Kinh tế phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng lên, việc lựa chọn hàng hóa, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu. Nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, hệ thống các cửa hàng giới thiệu nông sản sạch, an toàn trên địa bàn tỉnh được hình thành, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Sản xuất thực phẩm an toàn tại Công ty cổ phần Đầu tư Nam Phát (thành phố Nam Định). |
Cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định (Công ty Cổ phần Hiệp hội nông nghiệp sạch Nam Định) đường Võ Nguyên Giáp (thành phố Nam Định) chuyên giới thiệu và kinh doanh sản phẩm sạch, sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm đều được gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng tìm hiểu kỹ về quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Đồng thời, thông qua hoạt động bán hàng, người tiêu dùng có thể tìm kiếm, nắm bắt được những địa chỉ sản xuất sản phẩm uy tín, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và lan tỏa việc sử dụng, tiêu dùng sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh. Hiện, cửa hàng đang giới thiệu và trưng bày các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh, như: gạo Toản Xuân (gạo Bắc thơm số 7, gạo ST 24) được sản xuất theo quy trình hữu cơ tại huyện Ý Yên, Hải Hậu; bột sắn, bánh nhãn, miến dong, trà túi lọc, hải sản đông lạnh, nước mắm... của các cơ sở sản xuất, chế biến huyện Hải Hậu; các sản phẩm nông sản sấy khô (ngô nếp, khoai lang, mít, gạo...) của Công ty TNHH một thành viên Minh Dương (thành phố Nam Định). Ngoài ra các sản phẩm hải sản như nõn bề bề, tôm nõn hấp, tép moi sấy khô, chả cá, cá tẩm gia vị của Công ty TNHH một thành viên hải sản Hùng Vương được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh... Mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 5 tạ rau, củ, quả; 5 tạ thịt… Bên cạnh đó, cùng với những sản phẩm đặc sản ở một số vùng miền đã được xếp hạng sản phẩm OCOP như mì gạo sạch của tỉnh Phú Thọ; mộc nhĩ, nấm hương, đỗ xanh, vừng, bún ngũ sắc... của tỉnh Cao Bằng; măng nứa khô... của tỉnh Bắc Kạn và nhiều sản phẩm đặc sản của các tỉnh khác. Thông qua các cửa hàng nông sản sạch, giới thiệu sản phẩm OCOP, người tiêu dùng được lựa chọn những sản phẩm tiêu chuẩn, chất lượng. Thay vì ra chợ mua thực phẩm cho mỗi bữa ăn như trước, giờ đây chị Nguyễn Thị Huệ ở khu đô thị Thống Nhất (thành phố Nam Định) đã lựa chọn thực phẩm tại cửa hàng của Hiệp hội nông nghiệp sạch Nam Định ở ngay gần nhà. Chị Huệ cho biết: “Do đặc thù công việc bận rộn nên tôi thường gọi dịch vụ ship hàng của cửa hàng. Tại đây các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm; riêng các mặt hàng tươi sống được bảo quản trong tủ đông lạnh nên tôi yên tâm, vừa giúp tiết kiệm thời gian so với việc ra các chợ truyền thống, lại hạn chế được nguy cơ lây lan dịch COVID-19 khi không phải đến chỗ đông người”. Còn đối với chị Trần Minh Anh, lâu nay gia đình vẫn sử dụng một số loại sản phẩm gạo, miến gạo, bột sắn... truyền thống. Thông qua các cửa hàng giới thiệu sản phẩm sạch, hiện gia đình chị đã chuyển sang sử dụng sản phẩm gạo của Công ty TNHH Toản Xuân, một số sản phẩm rau an toàn của HTX sản xuất, kinh dịch vụ Nam Cường, Công ty TNHH Đình Mộc và sản phẩm trứng gà của các cơ sở uy tín khác... Từ các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm sạch, OCOP đã được chứng minh qua việc “kết nối” giữa người tiêu dùng với đơn vị sản xuất và khối lượng sản phẩm hàng hóa được tiêu thụ tại các cửa hàng. Vì vậy, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh hiện đang đẩy mạnh việc xây dựng các gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP kết hợp với các sản phẩm nông nghiệp khác. Tại các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu... hiện mỗi huyện có ít nhất 1 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 60 cửa hàng tiện ích và cửa hàng thực phẩm sạch đi vào hoạt động, có mã QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ khi có yêu cầu của khách, đồng thời liên tục mở rộng nhiều loại dịch vụ phục vụ những khách hàng bận rộn như: sơ chế sẵn thực phẩm, ship hàng tận nhà… Lợi thế của hệ thống các cửa hàng nông sản sạch là luôn chọn những HTX điển hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, không dùng hóa chất và chất bảo quản thực phẩm. Điển hình như mô hình trang trại chăn nuôi Hiền Thục xã Trực Thái (Trực Ninh) được nuôi theo quy trình thảo dược hữu cơ, được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP; mô hình giò chả đủ điều kiện sản xuất an toàn của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phát đường Phù Nghĩa (thành phố Nam Định)… Các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia cung ứng tại các cửa hàng nông sản sạch đều được tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, đóng gói, công bố sản phẩm phù hợp quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn hàng chất lượng, phong phú phục vụ nhu cầu của khách. Việc liên kết chặt chẽ giữa các cửa hàng nông sản an toàn với các HTX, mô hình kể trên vừa giúp ổn định nguồn hàng vừa tiết kiệm được chi phí, thời gian vận chuyển nên hàng hóa luôn tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng.
Từ nay đến cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tăng cao. Các ngành chức năng cần tiếp tục định hướng cho các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên giới thiệu các sản phẩm nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm để người tiêu dùng có cơ hội sử dụng nguồn thực phẩm có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh