Gỡ khó cho tiêu thụ thủy sản

05:10, 29/10/2021

Dịch COVID-19 đã khiến việc tiêu thụ nông sản, nhất là thủy sản của tỉnh ta gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn đầu năm, do thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh nên việc vận chuyển, tiêu thụ thủy sản giữa các địa phương bị hạn chế; chợ, nhà hàng, quán ăn, các khu du lịch tạm thời đóng cửa, giảm sức tiêu thụ. Hiện nay, toàn quốc đã chuyển sang trạng thái thích ứng, an toàn, thúc đẩy khôi phục, phát triển kinh tế nhưng việc tiêu thụ thủy sản vẫn còn khó khăn và dự kiến tiếp tục gặp khó tại các thị trường xuất khẩu cũng như nội địa bởi ảnh hưởng sâu từ sự sụt giảm chung của nền kinh tế, thu nhập của phần lớn người dân bị sụt giảm do tác động của đại dịch. Trước thực trạng này, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã tăng cường các giải pháp thiết thực gỡ khó cho tiêu thụ thủy sản.

Thu mua hải sản tại bến cá Giao Hải (Giao Thủy).
Thu mua hải sản tại bến cá Giao Hải (Giao Thủy).

Giai đoạn nhiều tỉnh thực hiện quy định giãn cách, vận chuyển hàng hóa chưa được lưu thông, các ngành chức năng, địa phương đã khuyến cáo các cơ sở, doanh nghiệp, các tiểu thương cũng như các hộ nuôi trồng, đánh bắt chủ động giảm mức lợi nhuận ở tất cả các công đoạn sản xuất nhằm cung ứng thủy sản ra thị trường với mức giá “mềm” phù hợp khả năng chi trả, kích thích sức mua của người dân. Nhờ đó, thời gian qua thị trường thủy sản bán lẻ nội tỉnh đã khai thác sâu được sức mua của người tiêu dùng, giảm bớt sức ép tiêu thụ liên tỉnh. Các ngành, các địa phương cũng khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thủy sản có điều kiện về vốn tranh thủ nhập nguyên liệu dự trữ giúp giảm giá đầu vào cho sản phẩm, đồng thời giảm được áp lực đầu ra cho người đánh bắt, nuôi trồng. Ngành Công Thương đã hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thủy sản tại các huyện tiếp cận chương trình khuyến công để có thêm vốn đầu tư nâng cấp dây chuyền chế biến thủy sản. Ngành Khoa học và Công nghệ cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp chế biến thủy sản đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Huyện Hải Hậu đã khuyến khích, hỗ trợ giúp 43 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đến VietGAP; 70 cơ sở thu mua chế biến thủy sản đầu tư nâng cấp thiết bị, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Toàn huyện còn có 26 sản phẩm thủy sản được UBND tỉnh công nhận đạt sản phẩm OCOP. Trong đó, 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao là nước mắm Ninh Cơ của Công ty CP Chế biến hải sản Nam Định và nước mắm cốt cá cơm của Công ty TNHH Hải sản Hải Thịnh; 24 sản phẩm đạt 3 sao. Các ngành, các địa phương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các kênh hợp tác, tiêu thụ nông sản nói chung, sản phẩm thủy sản nói riêng. Đáng chú ý, Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh đã hợp tác với Chi nhánh Bưu chính Viettel Nam Định tổ chức sàn thương mại điện tử voso.vn, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm thủy sản, trên nền tảng số, giảm thiểu sự phụ thuộc vào thương lái và ảnh hưởng của dịch bệnh. Kênh thông tin nhanh, đầy đủ với chi phí thông tin, quảng bá sản phẩm thấp giúp các doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể có thể trực tiếp liên kết với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các sản phẩm đưa công khai lên sàn thương mại giúp cho việc quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Các ngành chức năng chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện điều kiện sản xuất và hồ sơ cần thiết để tham gia xuất khẩu chính ngạch; hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tiếp cận bạn hàng tại các thị trường có tiềm năng mới. Các doanh nghiệp chủ động tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng của thị trường nước ngoài, nhất là thị trường EU để kịp thời điều chỉnh phương án sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lenger Việt Nam: So với năm 2020, từ đầu năm đến nay bên cạnh tập trung khai thác sâu, gia tăng doanh thu của dòng sản phẩm đóng hộp tại thị trường nội địa, Công ty tiếp tục tăng trưởng khoảng 50% doanh thu xuất khẩu tại thị trường EU. Để đạt được kết quả kể trên, với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng, Công ty đặc biệt chú trọng đáp ứng yếu tố truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và cung ứng linh hoạt, đa dạng các dòng sản phẩm theo hướng hợp lý với khả năng chi trả của người tiêu dùng.

Những nỗ lực kể trên đã giảm không nhỏ áp lực tiêu thụ sản phẩm thủy sản của tỉnh ta. Thời gian tới, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn phức tạp không tránh khỏi những tác động tiêu cực cho tiêu thụ thủy sản, nhất là các sản phẩm thủy sản tươi sống. Để thúc đẩy tiêu thụ thủy sản, tỉnh ta chủ trương đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng khoa học công nghệ về giống, nuôi trồng, thú y phòng bệnh; tăng cường xây dựng thương hiệu các mặt hàng thủy sản, chú trọng có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thủy sản chủ lực của tỉnh, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao nhằm xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường quốc tế. Quyết liệt thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, ngăn chặn khai thác thủy sản theo hình thức tận diệt và thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về IUU, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. Tiếp tục cơ cấu lại, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp bảo quản, chế biến, xuất khẩu các nhóm sản phẩm thủy sản có lợi thế của tỉnh như sứa biển, nước mắm truyền thống, bột cá, các sản phẩm từ nhuyễn thể hai mảnh vỏ... theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu giám sát an toàn thực phẩm của thị trường. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch, mua bán sản phẩm thủy sản qua trung tâm đấu giá, sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm thủy sản. Nâng cao năng lực trao đổi, tiếp cận thông tin thị trường, thương mại cho doanh nghiệp, cán bộ quản lý và các bên liên quan; triển khai các chính sách hỗ trợ cho các Hiệp hội ngành hàng xây dựng, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Củng cố và phát triển thị trường trong nước trên cơ sở đa dạng các sản phẩm chế biến từ các đối tượng nuôi truyền thống, đối tượng nuôi mới, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam; nghiên cứu, nắm vững xu thế phát triển về quy mô và chuyển dịch cơ cấu tiêu dùng từng mặt hàng trên thị trường để định hướng phát triển hợp lý./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com