Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thực hiện “mục tiêu kép”; với tinh thần nỗ lực, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp như: giảm lãi suất; giãn, hoãn nợ; miễn, giảm nhiều loại phí giao dịch thanh toán… để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra.
Giải ngân vốn tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã Xuân Bắc (Xuân Trường). Ảnh: Đức Toàn |
Chung tay ứng phó với tác động của dịch COVID-19
Đồng chí Đặng Văn Kim, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh cho biết: “Ngân hàng và doanh nghiệp có mối quan hệ cộng sinh. Bản thân chính ngân hàng cũng là doanh nghiệp và không nằm ngoài ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19. Nhưng với tinh thần đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, người dân, thời gian qua, Ngành Ngân hàng đã ban hành nhiều chính sách “đúng, trúng, kịp thời, linh hoạt” với tâm thế vào cuộc tích cực, quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ, đơn giản hoá thủ tục hành chính để gia tăng cơ hội tiếp cận tài chính, dịch vụ ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp. Ngân hàng hiểu rõ chỉ khi doanh nghiệp “khoẻ mạnh”, ngân hàng mới phát triển “bền vững”.
Với tâm thế trên, trong năm 2020, NHNN đã có 3 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn 1,5-2%/năm, giảm các loại phí cho các Ngân hàng thương mại (NHTM) để giảm bớt chi phí đầu vào, có điều kiện giảm lãi suất cho vay; chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí, cắt giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Mặt bằng lãi suất cho trong 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục giảm khoảng 0,4%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên chỉ còn mức 4,5%/năm. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của NHNN, từ ngày 15-7, hàng loạt các NHTM như: Agribank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank, MB, LienVietPostBank, Sacombank… đã thực hiện giảm từ 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu, đồng thời triển khai các gói cho vay mới với lãi suất thấp đến hết năm 2021. Ngoài giảm lãi suất, NHNN cũng đã và đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai giảm sâu các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác. Tính đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã 5 lần giảm phí giao dịch thanh toán điện tử cho khách hàng.
Song song với đó, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như cơ cấu lại các khoản nợ, khuyến khích và tạo điều kiện để các TCTD tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay… Đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay; tiếp tục thực hiện các chương trình miễn, giảm phí giao dịch thanh toán; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng… Đến nay, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ khách hàng với dư nợ bị ảnh hưởng là 9.045 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ là 4.916 tỷ đồng, trong đó các TCTD đã thực hiện miễn, giảm lãi vay đối với 4.365 khách hàng với dư nợ là 3.559 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn, giảm là 11,1 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 1.054 khách hàng với dư nợ được cơ cấu lại là 1.442 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc đối với 4 doanh nghiệp, tổng số tiền là 798 triệu đồng. trong đó cho vay theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg là 2 doanh nghiệp, số tiền 241 triệu đồng; cho vay theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là 4 doanh nghiệp, số tiền 557 triệu đồng. Nền kinh tế tỉnh tiếp tục giữ vững ổn định, tăng trưởng khá, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, đời sống vật chất tinh thần của người dân được đảm bảo. Tổng nguồn vốn huy động của quý III năm 2021 đạt 83.141 tỷ đồng, tăng 5.074 tỷ đồng (6,5%) so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay thương mại và cho vay chính sách đạt 75.727 tỷ đồng, tăng 6.061 tỷ đồng (8,7%) so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm tỷ lệ 0,32% tổng dư nợ cho vay. Song hành cùng nhiệm vụ kinh doanh, các TCTD cũng tích cực hưởng ứng, ủng hộ các Quỹ phòng, chống dịch, Chương trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19 của địa phương và vận động cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị tham gia quyên góp, ủng hộ đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sỹ tuyến đầu chống dịch, người dân tại các khu phong toả, khu cách ly tập trung; có giải pháp hỗ trợ cụ thể đối với các khách hàng trên các địa bàn bị cách ly, phong tỏa.
Đối mặt với thách thức chưa hề có
Theo ý kiến các chuyên gia ngành Ngân hàng, hiện tại cuộc chiến chống dịch sẽ còn rất gian nan và diễn biến hết sức phức tạp. Ngân hàng là ngành kinh tế tổng hợp, cũng chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Do đó, ngành Ngân hàng cùng các TCTD hiện đang phải giải bài toán với nhiều biến số như: Cơ cấu nợ thế nào, hạ lãi suất bao nhiêu là hợp lý, điều chỉnh tiêu chuẩn cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho khách hàng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu trong mức an toàn… Đặc biệt, khác với chính sách tài khoá như miễn giảm thuế, phí (có ngân sách Nhà nước hỗ trợ) thì các nguồn hỗ trợ của ngân hàng như cơ cấu nợ, giảm lãi vay, miễn giảm lãi, phí… không có nguồn nào khác ngoài cắt giảm lợi nhuận của chính các TCTD. Thực tế, toàn hệ thống ngân hàng đang phải “gồng mình” giải bài toán “chưa có tiền lệ” nhằm thực hiện mục tiêu kép của chính mình. Đó là, giúp cho các doanh nghiệp, người dân, trợ lực nền kinh tế, nhưng không được để nợ xấu tăng cao trong tương lai và bảo đảm an toàn hệ thống. Mức độ giảm lãi suất, phí của các ngân hàng đều phải cân đối để đảm bảo hài hòa lợi ích, an toàn nguồn vốn và duy trì năng lực tài chính. Bởi, an toàn của hệ thống ngân hàng là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện tại, ngân hàng có mạnh mới có thể hỗ trợ hiệu quả cho nền kinh tế ứng phó với đại dịch. Thêm vào đó, dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gây tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng lên, buộc các ngân hàng phải thận trọng trong việc cho vay vốn. Trên thực tế, dù các ngân hàng triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhưng nhu cầu khách hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp chưa có phương án chuyển đổi sản xuất, kinh doanh hiệu quả nên chưa “mặn mà” với việc vay vốn. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp mới hoạt động, tài sản bảo đảm chưa có, phương án kinh doanh chưa hiệu quả nên không thể chứng minh năng lực với ngân hàng, do đó việc giải ngân rất khó được thực hiện.
Vì thế, hơn lúc nào hết, ngân hàng cần sự chung tay, góp sức, thấu hiểu, chia sẻ từ các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân vì mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Mới đây, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN tiếp tục mở rộng độ bao phủ và kéo dài các mốc thời gian hỗ trợ, sẽ giúp cho người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch COVID-19. Với việc điều chỉnh tiếp theo này, NHNN kỳ vọng không chỉ giảm bớt khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp trong thời điểm giãn cách mà ngay cả khi kiểm soát được dịch bệnh, doanh nghiệp sẽ có điều kiện để nhanh chóng phục hồi cùng với nền kinh tế. Đây cũng là tín hiệu tích cực khẳng định ngành Ngân hàng luôn lắng nghe, chia sẻ, tiếp thu và sẵn sàng thay đổi để tạo hỗ trợ tối đa, đồng hành cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Cuộc chiến chống dịch COVID-19 còn hết sức gian nan, cam go và diễn biến phức tạp. Những nỗ lực, hành động “đồng cam cộng khổ” quyết liệt của toàn ngành cùng chung tay góp sức giảm thiểu không nhỏ tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế đã được Chính phủ và người dân đánh giá cao. Tuy nhiên, để đưa các chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng thực sự “thẩm thấu” vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tối đa thì không chỉ riêng ngành Ngân hàng còn rất cần các giải pháp đồng bộ với nhiều chính sách khác nhau về cơ chế chính sách tài khoá, an sinh xã hội của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan./.
PV