Giải pháp khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang (kỳ 1)

07:10, 31/10/2021

Trước tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang đang có xu hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Hiện các ngành chức năng, các địa phương đang tích cực tìm giải pháp để giải quyết nhằm kéo giảm, hạn chế lãng phí nguồn tài nguyên đặc biệt này, góp phần gia tăng thu nhập cho nông dân.

Từ nhiều năm nay, khu ruộng chân cầu Lạc Quần địa bàn xã Xuân Ninh (Xuân Trường) đã bị bỏ hoang gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai (ảnh 1); Nông dân xã Giao An (Giao Thủy) thu hoạch lúa mùa năm 2021 (ảnh 2).
Từ nhiều năm nay, khu ruộng chân cầu Lạc Quần địa bàn xã Xuân Ninh (Xuân Trường) đã bị bỏ hoang gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

Bài 1: Vì sao tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp gia tăng?

Từ 4 năm nay, khu ruộng 2 lúa vốn khá màu mỡ trước đây rộng hơn 1ha của đội 6, HTX Bảo Xuyên, xã Liên Bảo (Vụ Bản) đã bị bỏ hoang, cỏ dại mọc tốt um và trở thành bãi chăn thả trâu, bò của người dân địa phương. Chị Phạm Thị Nghĩa là một trong những hộ có đất ruộng bỏ hoang tại khu vực này cho biết: Gia đình chị có hơn 3 sào ruộng ở khu đồng này nhưng phải để hoang vì cấy lúa không hiệu quả. Theo tính toán của chị, tổng chi phí từ tiền thuê cày, bừa đến mua giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu, tiền thuê gặt cho 1 sào lúa ước 800-900 nghìn đồng, chưa kể công cấy, chăm sóc, phun trừ sâu bệnh, trong khi năng suất lúa chỉ đạt 180-200kg/sào. Với giá bán trên thị trường hiện vào khoảng hơn 7.000 đồng/kg, chị chỉ thu được từ 1,3-1,4 triệu đồng/sào. Sau khi trừ chi phí, tính ra mỗi vụ lúa (6 tháng) nếu thuận lợi, được mùa gia đình chị chỉ thu được khoảng 400-500 nghìn đồng/sào. Thu nhập từ cây lúa quá thấp khiến chị không còn thiết tha với làm ruộng. Đã thế điều kiện canh tác khu vực này ngày càng khó khăn do có Công ty Nước sạch Liên Bảo, Nhà máy điện Cầu Giành, Công ty TNHH May Nam Anh mới xây dựng xung quanh cánh đồng làm phá vỡ hệ thống thủy lợi nội đồng ảnh hưởng tới việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Mặt khác, trên địa bàn hiện có nhiều doanh nghiệp hoạt động, đi làm công nhân có thu nhập ổn định 5-7 triệu đồng/tháng, đáp ứng các nhu cầu chi tiêu, đời sống của gia đình nên chị quyết định đi làm công nhân, không còn mặn mà với việc trồng cấy nữa… Chị Nghĩa bộc bạch: “Đi làm công nhân cho Công ty không phải lo nắng mưa, sâu bệnh, thời vụ cấy hái như làm ruộng, có thu nhập ổn định lại được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nên cũng yên tâm hơn rất nhiều so với làm ruộng(!)”. Không chỉ các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp tập trung thu hút lao động mà tại nhiều thôn, xóm, nhiều xưởng may mặc, cơ sở cơ khí, đồ mộc gia dụng cũng phát triển nhiều đã thu hút phần lớn lực lượng thanh niên, người lao động trong độ tuổi lao động vào làm việc. Do đó ở một số địa phương có tình trạng thiếu lao động làm ruộng khiến đất nông nghiệp bỏ không, thậm chí cho mượn cũng không ai nhận làm. 

Theo số liệu thống kê của Sở NN và PTNT, vụ mùa năm 2021, tại các địa phương trong tỉnh có 24.058 hộ ở 135 xã, thị trấn bỏ ruộng hoang. Tổng diện tích ruộng bỏ hoang là 2.364ha; trong đó huyện Trực Ninh là địa phương có diện tích ruộng bỏ hoang nhiều nhất với 637ha, tiếp theo là huyện Ý Yên 592ha, thành phố Nam Định 228ha, Xuân Trường 175ha, Nam Trực 171ha, Giao Thủy 138ha… 

Từ nhiều năm nay, khu ruộng chân cầu Lạc Quần địa bàn xã Xuân Ninh (Xuân Trường) đã bị bỏ hoang gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai (ảnh 1); Nông dân xã Giao An (Giao Thủy) thu hoạch lúa mùa năm 2021 (ảnh 2).
Nông dân xã Giao An (Giao Thủy) thu hoạch lúa mùa năm 2021.

Tìm hiểu nguyên nhân nông dân bỏ ruộng là do một số diện tích thuộc chân ruộng trũng, thấp hay bị ngập úng vào mùa mưa, đồng ruộng ở xa khu dân cư, chi phí đầu tư sản xuất cao, trong khi lợi nhuận thấp. Ở một số xã, thị trấn có ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như may mặc, thủ công mỹ nghệ, cơ khí, mộc…; các khu, cụm công nghiệp với hàng trăm doanh nghiệp đi vào hoạt động đã tạo ra rất nhiều việc làm từ đơn giản đến kỹ thuật cao, thu nhập ổn định với nhu cầu thu hút hàng nghìn lao động. Với việc thực hiện Đề án 1956, lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề nên việc học nghề và tìm việc làm trong các cơ sở doanh nghiệp đối với người dân nông thôn giờ không còn quá khó khăn. Trong khi đó, đồng ruộng diện tích nhỏ lại nhiều hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, canh tác khó, chi phí sản xuất lớn, lợi nhuận, công lao động thấp, bấp bênh, phụ thuộc thời tiết. Vì thế nông dân không còn mặn mà với việc trồng cấy mà chuyển đi làm công nhân. Việc chuyên tâm vào sản xuất công nghiệp, làm nghề tiểu thủ công nghiệp dẫn đến tình trạng sản xuất nông nghiệp chỉ là tranh thủ sớm tối; lao động chủ yếu là người trung, cao tuổi hoặc các em học sinh tranh thủ phụ giúp bố mẹ nên sự đầu tư cho đồng ruộng hạn chế. Trong khi đó, hiện nay tỉnh ta là địa phương có nền sản xuất nông nghiệp chịu tác động mạnh mẽ của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và không ít thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế. Phó trưởng Phòng NN và PTNT huyện Giao Thủy Lê Văn Huấn cho biết: Tính đến tháng 10-2021, toàn huyện có 138ha ruộng bỏ hoang, trong đó diện tích giao ổn định là 108ha. Diện tích ruộng bị bỏ hoang của huyện tập trung ở các xã: Giao Long, Giao Châu, Giao Tiến, Hoành Sơn… Phần lớn diện tích ruộng bỏ hoang nằm xen kẹp trong khu dân cư, môi trường nguồn nước bị ô nhiễm hoặc khu vực thấp, trũng khó khăn trong sản xuất, chất lượng sản phẩm không cao. 

Việc quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, khu, cụm, điểm công nghiệp tập trung và công trình hạ tầng kinh tế - xã hội trong quá trình xây dựng, phát triển đô thị hóa nông thôn dẫn đến tình trạng một số diện tích đất nông nghiệp bị chia cắt, nhiều tuyến kênh mương, thủy lợi nội đồng bị ách tắc không phục vụ tưới, tiêu nước được, làm giảm hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất công ích sau dồn điền, đổi thửa của xã, thị trấn thường là những diện tích canh tác khó khăn, sản xuất không hiệu quả nên việc cho thuê khoán khó thực hiện. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ hiện vẫn còn nhiều khiến chi phí sản xuất tăng, giá bán các loại vật tư nông nghiệp tăng cao, giá bán nông sản bấp bênh hiệu quả sản xuất thấp khiến một bộ phận nông dân không thiết tha, gắn bó với đồng ruộng. Một số diện tích giáp ranh với các khu trung tâm của các xã, thị trấn đã được quy hoạch xây dựng thành khu đô thị, khu dân cư tập trung, cụm thương mại, dịch vụ hay khu, cum công nghiệp... khiến diện tích đất ruộng rơi vào trạng thái “treo đất”. Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, tình hình thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có xu hướng diễn biến phức tạp với tần suất, mức độ gây hại mạnh khiến người nông dân đối diện với nhiều thách thức, rủi ro nên không mặn mà với sản xuất nông nghiệp.

Như vậy, sản xuất nông nghiệp hay trồng lúa (nói riêng) trong điều kiện ruộng đất ít, manh mún nên hiệu quả không cao là những nguyên nhân cơ bản khiến nông dân nhiều nơi phải bỏ ruộng hoang, đi làm công nhân để có thu nhập đảm bảo hơn.

(còn nữa)
Bài và ảnh:
Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com