Những năm gần đây, việc xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại có những bước phát triển đáng kể, đưa tỉnh ta trở thành một điểm giao thương năng động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân nội tỉnh và các khu vực lân cận, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.
Quang cảnh chợ Rồng Nam Định. |
Tỉnh ta đã có hệ thống chợ truyền thống phát triển mạnh với 192 chợ các loại ở hầu hết các xã, thị trấn. Trong đó có 2 chợ hạng I (chợ Rồng, chợ Mỹ Tho), 16 chợ hạng II, 174 chợ hạng III; 18 siêu thị. Thời gian qua, Sở Công Thương đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt quy hoạch hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh đảm bảo quy mô, tính chất đầu tư theo quy hoạch và hỗ trợ vốn cho đầu tư, xây mới nâng cấp, cải tạo các chợ. Đến nay, hầu hết các chợ đã có đình kiên cố hoặc bán kiên cố, các ki ốt trong chợ đã từng bước được đầu tư khang trang, sạch sẽ; nền chợ, giao thông trong chợ được bê tông cứng hóa, hệ thống thoát nước, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường được đảm bảo. Mọi hoạt động quản lý chợ truyền thống đều do Ban quản lý hoặc Tổ quản lý thực hiện theo đúng quy định, góp phần duy trì trật tự kỷ cương đối với hoạt động mua bán. Hệ thống chợ trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng hoàn thiện về cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn phòng chống cháy nổ, từng bước tiệm cận với văn minh thương mại... đáp ứng tốt nhu cầu mua bán hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời phát huy được vai trò là kênh phân phối bán buôn, bán lẻ chủ yếu của địa phương để đưa sản phẩm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng; giữ vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp, CN-TTCN của địa phương. Cùng với hệ thống chợ truyền thống, kênh phân phối hiện đại là hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm, chuỗi cửa hàng tiện lợi, khu dịch vụ thương mại... cũng đang được đầu tư, phát triển mạnh trên địa bàn ở cả khu vực thành phố và nông thôn. Trong đó các tập đoàn, công ty bán lẻ lớn như GO!, Co.op Mart, Nguyễn Kim... đã đầu tư xây dựng các siêu thị tại thành phố Nam Định. Một số thương hiệu như Country Mart, Lan Chi Mart, Media Mart đã và đang mở hệ thống chuỗi siêu thị tại địa bàn các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Nam Trực, Trực Ninh... Đặc biệt chuỗi các cửa hàng tiện ích như VinMart (16 cửa hàng), MinMart (18 cửa hàng), Thế giới sữa (12 cửa hàng)... đang hoạt động rất hiệu quả và ngày càng mở rộng về khu vực nông thôn. Nhờ đó, người dân được tiếp xúc với một kênh phân phối, bán lẻ hàng hóa văn minh, hiện đại và có thể yên tâm về giá cả, chất lượng hàng hóa. Hạ tầng thương mại phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn. 5 năm (2016-2020), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân tăng 10,46%/năm. Tuy phải chịu nhiều tác động tiêu cực nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của tỉnh năm 2020 vẫn đạt trên 47 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm trước, góp phần quan trọng vào việc phát triển vững chắc thị trường nội địa, đáp ứng tốt mọi nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Tuy nhiên hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng bộ. Nhiều chợ tại khu vực nông thôn hiện đã xuống cấp, không bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc triển khai chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ cũng không đồng đều và chủ yếu là các chợ ở những khu vực đông dân cư, có lợi thế thương mại. Việc bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng thương mại tại nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng thương mại còn nhiều hạn chế. Trong đó việc đầu hạ tầng thương mại nông thôn khó thu hút dự án đầu tư do lộ trình thu hồi vốn lâu. Ngoài ra, chính quyền một số địa phương, các hộ kinh doanh tại các chợ đang chuẩn bị được đầu tư xây dựng, chuyển đổi nâng cấp thành trung tâm thương mại có quy mô lớn còn có tâm lý e ngại về hiệu quả vận hành chợ sau chuyển đổi.
Để thúc đẩy thu hút đầu tư các dự án hạ tầng thương mại, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển, tỉnh ta đang tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại. Năm 2021, trong số 36 dự án UBND tỉnh công khai kêu gọi đầu tư thì có 3 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại gồm: Khu thương mại giá rẻ thành phố Nam Định (3ha); chợ đầu mối và trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thành phố Nam Định (1,2ha); dự án liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả chất lượng cao theo chuỗi giá trị tại địa bàn các huyện (1.000-2.000ha). Chú trọng triển khai, thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút, hỗ trợ phát triển thương mại, đặc biệt là chuyển đổi, nâng cấp hạ tầng thương mại tại vùng nông thôn. Ưu tiên thu hút, khuyến khích đầu tư xây dựng, phát triển loại hình hạ tầng thương mại có tính lan tỏa, tác động lớn đến sản xuất, lưu thông như: trung tâm logistic phục vụ bán buôn, bán lẻ đồng bộ hiện đại áp dụng công nghệ cao; các chợ đầu mối nông sản hiện đại để nâng nhanh hiệu quả giao thương và hàng hóa phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh và các tỉnh lân cận. Đối với một số địa phương, các hộ kinh doanh tại các chợ đang chuẩn bị được đầu tư xây dựng, chuyển đổi nâng cấp thành trung tâm thương mại có quy mô lớn cần có phương án chủ động triển khai các thủ tục, công khai minh bạch phương án đầu tư xây dựng, tổ chức sắp xếp hợp lý các hộ kinh doanh cũ tại chợ, tạo sự đồng thuận và sớm triển khai các dự án. Đẩy mạnh tuyên truyền, đối thoại để thống nhất nhận thức của chính quyền cơ sở và các tiểu thương về yêu cầu và xu hướng phát triển hạ tầng thương mại trong hoạt động kinh doanh, buôn bán để thúc đẩy kinh tế phát triển và hạ tầng thương mại của tỉnh ngày càng văn minh, hiện đại./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương