Chú trọng quản lý chất lượng sản phẩm OCOP

07:10, 20/10/2021

Trong chỉ đạo thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ngay từ đầu tỉnh ta đã thống nhất quan điểm không chạy theo phong trào mà phải đi vào thực chất, theo quy luật cung cầu, gắn với phát huy lợi thế, tiềm năng, văn hóa của từng địa phương; đặc biệt phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, quy định về chất lượng sản phẩm.

Dây chuyền sản xuất sản phẩm trà tươi hương chanh mật ong S24 đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất thương mại vận tải Minh Hằng (Vụ Bản).
Dây chuyền sản xuất sản phẩm trà tươi hương chanh mật ong S24 đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất thương mại vận tải Minh Hằng (Vụ Bản).

Để đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm phải trải qua các bước đánh giá bài bản toàn diện từ đầu vào nguyên liệu, khu chế biến sản xuất và đầu ra thành phẩm bởi nhiều cấp đánh giá (huyện, tỉnh, Trung ương) với Hội đồng đánh giá chuyên nghiệp gồm nhiều ngành: Y tế, Công Thương, Tài chính, Môi trường…. Riêng sản phẩm OCOP hạng từ 4 sao trở lên phải có những chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến như: VietGAP, HACCP, ISO... Tuy nhiên, theo đại diện Hội đồng thẩm định đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh: Đây là chương trình mới, có nhiều vấn đề phức tạp, vì vậy tỉnh ta đã thuê đơn vị tư vấn có năng lực để trực tiếp hướng dẫn các chủ thể tham gia chương trình đáp ứng, duy trì việc quản lý chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, quản trị doanh nghiệp… Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP các cấp, các ngành chức năng, các địa phương, đơn vị liên quan đã bám sát Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21-8-2019 để triển khai các phần việc hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chất lượng, quy chuẩn OCOP, quản lý sau cấp chứng nhận. Theo đó, các ngành chức năng, các đơn vị liên quan cũng đẩy mạnh tuyên truyền giúp các cơ sở, doanh nghiệp nắm bắt quy định các sản phẩm đạt hạng 1 sao, 2 sao mới là các hạng khởi điểm, chưa đạt tiêu chuẩn; từ hạng 3 đến 5 sao sẽ được cấp Giấy chứng nhận OCOP. Đồng thời các cơ sở, doanh nghiệp cũng được nắm bắt và tích cực thực hiện các yêu cầu: phải đáp ứng chất lượng, phải chịu sự đánh giá khắt khe khi tham gia bình chọn, xếp hạng sản phẩm, chịu sự giám sát, quản lý giữ vững chất lượng sản phẩm theo hạng sao đã được chứng nhận, thậm chí còn bị thu hồi chứng nhận nếu các sản phẩm đã được cấp hạng sao không còn đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn.

Đặc biệt, theo quy định các chứng nhận sản phẩm OCOP chỉ có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành, vì vậy để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chú trọng duy trì chất lượng sản phẩm, mới đây tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý sản phẩm thuộc Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tất cả các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng từ 3 sao trở lên phải chấp hành 6 quy định về đảm bảo chất lượng sản phẩm, gồm: Xây dựng và công bố quy trình sản xuất; quản lý chất lượng nguyên liệu sản xuất; kiểm soát quá trình sản xuất; quản lý chất lượng sản phẩm; thực hiện truy xuất nguồn gốc; tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP Nam Định. Tỉnh yêu cầu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP có trách nhiệm đảm bảo điều kiện cần thiết gồm nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, tổ chức, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa do cơ sở mình sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố. Thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan kiểm tra, giám sát và các quy định pháp luật có liên quan. Chấp hành hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP và biện pháp xử lý của các cơ quan kiểm tra, giám sát. Phải công bố lại khi có thay đổi về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đáng chú ý, sau đạt chuẩn sản phẩm OCOP, các cơ sở, doanh nghiệp phải tăng cường đảm bảo các quy định về chất lượng sản phẩm gồm: Phải có hệ thống kho bảo quản sản phẩm, hàng hóa, bảo quản nguyên liệu sản xuất đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; có kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm thường xuyên; phải có biện pháp xử lý kịp thời nếu phát hiện hàng hóa không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa lưu thông trên thị trường phải phù hợp với chất lượng cơ sở sản xuất đã công bố hoặc tiêu chuẩn sản phẩm, được dán tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP Nam Định. Trong tình huống xảy ra sự cố gây mất an toàn thực phẩm hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về truy xuất nguồn gốc lô sản phẩm không đảm bảo chất lượng, cơ sở sản xuất phải tiến hành ngay việc truy xuất nguồn gốc lô sản phẩm đó; phải báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng để phối hợp xác định rõ nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm và xử lý kịp thời, đảm bảo tránh gây hậu quả nghiêm trọng và những tổn thất không đáng có về sức khỏe, tính mạng và những thiệt hại về kinh tế của người tiêu dùng.

Về phân cấp quản lý chất lượng sản phẩm theo ngành, tỉnh quy định: Ngành NN và PTNT quản lý nhóm hàng thực phẩm; ngành Công Thương quản lý nhóm hàng đồ uống, vải, may mặc; ngành Y tế quản lý nhóm hàng thảo dược; ngành KH và CN quản lý nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí; ngành VH, TT và DL quản lý dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng. Các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, hướng dẫn xây dựng và công bố chất lượng sản phẩm, hàng hóa chương trình OCOP thuộc lĩnh vực quản lý. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, các văn bản quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của ngành. Đồng thời phải thực hiện việc kiểm tra chất lượng đối với sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng từ 3 sao trở lên theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND ngày 8-1-2010 của UBND tỉnh ban hành quy định phân công trách nhiệm trong hoạt động quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh; thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật.

Việc chủ động tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện, quản lý của các cấp chính quyền, ngành chức năng sẽ góp phần giúp các cơ sở, doanh nghiệp nâng cao tinh thần tự giác, trách nhiệm chấp hành, thực thi các quy định đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP, giúp chương trình OCOP của tỉnh ngày càng đạt hiệu quả cao, gia tăng nhiều sản phẩm chất lượng, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



Yến sào LifeNest

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com