Nghề chế biến lương thực phát triển trong mùa dịch

05:10, 22/10/2021

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã khiến nhiều làng nghề truyền thống chịu tác động tiêu cực, sản xuất đình đốn hoặc cầm chừng. Tuy nhiên các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm như bún khô, miến dong, bánh đa trên địa bàn tỉnh lại đạt mức tăng trưởng cao do nhu cầu tích trữ lương thực chế biến sẵn tăng cao tại các địa phương có dịch, phải giãn cách xã hội.

Phơi miến dong tại làng nghề truyền thống xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng).
Phơi miến dong tại làng nghề truyền thống xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng).

Mấy tháng qua, không khí lao động ở các làng nghề chế biến miến dong, miến gạo, bún khô ở thôn Phượng xã Nam Dương (Nam Trực), Giao Cù, xã Đồng Sơn; xóm 6, 7 xã Xuân Tiến (Xuân Trường); xã Nghĩa Sơn, xóm 12, 13 xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) xóm Gò, xã Hải Minh (Hải Hậu)… càng gấp gáp, tranh thủ hơn do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh. Vừa răn giở phên miến dong đang phơi, ông Nguyễn Văn Đồng, xóm Gò, xã Hải Minh (Hải Hậu) chủ cơ sở sản xuất miến dong Huệ Đồng cho biết: Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, người dân đều hạn chế đến những nơi đông người để giảm lây lan dịch bệnh, nhu cầu sử dụng các sản phẩm khô, ăn liền, đặc biệt là bún khô, bánh đa, miến dong tăng nhanh. Trước đây làng nghề chủ yếu sản xuất theo mùa vụ thì nay cơ sở đã tăng cường 8 công nhân cùng dàn máy với công suất 1 tấn/ngày sản xuất liên tục. Trung bình mỗi tháng gia đình tôi sản xuất gần 30 tấn sản phẩm mà nhiều khi vẫn không kịp phục vụ khách hàng, sản phẩm làm ra ngày nào thương lái đến lấy hết ngày đó, không có hàng dự trữ. Làng nghề chế biến miến dong, miến gạo, bún khô xã Nam Dương (Nam Trực) có khoảng 30 hộ dân tham gia sản xuất, nhà nào cũng phải huy động tối đa lực lượng nhân công làm việc, tăng ca để nâng công suất lên gấp vài lần. Những ngày nắng ráo, thuận lợi cho phơi sản phẩm, cả thôn vừa sản xuất, vừa bán vài chục tấn miến dong, miến gạo các loại. Khách hàng truyền thống tự tìm đến tận cơ sở thu mua; còn khách lẻ hoặc ở những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội, không vận chuyển tự do được thì đặt hàng qua mạng và được chuyển phát tận tơi. Hàng ngày, xe tải lớn, nhỏ từ Thanh Hóa trở ra, từ Bắc Ninh, Bắc Giang đến các tỉnh miền núi phía Bắc trở xuống, xe của các doanh nghiệp dịch vụ chuyển phát tấp nập đến các làng nghề thu gom hàng hóa. Theo số liệu của Trung tâm Bưu chính Viettel, trong vòng 2 tháng trở lại đây khi dịch bùng phát, chỉ riêng mặt hàng miến dong, bánh đa, bún khô của các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu vận chuyển đi ngoại tỉnh đã tăng đột biến. Ngày cao điểm nhất đơn vị tiếp nhận vận chuyển 40 tấn miến dong, bánh đa đi đến các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Tỉnh ta có 3 làng nghề chế biến lương thực làm miến dong, bánh đa, bún khô truyền thống cùng hàng chục cơ sở khác rải rác ở các huyện. Miến dong, bánh đa, bún khô của tỉnh có chất lượng cao do được sản xuất từ nguồn nguyên liệu địa phương là gạo tẻ và củ dong riềng đỏ được trồng trên các bãi bồi ven sông Hồng, sông Ninh Cơ, sản phẩm không sử dụng chất phụ gia tạo độ dai, giòn hay tạo màu. Bên cạnh đó, thời gian qua sản phẩm đã được hỗ trợ hoàn thiện đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chí OCOP… Tiêu biểu như sản phẩm miến dong Trâm Gà của HTX Kinh doanh Dịch vụ Liên Minh, xã Hải Giang (Hải Hậu) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; miến dong Huệ Đồng, xóm Gò, xã Hải Minh (Hải Hậu) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Với “thẻ bài” này sản phẩm sẽ thuận lợi tham gia vào các kênh phân phối tiêu thụ hiện đại, từ đó mở rộng thị trường. Do đó ngay trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các cơ sở sản xuất miến dong, bánh đa sợi, bún khô… trên địa bàn tỉnh không những duy trì mà gia tăng sản xuất cho kịp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Nhanh chóng thích ứng với nhu cầu của thị trường từ khâu tổ chức sản xuất đến cung ứng sản phẩm, các hộ sản xuất, làng nghề, hợp tác xã chuyên sản xuất bún khô, miến, bánh đa trên địa bàn đã nắm bắt được cơ hội nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường trong điều kiện khó khăn như hiện nay. Để tiếp tục duy trì tốc độ sản xuất, giữ vững thị trường đã có, các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và chính quyền địa phương cần tiếp tục hỗ trợ người dân trong việc tổ chức sản xuất, xây dựng kế hoạch phát triển một cách chuyên nghiệp, tăng cường liên kết phát triển phương thức vận chuyển hàng hóa. Đồng thời không ngừng hoàn thiện sản phẩm cả về chất lượng và hình thức nhãn mác, bao bì để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương


 



Mua trống gỗ chuẩn Chuyên thiết bị bếp công nghiệp FushimaCách viết đơn xin việc chuyên nghiệpTìm hiểu cv là gì

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com