Những năm qua, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) cấp xã đã được kiện toàn, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động. Công tác quản lý, BVMT nông thôn đã có chuyển biến hiệu quả.
Thu dọn vệ sinh, cải tạo cảnh quan môi trường tại xã Yên Tiến (Ý Yên). |
Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý, BVMT cấp xã đã tích cực tham mưu quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường được cấp trên phân bổ chi cho các nhiệm vụ thu gom, xử lý, xây dựng khu xử lý rác thải nông thôn... Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao, đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường cấp xã giữ vai trò quan trọng trong hoàn thiện tiêu chí môi trường. Cụ thể, đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường cấp xã đã tích cực phối hợp cùng các cấp chính quyền, huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, các ngành khuyến khích xã hội hóa các nguồn lực (huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn vốn hợp pháp khác) cho xây dựng các công trình xử lý, bảo vệ môi trường với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; tham gia các phong trào, mô hình BVMT và giữ gìn, làm đẹp cảnh quan nông thôn như: ‘‘Xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp”, phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, “Nhà sạch, vườn xanh; đường, sông không rác”, trồng cây bóng mát, trồng hoa bên lề đường trục xã, thôn, xóm... Nhiều xã đã tổ chức tốt hoạt động thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh xung quanh nơi sinh sống với sự tham gia của cộng đồng; môi trường nông thôn được xây dựng theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; cảnh quan nông thôn được cải thiện đáng kể. Toàn tỉnh đã có trên 1.500km tuyến đường hoa; 100% số xã, thị trấn có tổ, đội vệ sinh môi trường hoặc HTX vệ sinh môi trường; tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được thu gom đạt trên 88%; hầu hết các xã, thị trấn đã triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ quản lý về tài nguyên môi trường ở cấp xã còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; được phân công kiêm nhiệm nhiều việc như địa chính, xây dựng, môi trường,... đặc biệt chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ quản lý đất đai. Chính quyền ở một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ BVMT theo Luật BVMT; năng lực kiểm soát các vấn đề về môi trường không theo kịp sự phát triển kinh tế; có lúc, có nơi còn coi nhẹ, chưa gắn công tác BVMT với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Phần lớn các xã mới quan tâm thực hiện các nhiệm vụ, phần việc “dễ làm” trong công tác BVMT như: giữ gìn, cải tạo cảnh quan môi trường, vệ sinh khu vực công cộng, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; chưa chú trọng giải quyết dứt điểm các vấn đề môi trường bức thiết, phức tạp như xử lý nước thải, rác thải công nghiệp, bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi trang trại và xử lý môi trường trong sản xuất công nghiệp làng nghề...
Trong điều kiện công tác BVMT ngày càng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, tỉnh yêu cầu chính quyền cấp xã tiếp tục nâng cao trách nhiệm thực hiện công tác BVMT. Trong đó, các xã cần bố trí đủ nguồn lực cho hoạt động quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn; quan tâm hơn nữa đến đào tạo cán bộ để đáp ứng yêu cầu trong việc thực hiện công tác chuyên môn; chú trọng bố trí cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn về môi trường; không để cán bộ môi trường cấp xã kiêm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ như hiện nay. Chú trọng xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy ước về giữ gìn vệ sinh, BVMT; xây dựng và tổ chức thực hiện dự án, nhiệm vụ về BVMT. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra; tiếp nhận đăng ký môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tăng cường theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường, tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm và quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp. Chủ động giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, giải quyết sớm các xung đột xã hội có liên quan đến thực thi chính sách pháp luật về BVMT ngay tại cơ sở; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức về BVMT trong cộng đồng; vận động người dân tham gia giữ gìn vệ sinh, BVMT; hướng dẫn cộng đồng dân cư trên địa bàn đưa nội dung BVMT vào hương ước, quy ước, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa. Tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác BVMT theo quy định của pháp luật.
Về lâu dài, các xã cần tích cực giải quyết các vấn đề môi trường phức tạp, cần quan tâm hiện nay như: xử lý nước thải, rác thải công nghiệp, bảo đảm vệ sinh môi trường chăn nuôi trang trại và xử lý môi trường trong sản xuất công nghiệp, làng nghề. Đặc biệt, các xã cần căn cứ vào Luật BVMT 2020 đã được Quốc hội khóa XIV, thông qua ngày 17-11-2020, có hiệu lực ngày 1-1-2022 để xác định chính xác, từ đó có lộ trình, phương án và triển khai thực thi hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác quản lý, BVMT./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy