Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), 9 tháng đầu năm 2021, sản lượng vận tải hành khách và hàng hoá của tỉnh ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 bùng phát trở lại: khối lượng vận tải hành khách đạt 12,147 triệu lượt người (52,8%); khối lượng vận chuyển hàng hoá đạt 15,736 triệu tấn (bằng 68,8%) so với kế hoạch năm 2021.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và của UBND tỉnh, Sở đã phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT các tỉnh, thành phố trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải hành khách và hàng hoá bằng xe ô tô; thực hiện các biện pháp giãn cách, tạm dừng hoạt động đối với phương tiện tới các địa phương có diễn biến dịch COVID-19 phức tạp. Từ ngày 24-7-2021 đến nay cơ bản tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách đường bộ liên tỉnh từ tỉnh ta đi, đến 44 tỉnh, thành phố phía Bắc và phía Nam. Hoạt động vận tải hành khách công cộng nội tỉnh (xe buýt, taxi) các đơn vị vận tải chủ động điều chỉnh kế hoạch khai thác, hoạt động phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh: Công ty Cổ phần Xuân Thiệu Nam Định tạm dừng hoạt động tuyến buýt liên tỉnh NH05 đi tỉnh Hà Nam, giảm 50% số chuyến đối với các tuyến NĐ-01, NĐ-02, NĐ-03; Công ty TNHH Ô tô Đại Duy giảm 50% số chuyến đối với các tuyến NĐ-07, NĐ-08A, NĐ-08B, NĐ-10; các đơn vị hoạt động vận tải hành khách bằng taxi hoạt động với 12-15% số lượng xe của đơn vị.
Phương tiện vận tải hành khách của các doanh nghiệp không được hoạt động do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bùng phát trở lại. |
Chia sẻ về những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 tới các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của tỉnh, ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định cho biết: Từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và bùng phát trở lại từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua nhìn chung các doanh nghiệp, Hợp tác xã vận tải trong tỉnh đã chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch nên đã góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan qua hoạt động vận tải hành khách, hàng hoá. Do vậy, doanh thu, tăng trưởng của các doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh doanh vận tải cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội, hiện nay có đến gần 80% phương tiện vận tải của các đơn vị phải vay vốn ngân hàng để đầu tư. Trong khi đó, do tác động của dịch bệnh hoạt động vận tải khách tuyến cố định, xe buýt, taxi đều phải: cắt giảm tần suất; giảm số lượng khách/chuyến; giảm số lượng xe xuất bến/tuyến với khoảng 60% số lượng phương tiện không được hoạt động; cá biệt các đơn vị hoạt động vận tải hành khách bằng taxi hoạt động với 12-15% số lượng xe của đơn vị. Sản lượng số phương tiện được hoạt động chỉ đạt mức 50% nên doanh thu của các đơn vị giảm từ 60-70%. Sản lượng, doanh thu vận tải giảm đã kéo theo nhiều hệ luỵ cho các đơn vị kinh doanh vận tải như: lãi suất vay ngân hàng; trả lương và hỗ trợ lương thất nghiệp tạm thời cho người lao động; thanh toán các loại Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tạm thời phải nghỉ việc… Trước tình hình trên, Sở GTVT đã tổng hợp kiến nghị của Hiệp hội, báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT một số kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh doanh vận tải trong tỉnh. Về chính sách thuế đề nghị giảm 50% thuế VAT cho xe vận tải hàng hoá, miễn 100% thuế VAT cho doanh nghiệp vận tải hành khách trong thời gian 12 tháng, miễn thuế ấn định cho những phương tiện phải ngừng hoạt động để phòng, chống dịch. Đề nghị được miễn hoặc hoãn thời gian thanh toán Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp… và không tính lãi nộp chậm đến khi hoạt động vận tải ổn định trở lại. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh có cơ chế giảm lãi suất, khoanh hoặc giãn nợ cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh doanh vận tải gặp khó khăn về tài chính do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Kiến nghị Bộ GTVT trình Chính phủ cho lùi thời gian lắp camera giám sát hành trình đối với phương tiện vận chuyển hành khách từ 9 chỗ ngồi trở lên, xe công-ten-nơ (theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP) đến ngày 31-7-2023 thay vì thời điểm 1-7-2021. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên vận tải toàn quốc, ban hành hướng dẫn triển khai phần mềm kê khai thông tin giấy nhận diện cho phương tiện vận tải hàng hoá (cấp thẻ nhận diện tự động). Đã tiếp nhận 5.063 hồ sơ; trong đó duyệt 1.492 hồ sơ, từ chối 3.571 hồ sơ đề nghị cấp thẻ nhận diện mã QR Code phục vụ các đơn vị, doanh nghiệp chở hàng thiết yếu. Lập đoàn kiểm tra, hậu kiểm đối với các phương tiện được cấp thẻ nhận diện QR Code tại 28 đơn vị vận tải hàng hoá trên địa bàn tỉnh. Về kiến nghị miễn, giảm lãi suất ngân hàng, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn nghiên cứu các quy định của pháp luật để triển khai các biện pháp khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh doanh vận tải gặp khó khăn về tài chính do dịch COVID-19 bùng phát. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực vận tải được hỗ trợ vay vốn với lãi suất cho vay là 0%/năm để trả lương ngừng việc tạm thời cho người lao động, phục hồi kinh doanh của đơn vị.
Trong những tháng cuối năm 2021, để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh doanh vận tải, Sở GTVT tiếp tục phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải. Trong đó bám sát tình hình, kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng dịch COVID-19 phù hợp với các chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, hướng dẫn của Bộ Y tế... đảm bảo đúng quy định và công tác phòng dịch COVID-19. Đề xuất Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh bố trí nguồn vắc-xin để ưu tiên cho đối tượng lái xe, người phục vụ theo xe được tiêm mũi 2 phòng COVID-19. Chỉ đạo Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh, các đơn vị trực thuộc tiếp tục theo dõi tổng hợp số liệu, kiến nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ doanh nghiệp vận tải khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tăng cường hướng dẫn các đơn vị đăng ký tài khoản để thực hiện nộp trực tuyến hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu, biển hiệu xe ô tô trên cổng Dịch vụ công quốc gia. Xây dựng kế hoạch huy động phương tiện vận tải phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân dịp cuối năm 2021 và Tết Dương lịch năm 2022./.
Bài và ảnh: Thành Trung