Hội Nông dân Nghĩa Hưng giúp hội viên vay vốn phát triển sản xuất

08:10, 29/10/2021

Tích cực quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống hội viên, những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Nghĩa Hưng đã triển khai nhiều hoạt động giúp hội viên vay và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Mô hình nuôi ếch của hội viên nông dân Nguyễn Văn Tụng, xã Nghĩa Hồng.
Mô hình nuôi ếch của hội viên nông dân Nguyễn Văn Tụng, xã Nghĩa Hồng.

Các cấp  HND trong huyện đã nhận ủy thác, tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN và PTNT cho hội viên vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đến nay, dư nợ vốn vay Ngân hàng NN và PTNT đạt 1.826 tỷ đồng cho 8.194 hộ vay; dư nợ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 117,849 tỷ đồng cho 2.820 hộ vay; nguồn vốn Quỹ giải quyết việc làm (Vốn 120) của Trung ương Hội 675 triệu đồng cho 10 hộ vay; dư nợ các Ngân hàng thương mại 8 tỷ đồng cho 60 hộ vay. Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện và cơ sở hiện có 1 tỷ 430 triệu đồng cho 71 hộ vay, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho hội viên vay phát triển sản xuất, kinh doanh theo mô hình dự án để xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác, nhóm hộ, trang trại, doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh đó, toàn huyện hiện có 19 tổ hợp tác duy trì hoạt động ổn định với 314 thành viên cùng góp quỹ, xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, giúp đỡ nhau về giống, vốn, kỹ thuật và giá cả tiêu thụ sản phẩm. Nhiều mô hình đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả được các địa phương nhân rộng. Nhiều tổ, nhóm nông dân liên kết, hợp tác được hình thành, phát triển, tác động tích cực, khuyến khích nông dân sản xuất hàng hóa theo đúng quy trình kỹ thuật, thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn… Tiêu biểu như các tổ hợp tác: Trồng nấm dược liệu tại xã Nghĩa Phong; chăn nuôi lợn thịt và sinh sản tại xã Nghĩa Tân; nuôi cá bống bớp tại thị trấn Rạng Đông; nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản ở xã Nghĩa Hải; nuôi trồng thủy, hải sản và tiêu thụ cá nước lợ ở xã Phúc Thắng; nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Nghĩa Lợi; nuôi trồng thủy sản ở các xã Nghĩa Châu, Nghĩa Bình, Nghĩa Hùng; nuôi trâu, nuôi ếch ở xã Nghĩa Hồng; phát triển sản xuất trồng hoa, cây cảnh ở thị trấn Liễu Đề. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, 3 năm qua, các cấp HND trong huyện đã chủ động phối hợp với các trường, trung tâm dạy nghề tổ chức 46 lớp cho 1.575 lao động học nghề đan cói, may công nghiệp, trồng cây cảnh, nuôi trồng thuỷ sản; trong đó các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Tân, Nghĩa Thái, Nghĩa Phong, Phúc Thắng, thị trấn Rạng Đông, thị trấn Liễu Đề mở nhiều lớp, số lượng hội viên học nghề đông. Ngoài ra các cấp HND trong huyện còn hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ. Từ năm 2018 đến nay, HND các cấp đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, ban nông nghiệp xã tổ chức 171 lớp với 24.218 lượt hội viên tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc lúa, cây trồng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Từ nguồn vốn vay, hội viên nông dân trong huyện hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để phát triển kinh tế. Hàng năm, HND huyện chỉ đạo HND các xã, thị trấn phát động trên 26 nghìn hộ nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, cuối năm bình xét có trên 13 nghìn hộ đạt theo tiêu chí mới.

Ngày càng có nhiều hội viên vươn lên làm giàu; tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Bảy, chi hội nông dân 11, xã Nghĩa Hồng sản xuất ếch giống và nuôi ếch thịt; ông Vũ Thế Anh, chi hội 3, xã Nghĩa Bình nuôi tôm thẻ chân trắng; ông Nguyễn Văn Sơn, tổ dân phố 6, thị trấn Rạng Đông chuyên sản xuất giống, nuôi cá bống bớp thương phẩm kết hợp tiêu thụ sản phẩm; ông Lương Văn Huynh, chi hội 10, xã Nghĩa Hùng sản xuất hương xuất khẩu; ông Phạm Văn Hoàng, chi hội 10, xã Hoàng Nam sản xuất gạch đất nung, giải quyết việc làm cho 50 lao động với thu nhập 6-8 triệu đồng/người/tháng; các ông Tạ Xuân Hóa, Trần Văn Hiệp, Vũ Văn Chức, Nguyễn Văn Đương ở xã Phúc Thắng khai thác, nuôi thả vạng thu từ 1-2 tỷ đồng/năm. Bà Trần Thị Nhẫn, chi hội nông dân 8A, xã Nghĩa Lâm nuôi cá chuối sản lượng đạt 25-30 tấn/năm. Mỗi gia đình trong Tổ hợp tác chế biến thủy hải sản ở Nghĩa Hải tạo việc làm cho 10-15 lao động, thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hội viên các chi hội ở thị trấn Liễu Đề trồng hoa cây cảnh, cho thu nhập 300-350 triệu đồng/hộ/năm. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn xuất hiện nhiều điển hình ở các xã, thị trấn tạo việc làm, thu nhập cho hội viên. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn vận động cán bộ, hội viên hưởng ứng cuộc vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” hàng năm; phát động mỗi chi hội đăng ký giúp từ 1-3 hộ thoát nghèo, mỗi xã, thị trấn trực tiếp giúp 1 hộ nghèo nâng cao đời sống. Từ năm 2018 đến nay, hội viên trong huyện đã quyên góp 152 triệu đồng, 600 ngày công, vật tư, cây, con giống trị giá 98,5 triệu đồng giúp hội viên nghèo phát triển sản xuất.

Thời gian tới, các cấp HND huyện Nghĩa Hưng tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, hội viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa việc xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân; phối hợp, nhận ủy thác, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhân rộng cách làm hay, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, góp phần đẩy mạnh hoạt động công tác Hội và các phong trào nông dân, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại địa phương./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



Nhóm vay h5 là gì

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com