Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, mua bán trực tuyến được nhiều người lựa chọn để hạn chế ra đường, tiếp xúc phòng tránh lây nhiễm bệnh. Đây cũng là xu hướng tích cực nhằm thích ứng với điều kiện sống. Tuy nhiên đã nổi lên tình trạng lợi dụng chiếm đoạt tài sản của khách hàng ở cả khâu bán hàng và vận chuyển giao, nhận, cần cả người dân và cơ quan chức năng quan tâm phòng ngừa.
Kiểm tra hàng hóa vi phạm điều kiện lưu thông tại cửa hàng kinh doanh tổng hợp trên địa bàn thành phố Nam Định. |
Tăng nhanh kênh bán hàng trực tuyến
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, hạn chế tụ tập đông người nhưng vẫn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và hỗ trợ người tiêu dùng tăng mua sắm, nhiều siêu thị, cửa hàng, cơ sở kinh doanh đồ ăn, thức uống, cửa hàng thời trang… trên địa bàn đã chủ động đẩy mạnh bán hàng trực tuyến. Nhiều sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… cũng chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng giới thiệu bán hàng trực tuyến với nhiều khuyến mại lớn, lên đến 30-50% giá trị của đơn hàng. Đại diện siêu thị Saigon Co.op Mart Nam Định cho biết, từ khi dịch bệnh xảy ra, lượng khách hàng có nhu cầu mua sắm trực tuyến và qua điện thoại tăng đột biến, gấp 4-5 lần so với trước đây. Các sản phẩm thiết yếu như khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, kẹo thảo dược, lương thực, thực phẩm… là những mặt hàng đang được khách hàng ưu tiên chọn lựa mua online. Trước xu hướng này, Saigon Co.op Mart đẩy mạnh dịch vụ mua sắm trực tuyến, tăng cường điều phối nhân sự tiếp nhận đơn hàng cũng như nhân sự giao hàng để đảm bảo thời gian giao hàng tận nhà trong vòng 1 đến 2 giờ đối với đơn hàng đặt mua hộ qua điện thoại và từ 24-48 giờ đối với đơn hàng đặt trên trang mua sắm điện tử. Ngoài ra, siêu thị còn triển khai thực hiện vận chuyển miễn phí khu vực nội thành cho các đơn hàng trị giá trên 200 nghìn đồng. Siêu thị GO! (BigC cũ), các cửa hàng tiện ích và cả người bán lẻ ở các tuyến phố thương mại, chợ truyền thống cũng cho biết đều gia tăng lượng khách đặt mua hàng trực tuyến. Cùng với việc tăng nhanh kênh bán hàng trực tuyến, các ứng dụng thanh toán điện tử được triển khai rộng khắp đã hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch thương mại điện tử, như thanh toán thông qua thẻ, thanh toán online, thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động… Việc các kênh bán lẻ hiện đại chủ động phát triển dịch vụ bán hàng, cung ứng trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã kịp thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và công tác phòng, chống dịch bệnh của địa phương.
Những rủi ro trong mua sắm trực tuyến
Tuy nhiên do phát triển quá nhanh trong khi nhiệm vụ chống dịch đang huy động tổng lực các cơ quan chức năng dẫn đến việc kiểm soát, quản lý thị trường này còn những bất cập; hình thức mua bán trực tuyến đang bị các gian thương lợi dụng lừa gạt người tiêu dùng. Theo số liệu của các đơn vị tổ chức dịch vụ bưu chính trên địa bàn tỉnh, 80% người mua hàng online chọn phương thức nhận hàng trả tiền (COD). Thực tế thời gian gần đây nhiều vụ việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến đã liên tục được ghi nhận, đáng ngại là tình trạng quảng cáo gian dối, bán hàng không rõ nguồn gốc, lừa đảo, cung cấp thông tin không rõ ràng, không đầy đủ… Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện hơn 1.000 vụ việc gian lận thương mại. Trong đó, hầu hết các vụ việc đều liên quan đến giao dịch thương mại điện tử với hàng loạt sản phẩm nhập lậu, giả nhãn mác, kém chất lượng nhiều nhóm hàng hóa từ lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, đồ điện, điện tử, thuốc, mỹ phẩm và cả thiết bị phục vụ phòng chống dịch COVID-19. Đại diện Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh cho biết đơn vị nhận được phản ánh của người dân về các hình thức lừa đảo lợi dụng bán hàng trực tuyến như: Bán hàng giả, hàng đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; người tiêu dùng không mua được hàng theo giá quảng cáo tại một số chương trình khuyến mại, sau khi đặt mua thành công hàng hóa với giá khuyến mãi, người tiêu dùng được thông báo đã hết hàng khuyến mại và đề nghị mua hàng với giá thông thường; tự động hủy đơn hàng với lý do người giao hàng không liên hệ được người mua, trong khi, thực tế người tiêu dùng không nhận được liên hệ của bên giao hàng; từ chối, kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại khiến khách hàng chán nản bỏ qua… Quan trọng hơn nữa là thông tin giao dịch của người tiêu dùng bị bên thứ ba lợi dụng để mạo danh giao hàng, cụ thể: Người tiêu dùng đặt mua hàng trên sàn thương mại điện tử nhưng đơn hàng bị hủy không rõ lý do, sau đó, có bên thứ ba liên hệ để giao món hàng mà người tiêu dùng đã đặt mua trên sàn. Tuy nhiên sản phẩm đó không đảm bảo chất lượng, hình thức theo cam kết cũng như các giấy tờ giao dịch đi kèm. Khi khách hàng khiếu nại thì không được giải quyết vì giao dịch không được thực hiện bởi đơn vị cung ứng hàng hóa chính thống mà khách hàng đặt mua.
Để hạn chế thiệt hại cho người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Sở Công Thương phối hợp với Sở TT và TT, Cục Quản lý thị trường tăng cường quản lý tính chính xác, mức độ tuân phủ pháp luật thương mại điện tử của website thương mại điện tử; yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết sản xuất, cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, chất lượng; tổ chức kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường được xuất phát từ các giao dịch điện tử. Cùng với các cơ quan chức năng, gần 4.000 doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa trong tỉnh đã xây dựng website bán hàng trực tuyến cũng nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử thông qua việc tổ chức sản xuất, kinh doanh lành mạnh; hỗ trợ kỹ năng giao dịch thương mại điện tử cho người tiêu dùng; xử lý nhanh những yêu cầu kể cả thông tin đặt hàng, hướng dẫn sử dụng và khiếu nại về chất lượng sản phẩm hàng hóa để hạn chế tối đa các gian thương lợi dụng thương mại điện tử trục lợi khách hàng. Bên cạnh đó người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, tự bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia thực hiện các giao dịch trực tuyến. Trong đó lưu ý một số vấn đề quan trọng như: lựa chọn người bán uy tín; bỏ qua thói quen tin vào những bình luận, nhận xét, đánh giá của người dùng dưới thông tin quảng cáo sản phẩm; đọc kỹ hướng dẫn khi mua hàng từ người bán là người nước ngoài; chủ động gửi phản hồi đánh giá về chất lượng giao dịch và chia sẻ thông tin để người thân, bạn bè, đồng nghiệp biết; chủ động phòng tránh hoặc phản ánh, khiếu nại tới cơ quan quản lý Nhà nước để được tư vấn, hướng dẫn cách thức bảo vệ khi thấy quyền lợi của mình bị vi phạm./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương