Thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

07:09, 30/09/2021

Để cải thiện và tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu cũng như các tình huống rủi ro bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh thường phát sinh ở phương thức truyền thống, tỉnh ta đã xác định việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử (MTĐT) không chỉ là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu của các cấp chính quyền, địa phương theo đúng chủ trương của Chính phủ. Trên tinh thần đó, tỉnh đã thẳng thắn nhận diện, chỉ ra các bất cập, hạn chế và giải pháp thúc đẩy giải quyết TTHC trên MTĐT.

Cán bộ, công chức huyện Trực Ninh rà soát, xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.  Bài và ảnh: Thanh Thúy
Cán bộ, công chức huyện Trực Ninh rà soát, xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. 

Phân tích kết quả cải cách hành chính năm 2020 cho thấy, tỉnh đã đẩy mạnh các đầu việc phục vụ việc thực hiện, giải quyết TTHC gồm: Quan tâm đầu tư hiện đại hóa nền hành chính. Tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã tích hợp, kết nối và cung cấp 971 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tỷ lệ dịch vụ công mức độ 3, 4 của toàn tỉnh cao, là địa phương đứng thứ 3 toàn quốc có số lượng dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Thông qua phát triển Cổng dịch vụ công trực tuyến, tỉnh đã cung ứng cho người dân nhiều tiện ích: Kết nối liên thông với nền trong thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công Quốc gia (nền tảng Payment Platfrom) và nền tảng thanh toán trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông). Tuy nhiên trên bình diện toàn tỉnh, tỷ lệ tiếp cận TTHC và cơ quan giải quyết TTHC trên MTĐT rất nhỏ, chỉ khoảng 6,38%. Trong đó, tỷ lệ trao đổi văn bản giữa các cơ quan hành chính Nhà nước dưới dạng điện tử mới đạt 92,34%, trừ văn bản mật; các huyện vẫn sử dụng văn bản giấy ở tỷ lệ cao là Ý Yên, Xuân Trường, Nghĩa Hưng. Việc cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin của các đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu về tính đầy đủ, kịp thời nên bị trừ 0,7 điểm so với năm 2019. Có 6 TTHC khi tỉnh đẩy lên Cổng dịch vụ công Quốc gia là đang còn hiệu lực nhưng tỉnh bị trừ 0,15 điểm so với năm 2019 do khi chấm điểm thì đã hết hiệu lực. 

Tổng số hồ sơ TTHC tiếp nhận trên MTĐT là 25.349/383.587 hồ sơ TTHC, đạt tỷ lệ 6,61%. Cụ thể, cấp xã mới tiếp nhận qua MTĐT 7.419/233.782 hồ sơ TTHC, đạt 3,06%; tỷ lệ có giải quyết TTHC qua MTĐT cao là các xã của huyện Vụ Bản đạt 7,8%, thành phố Nam Định đạt tỷ lệ 4,22%; riêng huyện Ý Yên chưa có bất cứ xã nào phát sinh hồ sơ TTHC trực tuyến mức độ 3, 4. Đáng bàn, toàn tỉnh còn nhiều xã chưa thực hiện giải quyết TTHC qua hệ thống một cửa điện tử, gồm huyện Ý Yên còn 31/31 xã, huyện Hải Hậu còn 1 xã, huyện Trực Ninh còn 1 xã. Cấp huyện tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ qua MTĐT đạt 8,87%; các địa phương có tỷ lệ giải quyết TTHC qua MTĐT cao là huyện Nam Trực đạt 49,61%, thành phố Nam Định đạt 46,24%; huyện Ý Yên đạt tỷ lệ thấp nhất. Cấp tỉnh tiếp nhận qua MTĐT 9.468/112.712 hồ sơ TTHC, đạt tỷ lệ 8,4%; các đơn vị có tỷ lệ giải quyết TTHC qua MTĐT cao là: Sở Công Thương đạt 96,6%, Sở Nội vụ đạt 95,3%. Các đơn vị có tỷ lệ thấp: Sở Tài nguyên và Môi trường 0,1%, Sở Y tế 1%, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 2,8%. 

Nguyên nhân của các bất cập kể trên đã được các cấp chính quyền, ngành chức năng phân tích, nhận diện. Chẳng hạn tại Sở Y tế, trung bình một năm Sở tiếp nhận và xử lý 2.500 đến 3.000 hồ sơ TTHC các loại nhưng tỷ lệ hồ sơ TTHC nộp trực tuyến rất thấp. Để tạo thuận lợi trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên MTĐT, Sở Y tế đã đính kèm danh mục tài liệu cụ thể cần cung cấp trong bộ hồ sơ để người dân, doanh nghiệp nắm rõ và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ yêu cầu, đặc biệt là với những thủ tục có thành phần hồ sơ yêu cầu chưa được quy định rõ. Khó khăn lớn nhất là việc hệ thống quản lý dịch vụ công của tỉnh và hệ thống của Bộ Y tế còn chưa tương thích về tiêu chí xử lý hồ sơ (“người dân đã nhận được kết quả” - “cơ quan Nhà nước đã xử lý”) dẫn đến chênh lệch về số liệu. Việc chưa đồng bộ giữa hai hệ thống cũng dẫn đến một số trường hợp sai sót do cán bộ Sở phải nhập liệu bằng cách thủ công để cập nhật hệ thống. Sở GTVT, là đơn vị sớm đẩy mạnh đầu tư ứng dụng CNTT, đưa vào giải quyết TTHC trên MTĐT. Tuy nhiên hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải có quy mô vừa và nhỏ, trình độ ứng dụng CNTT của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, HTX vận tải còn hạn chế nên việc tham gia giải quyết TTHC trên MTĐT rất thấp. Bên cạnh đó, Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC (APCI) 2020 đã phân tích rõ việc giải quyết nhiều nhóm TTHC đòi hỏi phải xử lý rất nhiều hồ sơ liên quan đến nhiều đầu mối đơn vị. Chẳng hạn như bộ hồ sơ yêu cầu cho các thủ tục đầu tư khá nhiều (đặc biệt là thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư) và quá trình xử lý hồ sơ liên quan đến nhiều các cơ quan quản lý. Trong khi việc cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin của các đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu khiến doanh nghiệp khó khăn tự hoàn chỉnh bộ hồ sơ. Đây chính là một trong nhiều lý do doanh nghiệp muốn đến làm TTHC trực tiếp tại cơ quan Nhà nước để được hướng dẫn chi tiết. Thậm chí, việc giải quyết TTHC trên MTĐT tại một số khâu, một số lĩnh vực còn rườm rà, chưa tiết giảm chi phí. Cụ thể như ngành Xây dựng đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với các thủ tục cấp phép, quản lý trật tự xây dựng tuy nhiên còn gặp một số khó khăn như: khi sử dụng chữ ký số trên các hồ sơ, bản vẽ thiết kế xây dựng trình thẩm định, doanh nghiệp vẫn phải nộp đồng thời hồ sơ bằng văn bản giấy để đối chiếu. Ngoài ra, theo đánh giá của UBND tỉnh: Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác cải cách hành chính, người đứng đầu chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong thực thi các nhiệm vụ, hoạt động công vụ, trong đó có giải quyết TTHC trên MTĐT. Công tác tuyên truyền về thực hiện nộp hồ sơ TTHC và giải quyết TTHC trên MTĐT vẫn chưa đạt hiệu quả, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng vẫn còn hình thức, chưa có giải pháp chuyên đề chuyên sâu vào các nhóm đối tượng cụ thể.

Để thúc đẩy giải quyết TTHC trên MTĐT, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp: Nâng cao nhận thức, tinh thần chịu trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu về giải quyết TTHC trên MTĐT trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Cải thiện hiệu quả công tác tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các TTHC trên MTĐT; cập nhật, cung cấp chính xác và nhất quán các thông tin hữu ích liên quan đến giải quyết TTHC trên các Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị thực hiện TTHC; công khai các thông tin về chính sách ưu đãi đầu tư và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để minh bạch thông tin về quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận hành chính một cửa của các cấp chính quyền; cải thiện và nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng tới việc nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ tư vấn và chất lượng hoạt động của đường dây nóng (hotline) hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng thực hiện và giải quyết các TTHC phát sinh (như cấp đổi, điều chỉnh thông tin..); cải thiện quy trình tiếp nhận hồ sơ điện tử và đánh giá hồ sơ nhằm giảm thời gian chờ đợi cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng cơ chế phản hồi bằng phương thức điện tử (như tin nhắn, email) cho người nộp hồ sơ TTHC để biết được tình trạng xử lý. Ngoài ra, các cơ quan giải quyết TTHC cần xây dựng và cập nhật một bộ câu hỏi và trả lời những vấn đề thường gặp đối với các TTHC để người dân, doanh nghiệp có thể tự tìm hiểu vấn đề. Đẩy mạnh thực hiện “Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC”; trong đó ngay trong năm 2021 tập trung: Nâng cấp Cổng Dịch vụ công và Hệ thống Thông tin một cửa điện tử tỉnh đảm bảo tích hợp, kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia, phục vụ xác thực, định danh và cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa các cấp. Hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt tối thiểu ở cấp tỉnh 30%, cấp huyện 20%, cấp xã 15% để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên MTĐT. Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Với các giải pháp kể trên toàn tỉnh phấn đấu sớm cải thiện, nâng cao chất lượng, kết quả giải quyết TTHC trên MTĐT./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com