Truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm đang dần trở thành xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc, cho phép người tiêu dùng có đầy đủ thông tin “ngược dòng”, liên quan đến quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là đối với các sản phẩm, hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe như nông sản, thực phẩm, dược phẩm... Trong thời gian qua, các sở, ngành liên quan đã hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng hệ thống TXNG, ứng dụng mã số, mã vạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh.
Người tiêu dùng quét mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại một cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Nam Định. |
Trong hệ thống TXNG, tem QR code là một nhân tố quan trọng đóng vai trò định danh đối tượng cần truy xuất, giúp liên kết dữ liệu và truy cứu thông tin trong chuỗi cung ứng, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Việc sử dụng tem TXNG đã được tỉnh triển khai nhanh chóng. Thực hiện hỗ trợ, tư vấn, sử dụng tem QR code, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã hướng dẫn, thí điểm áp dụng giải pháp ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng tem QR code TXNG trong quản lý, nhận diện, xác định nguồn gốc thực phẩm nông sản an toàn cho các hộ sản xuất, chế biến và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh. Các sản phẩm được lựa chọn áp dụng dán tem QR code là những sản phẩm được sản xuất, kinh doanh do các cơ sở được kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, được chứng nhận VietGAP, HACCP đáp ứng các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhãn, mác hàng hóa và TXNG… Từ năm 2018 đến nay, trên 130 cơ sở với tổng số hơn 300 sản phẩm đã được Chi cục hướng dẫn và hỗ trợ trong việc gắn tem QR code. Các doanh nghiệp, HTX đã in, sử dụng hơn 2,5 triệu tem QR code để TXNG sản phẩm, hàng hóa nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, nâng giá trị thương hiệu sản phẩm. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ thêm các cơ sở mở rộng việc sử dụng tem QR code đối với các nông sản, thực phẩm chủ lực của tỉnh tiêu thụ trên toàn quốc.
TXNG là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, vận chuyển và kinh doanh. Tỉnh ta có nhiều sản phẩm, hàng hóa cần áp dụng TXNG, tuy nhiên hoạt động này còn khá mới mẻ. Đa số các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong tỉnh chưa phân biệt và hiểu hết được ý nghĩa của việc TXNG, thông tin sản phẩm. Hiện đã có một số đơn vị chủ động ứng dụng giải pháp công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như gắn tem QR code, in mã số, mã vạch… trên sản phẩm, hàng hóa. Song, theo các chuyên gia, việc TXNG theo hình thức này chưa hoàn toàn đem lại niềm tin cho người tiêu dùng do các thông tin về TXNG trong đó chưa đầy đủ, nhất là chưa có thông tin về các khâu “đầu vào” của quá trình sản xuất - khâu quyết định chất lượng sản phẩm. Việc chuẩn hóa mã TXNG sản phẩm và đưa vào vận hành Cổng TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia sẽ góp phần giải quyết thực trạng này. Cuối năm 2019, Chính phủ đã phê duyệt Đề án TXNG (Đề án 100) để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn của sản phẩm trong toàn chuỗi cung ứng, nâng giá trị hàng hóa của Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) được giao nhiệm vụ xây dựng, đưa vào vận hành Cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hóa, quốc gia. Hiện, Bộ KH và CN đã xây dựng, công bố 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực TXNG; dự kiến quý IV-2021, Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia sẽ đi vào hoạt động. Thực hiện Đề án 100, ngày 25-11-2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo”. Mục tiêu là đến năm 2025 phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có nhu cầu trên địa bàn tỉnh được tập huấn, đào tạo kiến thức về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa; 50% sản phẩm hàng hóa tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ áp dụng hệ thống TXNG, gắn mã số, mã vạch; xây dựng cơ sở dữ liệu và phát triển hạ tầng kỹ thuật cho hệ thống TXNG của tỉnh; xây dựng, vận hành Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa của tỉnh. Là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về hoạt động TXNG, hiện nay, Sở KH và CN đang nghiên cứu, xây dựng thí điểm mô hình hệ thống TXNG cho 1-2 sản phẩm hàng hóa OCOP tiêu biểu của tỉnh để nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với việc áp dụng TXNG sản phẩm. Tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, đồng thời mở ra một phương thức sản xuất mới, an toàn hơn, dễ kiểm soát hơn, mở rộng tiềm năng xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước. Qua đó gia tăng thu nhập cho doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới. Sở KH và CN giao cho Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quản lý, kiểm soát dữ liệu TXNG trước khi đưa lên Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa của tỉnh và Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Thời gian tới, Sở KH và CN sẽ hướng dẫn triển khai áp dụng và phổ biến các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật về hệ thống TXNG trên địa bàn. Phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kết nối hệ thống TXNG với Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa của tỉnh và Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số, mã vạch; hướng dẫn, hỗ trợ triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống TXNG. Quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động TXNG theo thẩm quyền. Phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chính sách nhằm khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh xây dựng hệ thống TXNG.
Việc xây dựng, áp dụng hệ thống TXNG không chỉ giúp người tiêu dùng tiếp cận thông tin sản phẩm một cách đầy đủ, hệ thống mà còn giúp cơ quan quản lý nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giải pháp phòng vệ, chống gian lận thương mại và phục vụ công tác xây dựng các chính sách điều tiết thị trường. Đồng thời giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xây dựng cơ sở pháp lý cho sản phẩm, hàng hóa đáp ứng hội nhập, quảng bá doanh nghiệp và nâng tầm thương hiệu để phát triển, góp phần bảo vệ lợi ích của các bên liên quan./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh