Nghĩa Lâm phát triển thương mại dịch vụ

08:10, 06/10/2021

Nằm ở miền hạ của huyện Nghĩa Hưng, lại không có nhiều điều kiện để thu hút các doanh nghiệp về đầu tư phát triển sản xuất nên để hỗ trợ người dân phát triển ngành nghề, sản xuất hàng hóa, xã Nghĩa Lâm làm tốt khâu tổ chức dịch vụ, thu hút khách hàng thúc đẩy thương mại. Đến nay, xã đã sản xuất được nhiều sản phẩm đặc trưng như miến gạo, miến dong, cá sộp, hương thờ và nhiều nông sản hàng hóa khác, góp phần quan trọng vào việc nâng giá trị sản xuất CN-TTCN, dịch vụ lên trên 60% trong tổng cơ cấu kinh tế của xã.     

Sản xuất miến dong tại gia đình ông Trần Văn Thế, xóm 13, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng).
Sản xuất miến dong tại gia đình ông Trần Văn Thế, xóm 13, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng).

Xã Nghĩa Lâm có nghề chế biến miến gạo, miến dong truyền thống nổi tiếng từ lâu. Năm 2012, UBND xã đã chủ động dồn đổi và quy hoạch gọn vùng diện tích đất công rộng trên 40ha để xây dựng các công trình phúc lợi và dành quỹ đất phát triển ngành nghề, tổ chức dịch vụ tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất với tổng dư nợ từ kênh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội lên đến trên 50 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề của huyện, Sở NN và PTNT tổ chức các lớp dạy nghề cho hàng trăm lượt lao động. Do đó đến nay, nghề sản xuất miến dong, miến gạo truyền thống của xã đã phát triển mạnh với gần 40 hộ tham gia, giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động địa phương. Trung bình mỗi năm sản lượng miến của xã cung ứng ra thị trường khoảng 400 tấn. Gia đình bác Trần Văn Thế, xóm 13 với kinh nghiệm trên 30 năm làm miến dong và là một trong những hộ đầu tư hệ thống máy sản xuất liên hoàn cho biết: Miến dong được gia đình tôi và người dân làng nghề sản xuất từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, không pha trộn, không sử dụng hóa chất tẩy trắng hay tạo màu nên giữ được hương vị đặc trưng và độ dai, giòn vốn có của bột dong. Những năm gần đây chúng tôi đầu tư máy công nghiệp để thay thế lao động phổ thông nên năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành vì thế cũng rẻ hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường. Do đó miến làm ra đến đâu bán hết đến đó, thương lái các nơi về tận xã nhập hàng. Cơ sở của gia đình tôi có hơn chục lao động, mỗi tháng cung ứng khoảng 10 tấn miến, dịp cuối năm vài chục tấn. Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, không chỉ nghề làm miến truyền thống phát triển mà nhiều ngành nghề khác cũng được mở mang trên địa bàn như các nghề: mộc dân dụng, cơ khí, đan cói và làm hương, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 500 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Trong đó nghề làm hương thắp đã phát triển mạnh cả về số lượng cơ sở sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn xã có 11 cơ sở sản xuất hương truyền thống và 1 cơ sở gia công hương xuất khẩu sang Ấn Độ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ việc khai thác thế mạnh sản xuất hàng hóa, Nghĩa Lâm đã trở thành trung tâm trao đổi hàng hóa của khu vực với điểm tập trung là chợ dân sinh quy mô vùng và các cơ sở vệ tinh là 150 hộ sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Đây cũng là lý do khiến các tổ chức tín dụng, đại diện các dịch vụ chuyển phát hàng hóa chọn Nghĩa Lâm để đặt điểm giao dịch phục vụ khách hàng. Ngoài phát huy thế mạnh tổ chức dịch vụ cho sản phẩm làng nghề, Nghĩa Lâm còn khai thác tổ chức tốt việc sản xuất, tiêu thụ các loại thủy hải sản nuôi trồng và đánh bắt. Trong đó trung bình mỗi năm 17 hộ nuôi cá đặc sản nội đồng và 79 hộ nuôi thủy sản ở khu vực Cồn Xanh cung ứng ra thị trường khoảng trên 900 tấn thủy sản, mang lại thu nhập gần 100 tỷ đồng.

Khơi thông phát triển thương mại dịch vụ đã biến xã vùng xa Nghĩa Lâm từ chỗ “khó” thu hút đầu tư trở thành một vùng quê năng động, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Đây là hướng phát triển kinh tế đúng đắn của xã Nghĩa Lâm. Thời gian tới, xã Nghĩa Lâm tiếp tục khuyến khích các hộ đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng đa ngành, đa nghề, thu hút nghề mới để tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Mục tiêu đến hết năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt 10%; giá trị sản xuất CN-TTCN, dịch vụ tăng lên 68%, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com