Hiệu quả nguồn vốn Agribank thông qua tổ vay vốn ở Trực Ninh

08:10, 05/10/2021

Sau 5 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 55), đến nay đã có hàng nghìn hộ dân huyện Trực Ninh được tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ phát triển kinh tế của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Nhiều tổ vay vốn, tổ liên kết, hợp tác xã được thành lập, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện đời sống người dân nông thôn.

Từ nguồn vốn vay của Agribank, xưởng đồ gỗ Minh Châu tại đường Thống Nhất, thị trấn Cổ Lễ đã duy trì sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động.
Từ nguồn vốn vay của Agribank, xưởng đồ gỗ Minh Châu tại đường Thống Nhất, thị trấn Cổ Lễ đã duy trì sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động.

Tính đến hết tháng 6-2021, có 2 đoàn thể nhận ủy thác của Agribank Chi nhánh huyện Trực Ninh trên địa bàn huyện là Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ với tổng cộng 389 tổ vay vốn. Trong đó, Hội Nông dân huyện quản lý 380 tổ với dư nợ là 1.210 tỷ đồng, 5.148 hộ đang vay vốn. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện quản lý 9 tổ với dư nợ là 33,4 tỷ đồng, 222 hộ đang vay vốn. Đến nay, công tác cho vay thông qua tổ vay vốn thực sự đã trở thành cầu nối giữa ngân hàng với người nông dân, góp phần chuyển tải dòng vốn ưu đãi đến tận tay người nông dân kịp thời và hiệu quả. Việc cho vay qua tổ vay vốn không chỉ tạo thuận tiện cho khách hàng trong quá trình quan hệ tín dụng với ngân hàng mà còn giúp ngân hàng trong quản lý khách hàng, giảm áp lực quản lý khách hàng cho cán bộ tín dụng. Ngoài ra, tổ trưởng tổ vay vốn được lựa chọn là người có uy tín, gần gũi với các thành viên và có thể bám sát, đôn đốc, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các thành viên trong tổ; hỗ trợ các cán bộ tín dụng trong việc mở rộng tín dụng và đôn đốc trả nợ, bảo đảm tỷ lệ lãi thực thu cao, nâng cao chất lượng tín dụng. Mặt khác, việc tham gia tổ vay vốn cũng tạo điều kiện cho các thành viên học hỏi, trao đổi về phương thức đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả vốn vay ngân hàng, bảo đảm khả năng trả nợ. Nhiều tổ trưởng tổ vay vốn nhiệt huyết, được tập huấn và hiểu về các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng đã trở thành một kênh phân phối sản phẩm dịch vụ hiệu quả tại địa bàn. Để hỗ trợ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, cán bộ tín dụng của Agribank phụ trách các xã, thị trấn trực tiếp hỗ trợ các tổ trưởng tổ vay vốn bảo đảm thực hiện tốt công tác thẩm định hồ sơ cho vay, quá trình giải ngân; phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ vay vốn, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những vi phạm phát sinh, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng. Trưởng Phòng giao dịch các khu vực duy trì tổ chức giao ban hàng tháng với tổ trưởng các tổ vay vốn; chủ động tham mưu với chính quyền các địa phương về công tác chỉ đạo liên quan đến mục tiêu phát triển kinh tế, đầu tư vốn có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tế của địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các tổ vay vốn thu nợ, thu lãi và đôn đốc các hộ vay chấp hành nghiêm việc trả nợ tiền gốc, tiền lãi đúng quy định; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến thủ tục vay vốn; thẩm định vốn góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Hàng tuần, cán bộ tín dụng thực hiện nghiêm báo cáo tiến độ công việc, mức độ hoàn thành, khoanh nợ tiềm ẩn, nợ quá hạn phát sinh để kịp thời có giải pháp xử lý phù hợp bảo đảm an toàn tuyệt đối vốn vay. Mọi hoạt động kinh doanh tín dụng của Agribank luôn được công khai nên tạo được sự đồng thuận giữa ngân hàng với khách hàng. 

Đồng chí Dương Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cổ Lễ cho biết: “Hiện tại, dư nợ thông qua 20 tổ vay vốn của Hội Nông dân thị trấn là 108 tỷ đồng với 452 hộ còn dư nợ. Mức vay với lãi suất ưu đãi từ 50 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, giúp người dân dễ dàng lựa chọn các khoản vay phù hợp với kế hoạch đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tổ vay vốn luôn tích cực hỗ trợ về thủ tục chỉ 1-2 ngày có thể giải ngân nên người dân không lo mất cơ hội đầu tư tốt. Hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế địa phương”. Để chứng minh điều đó, cán bộ Hội đưa chúng tôi đến thăm xưởng đồ gỗ Minh Châu trên đường Thống Nhất, thị trấn Cổ Lễ. Trước khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp xưởng đồ gỗ Minh Châu hoạt động nhộn nhịp thường xuyên với 7 công nhân, lương bình quân từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hàng tháng của xưởng đạt 300 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, dịch bệnh khiến việc tiêu thụ sản phẩm, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, xưởng phải cho nghỉ luân phiên 4 tốp thợ. Hiện tại xưởng đang có 20 đơn hàng đang chờ xuất bán trên thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhưng do giãn cách, hạn chế lưu thông nên chưa thể thu hồi vốn. Anh Vũ Minh Châu, chủ xưởng cho biết: “Dịch bệnh COVID-19 khiến cho số lượng các đơn hàng giảm đến 30-40%. Hàng tồn kho do phải thực hiện giãn cách, các tỉnh đều hạn chế lưu thông vận tải, đặc biệt là 2 thị trường chính: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Rất may Agribank Chi nhánh huyện Trực Ninh đã hỗ trợ giảm lãi suất vay hiện hữu để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh cho cơ sở. Hiện tại, dư nợ của gia đình tại ngân hàng là 1 tỷ đồng”. Dịch bệnh cũng khiến gia đình ông Vũ Ngọc Diệp ở tổ dân phố Nghĩa Sơn, thị trấn Cổ lễ hộ nuôi cá gặp khó khăn về vốn do cá giống chưa thể xuất bán, giá cám lại tăng chóng mặt. Cả 4 sào ao cá giống đều đã chậm xuất hơn 3 tháng nay. Được Hội Nông dân thị trấn giúp đỡ, ông cũng được Agribank Chi nhánh huyện giải ngân cho vay 50 triệu đồng để duy trì đàn cá chờ xuất bán. 

Thời gian tới, các hội, đoàn thể huyện nhận ủy thác tiếp tục phối hợp với Agribank Chi nhánh huyện Trực Ninh tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ vay vốn. Chi nhánh tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới tín dụng từ huyện đến các phòng giao dịch, tổ vay vốn trong việc điều tra, thẩm định, cung cấp thông tin tư vấn, giải quyết cho vay kịp thời, đúng quy trình nghiệp vụ; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc sử dụng vốn vay đúng mục đích; thực hiện tốt quy chế công khai, dân chủ trong đầu tư tín dụng. Áp dụng linh hoạt lãi suất phù hợp với tình hình thị trường nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiền, vay tiền. Tiếp tục đổi mới thái độ, tác phong giao tiếp, rút ngắn thời gian thanh toán, giải ngân, bảo đảm giao dịch chính xác, kịp thời để thu hút và mở rộng khách hàng từ dân cư. Gắn công tác tín dụng và phát triển sản phẩm dịch vụ với công tác huy động vốn từ các tổ chức kinh tế, tăng tỷ trọng tiền gửi thanh toán, tiền gửi từ dân cư và tiền gửi có kỳ hạn ổn định để nâng cao tính chủ động trong sử dụng vốn./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



Ứng dụng Tiết Kiệm Nhóm Thanh toán vnpay qr từ thẻ tín dụng VPBank NEO

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com