Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 dịch vụ chuyển phát hàng hóa gia tăng nhanh chóng đòi hỏi các đơn vị cung cấp dịch vụ làm thế nào để đảm bảo chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu an toàn, kịp thời được khách hàng tin tưởng lựa chọn và yên tâm sử dụng.
Phân loại bưu kiện tại Trung tâm khai thác vận chuyển hàng hóa Bưu điện tỉnh Nam Định. |
Đơn hàng tăng 30-50%
Chị Nguyễn Thị Thơm, nhân viên chuyển phát hàng hóa của Bưu điện tỉnh, cho biết, thời gian gần đây, đơn hàng sử dụng dịch vụ chuyển phát tăng lên từ 30-50% so với trước. Để nhanh chóng chuyển phát hàng hóa, thư tín đến tay người dân một cách nhanh chóng, bộ phận của chị phải làm việc từ sáng sớm đến chiều tối nhằm giao hết các đơn hàng trong ngày, cung đường di chuyển trong ngày nhiều hơn. Chị phải chia hàng chuyển phát theo khung giờ: sáng sớm, tranh thủ giao hàng cho những công nhân lao động trước giờ vào ca; giờ hành chính thì chuyển phát, giao hàng cho nhóm nhân viên văn phòng; buổi trưa và chiều thì dành chuyển hàng hóa, tài liệu cho các hộ gia đình có đăng ký làm thủ tục hành chính qua bưu điện để hướng dẫn họ làm hồ sơ hoặc chuyển trả kết quả... Trung bình mỗi ngày chị Thơm di chuyển cả trăm km quanh khu vực thành phố Nam Định để giao hàng đến tận tay người dân... Tại điểm giao dịch Trung tâm khai thác vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp bưu chính, không khí làm việc diễn ra khẩn trương hơn bao giờ hết. Các nhân viên thoăn thoắt tác nghiệp, từng cử chỉ, hành động chính xác từ việc phát tờ khai thông tin hàng hóa đến kiểm tra, phân loại và thu phí dịch vụ cho khách hàng. Các loại xe chuyên dụng, cẩu, băng chuyền di chuyển vào ra không ngớt để chuyên chở lưu thoát hàng hóa, tránh ùn ứ. Tại trụ sở của các doanh nghiệp tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển phát triển khai các phương án chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, đảm bảo thông suốt mạng lưới thông tin bưu chính, duy trì ổn định, đảm bảo nhanh chóng, chính xác; an toàn, an ninh thông tin, phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, điều hành của các cơ quan và nhu cầu của người dân. Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Vũ Thị Châu Giang cho biết: Bưu điện tỉnh duy trì mở cửa 100% các điểm phục vụ đảm bảo các yêu cầu của các cấp chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn bao gồm các dịch vụ thiết yếu như: tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tới tay người dân; chuyển phát hàng hóa thông thường; cung ứng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho người dân (bao gồm cả hàng hóa đi và đến các địa bàn có dịch). Trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận trên 20 chuyến thư đi nội tỉnh và liên tỉnh, bao gồm cả chiều đi và chiều đến. Lượng hàng mỗi ngày qua sàn khai thác khoảng 45 tấn, trong đó gần 30 tấn chiều đi và 15 tấn chiều đến. Do đó đội ngũ bưu tá và nhân viên của đơn vị phải hoạt động liên tục, để đảm bảo cung cấp, vận chuyển thông suốt nhiều loại hàng hóa, giấy tờ và các dịch vụ hỗ trợ thủ tục hành chính tới tận nhà cho người dân. Công ty Bưu chính Viettel Nam Định đã áp dụng triệt để các giải pháp công nghệ hỗ trợ mua bán, trao đổi và giao nhận hang hóa như: Ứng dụng giao hàng ViettelPost, Giải pháp tích hợp Omni-Channel, Phần mềm quản lý đa kênh VTSale, MyGo và nền tảng thương mại điện tử Voso.vn... để mang lại nhiều tiện ích, hỗ trợ nhân viên chuyển hàng hóa tới tay khách hàng nhanh nhất. Ngoài việc tổ chức tốt các dịch vụ, đơn vị còn hỗ trợ vận chuyển các mặt hàng thiết yếu của các cá nhân, tổ chức thiện nguyện trên địa bàn tỉnh đến với người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và trao tận tay người dân thông qua chương trình “Đơn hàng thiết yếu 0 đồng”.
Chú trọng công tác phòng, chống dịch
Trên thị trường tỉnh ta hiện nay, các loại hình dịch vụ giao, nhận hàng đang có sự phát triển nhanh chóng với những thương hiệu lớn như ViettelPost, VNPost và một số đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhỏ hơn như: Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm… Với dịch vụ này đã đáp ứng yêu cầu lưu thông hàng hóa và nhu cầu đời sống người dân. Do tính chất công việc, người lao động tại các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát phải tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa, người dân ở cả vùng có dịch COVID-19 nên yêu cầu đảm bảo an toàn sức khỏe, phòng ngừa lây nhiễm, phát tán virus của khách hàng, cán bộ, công nhân viên là yêu cầu tiên quyết. Các doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch; thường xuyên quán triệt đến đội ngũ nhân viên, bưu tá chấp hành theo các quy định, hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho bản thân, khách hàng và cộng đồng. Đồng thời triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ kinh doanh và phòng, chống dịch, như yêu cầu 100% cán bộ, công nhân viên, người lao động phải cài đặt ứng dụng Bluezone; các phần mềm chuyên dụng theo dõi doanh thu bưu chính chuyển phát CRMBeta, nhập báo phát Smartphone, app DingDong cho lực lượng bưu tá, phần mềm văn bản điện tử EOF... đảm bảo thông tin liên lạc và tránh đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa. Tất cả phương tiện, hàng hóa về tới Trung tâm khai thác vận chuyển hàng hóa của Bưu điện tỉnh đều được khử khuẩn trước khi ra, vào để đảm bảo không cho nguồn bệnh theo hàng hóa xâm nhập vào cộng đồng. Không tập trung quá đông người lao động làm việc cùng lúc trên sàn khai thác cũng như hạn chế trao đổi, nói chuyện riêng trong giờ làm việc. Đối với các lái xe đường trục nội tỉnh và liên tỉnh ngoài việc chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, khi về đến sàn khai thác phải ở nguyên trong xe, không được vào sàn khai thác, không được tiếp xúc với người lao động tại Trung tâm.
Hối hả, tất bật, nghiêm túc tuân thủ kỷ luật lao động, khắc phục khó khăn để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính chuyển phát của nhân dân trong điều kiện dịch bệnh và đảm bảo phòng, chống dịch cho mình và cộng đồng, các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát đang phát huy tối đa vai trò “mắt xích quan trọng” nối thông tất cả các hoạt động từ cung cấp, trao đổi thông tin đến cung ứng hàng hóa, chuyển phát thư tín giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương