỉnh Nam Định hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại khoản nợ, anh đã hỗ trợ bà con chăn nuôi trả chậm tiền cám, đồng thời miễn phí vận chuyển cám đến tận các trang trại, gia trại. Hiện tại, bình quân mỗi tháng, đại lý của anh Thảnh cung ứng ra thị trường hơn 300 tấn cám.
Thời gian tới, xã Nghĩa Thành tập trung nâng cấp các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung. Tiếp tục tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả theo chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ. Bổ sung vốn đối ứng của địa phương thông qua hội, đoàn thể để uỷ thác cho vay phát triển kinh tế ở các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và giải quyết việc làm cho đối tượng chính sách. Đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện, có nhu cầu đều được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội; giữ vững chất lượng tín dụng an toàn, hiệu quả. Phấn đấu thu nhập bình quân trên đầu người của xã năm 2021 đạt hơn 65 triệu đồng./.
Bài và ảnh: Đức Toàn