Kinh doanh gặp khó thời COVID-19

04:10, 08/10/2021

Thời gian qua, các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ làm đẹp, các cơ sở massage, quán cà phê trên địa bàn tỉnh phải dừng hoạt động để phòng tránh lây lan của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến thu nhập; nhiều lao động làm thuê cho các hộ kinh doanh cũng bị mất việc làm.

Nhiều cửa hàng trên địa bàn thành phố Nam Định phải đóng cửa hoặc trả lại mặt bằng do tác động của đại dịch COVID-19.
Nhiều cửa hàng trên địa bàn thành phố Nam Định phải đóng cửa hoặc trả lại mặt bằng do tác động của đại dịch COVID-19.

Tại các tuyến phố chính trên địa bàn thành phố Nam Định như: Hàng Đồng, Quang Trung, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Du, Khu đô thị Dệt may Nam Định… vốn sầm uất, nay trở lên thưa vắng người. Hoạt động kinh doanh tạm thời bị ngưng trệ, doanh thu sụt giảm, chi phí phát sinh vẫn phải gánh chịu khiến nhiều hộ kinh doanh gặp khó khăn. Ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt dịch này chính là các chủ hộ kinh doanh đang thuê mặt bằng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài số ít hộ kinh doanh có mặt bằng chính chủ, thì đa phần hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố đang thuê mặt bằng theo hợp đồng dài hạn. Vì thế, dù hoạt động kinh doanh bị tạm dừng, gián đoạn nhưng họ vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng hàng tháng. Để cắt lỗ, nhiều hộ kinh doanh buộc phải tìm đủ cách xoay xở, chuyển hướng hoạt động, thậm chí chấp nhận sang nhượng, trả lại mặt bằng… Chị Nguyễn Thị Thoa, trú tại phường Bà Triệu cho biết: “Tôi thuê mặt bằng ở đường Mạc Thị Bưởi để mở cửa hàng spa chăm sóc sắc đẹp được hơn 1 năm nay, song ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay khiến cửa hàng gặp khó khăn, tiền thuê mặt bằng hàng tháng mất hơn 10 triệu đồng cộng với chi phí điện, nước mất khoảng 3 triệu đồng. Từ khi bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đến nay, cửa hàng phải đóng cửa để thực hiện công tác phòng, chống dịch, thu nhập không có, tiền thuê nhà vẫn phải trả. Có thể tôi phải nhượng lại cửa hàng chờ thời gian thích hợp hoặc hết dịch tiếp tục hoạt động kinh doanh...”. Một chủ cửa hàng cà phê trên đường Quang Trung cho biết, cách đây 1 năm, chủ cửa hàng đã thuê mặt bằng có diện tích khoảng 100m2 với thời gian ký hợp đồng 3 năm, giá thỏa thuận với chủ hộ là gần 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, khi phải đóng cửa phòng dịch COVID-19, chủ cửa hàng không đủ chi phí trang trải số tiền thuê mặt bằng hàng tháng nên đã phải trả lại mặt bằng cho chủ hộ. Chủ cửa hàng cho biết: “Thực tế từ khi chưa có yêu cầu tạm dừng hoạt động của chính quyền địa phương thì việc kinh doanh của cửa hàng đã bị ảnh hưởng, lượng khách trở nên thưa vắng do lo ngại dịch bệnh. Mặc dù vậy tôi vẫn cố cầm cự để kinh doanh nhưng từ đầu tháng 5, cửa hàng phải dừng hoạt động hoàn toàn. Tôi đã trao đổi với chủ về việc giảm giá thuê nhà nhưng họ không đồng ý nên đành trả lại mặt bằng”.

Thời điểm này có không ít hộ kinh doanh buộc phải trả lại mặt bằng vì không có tiền trả lương cho nhân viên và tiền thuê nhà. Tại các tuyến phố chính trên địa bàn thành phố, nhiều cửa hàng đã treo biển thông báo “Tạm nghỉ không thời hạn do dịch” hay “Trả mặt bằng do dịch”… Mặc dù một số chủ cho thuê mặt bằng đã giảm giá thuê hàng tháng, nhưng nhiều người kinh doanh vẫn không muốn tiếp tục thuê mặt bằng, mà xoay sang nghề khác để kiếm thêm thu nhập. Đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như thu nhập của các cửa hàng, dịch vụ, quán ăn trên địa bàn thành phố Nam Định. Đại diện cửa hàng Highlands Coffee trên đường Nguyễn Du, cho biết: Hiện nay cửa hàng phải dừng hoạt động, chưa biết khi nào mới mở cửa trở lại. Vì thế quản lý cửa hàng đành phải cho nhân viên nghỉ việc, tự kiếm việc khác để làm. Phải đóng cửa phòng chống dịch, người kinh doanh như chúng tôi thiệt thòi đủ đường, vừa thất thu vừa có nguy cơ mất nhân viên. Mặc dù rất muốn giữ nhân viên ở lại làm việc với mình, nhưng vì doanh thu không có nên không có tiền trả lương, buộc phải cho nhân viên tạm nghỉ việc. Chung nỗi trăn trở với các chủ hộ kinh doanh, một số cửa hàng ăn uống vẫn được duy trì mở cửa, nhưng bị thất thu do lượng người đến ăn giảm mạnh vì lo ngại dịch COVID-19. Theo chia sẻ của một số chủ cửa hàng, doanh thu trong dịp này giảm sút 80%. Có cửa hàng còn muốn tạm đóng cửa vì không bán được hàng.

Thực tế tác động của đại dịch COVID-19 đối với mọi mặt của nền kinh tế cũng như đời sống xã hội là rất rõ, làm thay đổi xu hướng mua và bán, hạn chế mức chi tiêu dùng, nhu cầu và sức mua các mặt hàng thiết yếu của người dân cũng thắt chặt hơn do nguồn thu nhập giảm đáng kể. Để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh, tiểu thương vượt qua giai đoạn khó khăn, cùng với thực hiện các giải pháp phòng, chống COVID-19, chính quyền các cấp cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh cần chủ động vượt qua thách thức, nhanh chóng tìm hướng đi mới nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn khó khăn, thích nghi với những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com