Phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, thời gian qua, đoàn viên, thanh niên xã Điền Xá (Nam Trực) đã thi đua phát triển kinh tế với nhiều cách làm hay, xây dựng nhiều mô hình mới hiệu quả cao, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Mô hình trồng và kinh doanh lan của anh Đỗ Công Linh xóm 25, xã Điền Xá cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. |
Sinh ra ở làng nghề truyền thống hoa, cây cảnh, từ năm 2006 anh Đỗ Công Linh ở xóm 25, xã Điền Xá đã bắt tay vào việc trồng, chăm sóc hoa lan. Anh Linh cho biết: Do yêu thích màu sắc và mùi hương của hoa lan nên tôi trồng nhiều loại lan rừng như: đai châu, đuôi cáo, chồn, quế… và một số loại lan nhập ngoại. Sau đó nhận thấy hoa lan có giá trị kinh tế cao, được nhiều người chơi hoa lan tìm mua nên tôi quyết chí khởi nghiệp kinh doanh trồng lan. Những ngày đầu khởi nghiệp, anh cũng gặp khó khăn do không nắm chắc về kỹ thuật trồng nên lan bị chết nhiều. Tuy nhiên, với tinh thần chịu khó, vừa làm, vừa học hỏi nên sau vài năm, anh đã nắm bắt được nghề trồng lan, nhân giống và điều chỉnh cho lan ra hoa đẹp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm bạn bè, qua mạng xã hội, internet, tham quan các vườn lan khác nhau, anh Linh đúc kết được nhiều bí quyết trồng, chăm sóc cây lan là quy trình chăm sóc cần được chú trọng 3 yếu tố: độ ẩm, ánh sáng, độ thông thoáng. Sau khi nắm bắt được quy trình trồng lan, anh Linh đã có thể nhân giống và điều khiển lan ra hoa đáp ứng nhu cầu của người chơi. “Tiếng lành đồn xa”, hoa lan của anh được nhiều người biết đến; những loại lan quý hiếm có giá trên trăm triệu đồng và những loại bình thường cũng có giá vài triệu đồng một chậu. Hiện vườn lan Thùy Linh do anh làm chủ cung cấp đầy đủ các giống hoa lan, phân bón và vật tư nông nghiệp, chủ yếu thông qua việc khách hàng đến tận nhà giao lưu và đặt hàng. Đến nay, vườn lan của anh mở rộng trên diện tích 1.000m2, mang lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Những năm qua, các phong trào thi đua “Xung kích tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã được BCH Đoàn xã Điền Xá cụ thể hoá bằng các chương trình hoạt động sáng tạo, thiết thực và hiệu quả. Để giúp đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, BCH Đoàn xã đã đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển dịch cơ cấu cây trồng; xây dựng các mô hình, các câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi, thanh niên giúp nhau làm kinh tế nhằm giúp đoàn viên, thanh niên có thu nhập cao trên đồng đất quê hương. Đồng chí Đỗ Thị Hồng Huế, Bí thư Đoàn xã cho biết: Phát triển nghề trồng cây cảnh là một hướng đi đúng đắn và có nhiều triển vọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của xã. Để nghề trồng hoa, cây cảnh ngày càng phát triển, Đảng ủy, UBND và BCH Đoàn xã tạo mọi thuận lợi cho thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ giống, quy hoạch đất đai… nhằm khuyến khích thanh niên phát triển kinh tế từ nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống. Bên cạnh đó, UBND, BCH Đoàn xã thường xuyên phối hợp với Hội Sinh vật cảnh huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới, từ đó giúp thanh niên nâng cao tay nghề, kỹ năng, tiếp cận các xu hướng mới của thị trường… BCH Đoàn xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức cho đoàn viên, thanh niên vay vốn giải quyết việc làm, đồng thời quản lý tốt nguồn vốn vay giúp đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, có hơn 10 đoàn viên, thanh niên vay vốn với số tiền hơn 100 triệu đồng. Chăm lo phát triển kinh tế, nhiều đoàn viên, thanh niên ở xã Điền Xá tham gia tích cực phong trào thanh niên chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, mạnh dạn phát triển kinh tế làm giàu cho bản thân, gia đình.
Với sự quyết tâm, không ngại khó khăn, đoàn viên, thanh niên xã Điền Xá đã đi đầu trong quá trình phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp. Qua đó, khẳng định được tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên của thế hệ trẻ hôm nay./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh