Với vai trò là đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong phòng chống dịch, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, chung tay cùng các cấp chính quyền hỗ trợ khách hàng và người dân trong tỉnh trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Chăm sóc khách hàng tại Trung tâm Kinh doanh Công ty Vinaphone Nam Định. |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 đơn vị viễn thông cùng hoạt động cung ứng dịch vụ viễn thông, CNTT. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp viễn thông đã chủ động nâng cấp thiết bị, củng cố đội ngũ cán bộ và đưa ra các nhóm giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng nhằm đáp ứng tối đa yêu cầu ứng dụng triệt để CNTT trong thời điểm diễn biến dịch bệnh đang phức tạp. Theo đó, các nhà mạng đã nâng tốc độ, mở rộng băng thông đường truyền internet toàn tỉnh, đặc biệt là tại các trường học, bệnh viện, cơ sở cách ly tập trung; miễn phí dịch vụ đào tạo trực tuyến đối với các trường học, miễn phí cước data 3G/4G khi truy cập; phối hợp với các tổ chức, cơ quan hướng dẫn cài đặt khai báo y tế toàn dân trên phần mềm NCOVI. Bên cạnh đó, các nhà mạng VNPT, Viettel Nam Định, MobiFone Nam Định… đã cài đặt thông báo vào phần nhạc chờ, tin nhắn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh đến hơn một triệu thuê bao di động trên toàn tỉnh đề nghị người dân tuân thủ các quy định phòng, chống dịch đối với tất cả các cuộc gọi trong nước khởi phát từ thuê bao điện thoại di động. Trong đó, VNPT Nam Định xây dựng phương án hỗ trợ cụ thể tới từng chủ thể là chính quyền các cấp, ngành giáo dục, doanh nghiệp và người dân như: Hỗ trợ triển khai cung cấp miễn phí dịch vụ phần mềm họp trực tuyến VNPT Meeting cho các cơ quan, chính quyền, đơn vị hành chính sự nghiệp. Đây là dịch vụ Hội nghị truyền hình trực tuyến do VNPT cung cấp, đã phát huy hiệu quả và được Ban Chỉ đạo sử dụng trong suốt quá trình điều hành, chỉ đạo phòng, chống dịch kết nối từ tỉnh đến xã. Trong đó, tại mỗi điểm cầu, VNPT đều bố trí cán bộ kỹ thuật phục vụ các công việc: Kết nối internet để vận hành hệ thống VNPT-Meeting; kéo đường truyền riêng; hỗ trợ thiết bị kết nối điểm cầu truyền hình cho các điểm cầu chính gồm: UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các khu vực trọng điểm khác… Nhờ đó, công tác chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo luôn được tiến hành thông suốt, kịp thời. Với tinh thần bảo vệ sức khỏe khách hàng và cộng đồng, trước những diễn biến nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19, VNPT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dịch bệnh, cách phòng tránh tới tất cả cán bộ, nhân viên, khách hàng và cộng đồng qua các kênh truyền thông nội bộ, phòng giao dịch, hệ thống truyền hình MyTV và màn hình điện tử tại điểm công cộng. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về internet trong mùa dịch, VNPT đã tiến hành nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông như tăng cường rà soát, bố trí lại các trang thiết bị dự phòng, các phương án truyền dẫn dự phòng, lập các tổ, nhóm kỹ thuật sẵn sàng xử lý sự cố, ứng cứu thông tin và triển khai mở rộng mạng lưới để đáp ứng nhu cầu dịch vụ viễn thông tăng cao, nhất là tại các vùng dịch. Ngoài ra, khách hàng sử dụng dịch vụ Vinaphone sẽ được bổ sung dung lượng đáp ứng nhu cầu làm việc từ xa, làm việc trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh. Cùng với VNPT, với thế mạnh là doanh nghiệp công nghệ, ngoài việc hỗ trợ cước thông thường, Viettel Nam Định đã đưa ra giải pháp ứng dụng toàn diện CNTT. Trong đó “Sổ sức khỏe điện tử” là 1 trong 4 thành phần của nền tảng hệ thống tiêm chủng quốc gia giúp cho ngành Y tế chủ động tổng hợp, phân tích dữ liệu tiêm và phản ứng sau tiêm, từ đó đưa ra chỉ đạo kịp thời về công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, hỗ trợ các cơ quan quản lý rà soát người dân đăng ký tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trên địa bàn. Đây cũng là giải pháp giúp nâng cao hiệu quả thống kê, phân tích, cảnh báo, lập kế hoạch, giám sát thực hiện việc tiêm vắc-xin COVID-19; giúp giảm tải công việc lưu trữ hồ sơ, tổng hợp báo cáo; hỗ trợ nhập liệu và kết xuất báo cáo. Đến thời điểm hiện tại, Viettel Nam Định phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế tổ chức hướng dẫn người dân toàn tỉnh cài đặt Sổ sức khỏe điện tử nhằm thiết lập kênh giao tiếp và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin tiêm chủng, thông tin y tế một cách tiện lợi, nhanh chóng và đơn giản. Hưởng ứng chương trình phát động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, với mong muốn chung tay cùng cả nước trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đã chuyển giao quà từ tập đoàn và kêu gọi cán bộ, công nhân viên đóng góp để hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn khắc phục hậu quả do dịch bệnh COVID-19.
Có thể nói, bằng nhiều giải pháp từ cung cấp kịp thời các dịch vụ viễn thông - CNTT thiết thực tới những chính sách hỗ trợ đặc biệt nhằm giúp người dân và doanh nghiệp có những sản phẩm hữu ích, ủng hộ nhân lực, vật lực trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đã thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tích cực chung tay cùng chính quyền và người dân chống dịch./
Bài và ảnh: Nguyễn Hương