Xã Liên Minh (Vụ Bản) có dân số 11 nghìn người, trong đó có gần 7.200 người trong độ tuổi lao động. Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động, qua đó giúp người dân có thu nhập ổn định, các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu của ông Vũ Hồng Hải, thôn Ngõ Trang, xã Liên Minh (Vụ Bản) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. |
Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, xã tổ chức đánh giá thực trạng các nghề phù hợp ở địa phương; khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề, điều kiện, khả năng của người lao động và nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đồng thời tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp. Trên cơ sở đó, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: trồng lúa, chăn nuôi gia súc; nghề phi nông nghiệp gồm: đan lát thủ công, nấu ăn… Từ năm 2019 đến nay, thực hiện Đề án 1956, xã mở 2 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 59 lao động. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Ban Nông nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổ chức hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu cho nông dân. Năm 2020, Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định tổ chức lớp học nấu ăn cho 35 học viên; phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở lớp đan lát thủ công cho 24 lao động. Năm 2021, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội Phụ nữ xã đã lựa chọn 20 học viên tham gia lớp tập huấn online “Kỹ thuật sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm” do Hội Phụ nữ huyện Vụ Bản phối hợp với Sở KH và CN tổ chức. Đồng chí Trần Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết thêm: Trong quá trình đào tạo nghề, xã tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo dạy và học thực chất, hiệu quả. Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản và sử dụng được kỹ năng nghề để tìm việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Người lao động học nghề nông nghiệp tích cực áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động. Đối với nghề phi nông nghiệp, nhiều học viên có việc làm ngay khi kết thúc khóa học. Chị Phạm Thị Bích (42 tuổi) ở xóm Thượng sau khi học nghề nấu ăn đã có việc làm ổn định với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng; chị Phạm Thị Tuyến (51 tuổi), xóm Tam Giáp sau khi học nghề đan lát đã nhận làm các sản phẩm tại nhà cho thu nhập ổn định từ 3-4,5 triệu đồng/tháng. Cùng với các lớp học do xã phối hợp với các đơn vị dạy nghề tổ chức, nhiều cá nhân và cơ sở sản xuất ở xã Liên Minh tổ chức lớp dạy nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương. Tiêu biểu như ông Vũ Hồng Hải, Bí thư chi bộ 12 Ngõ Trang là chủ cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu với trên 30 lao động địa phương. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, ông thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động. Đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hàng hóa xuất bán chậm, cơ sở của ông duy trì 10 lao động làm việc thường xuyên. Anh Hoàng Văn Quánh hiện đang làm việc tại cơ sở sản xuất của ông Hải chia sẻ: “Bản thân tôi quanh năm đau ốm và không làm được việc nặng, được sự tạo điều kiện của ông Hải, tôi đã có việc làm ổn định, thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/tháng”. Còn anh Vũ Thế Vinh (43 tuổi) bị bệnh tim bẩm sinh là người đã gắn bó với cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu của ông Vũ Hồng Hải từ năm 2005 đến nay cho biết: “Làm việc tại cơ sở, tôi thường xuyên được tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề. Công việc phù hợp với sức khỏe, gần nhà mà vẫn đảm bảo thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng”. Còn ở xóm Hổ Sơn, cơ sở sản xuất đồ gỗ, đồ thờ của vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhàn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với thu nhập từ 5-15 triệu đồng/người/tháng. Để đảm bảo chất lượng mẫu mã sản phẩm mới, vợ chồng chị Nhàn thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ thuật, sử dụng máy móc an toàn cho người lao động. Trung bình hàng năm, trừ chi phí, gia đình chị thu lãi trên 200 triệu đồng.
Cùng với đào tạo nghề, xã tạo thuận lợi cho người lao động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn xã đạt khoảng 15 tỷ đồng cho 535 hộ vay vốn phát triển sản xuất, trong đó có 7 hộ nghèo, 49 hộ cận nghèo. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, có điều kiện phát triển quy mô sản xuất. Chị Ngô Thị Lánh (51 tuổi) ở xóm Tiền trước năm 2018 thuộc hộ cận nghèo, sau khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và vay thêm người thân, vợ chồng anh chị đã mở xưởng sản xuất đồ gỗ. Đến nay, sau 3 năm, gia đình chị đã thoát nghèo. Cũng ở xóm Hổ Sơn, trang trại VAC của bà Hoàng Thị Mai có diện tích trên 10 nghìn m2, số lượng đàn gia súc gia cầm hàng vạn con. Những ngày đầu mới xây dựng trang trại, gia đình bà gặp khó khăn về nguồn vốn để xây chuồng trại, mua con giống. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã, bà tìm đến các kênh Ngân hàng NN và PTNT, Quỹ Quay vòng… để vay vốn. Vay được tiền, bà đầu tư xây dựng dãy chuồng nuôi lợn, gà và thuê người đào ao thả cá; trên bờ, kết hợp trồng thêm các loại rau: rau muống, cà chua, bắp cải, su hào… làm thức ăn cho gà, cá và để bán. Với 8 sào ao, trung bình hàng năm bà thu được hơn chục tấn cá chim. Hiện nay, bà đang kết hợp với Công ty TNHH Jafa Comfeed Việt Nam (Vĩnh Phúc) nuôi 8.000 con gà thịt.
Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã và sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn, xã Liên Minh đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến nay, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề trên địa bàn xã đạt 72,2%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều còn 0,86%; thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/năm. Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục bám sát các chương trình, kế hoạch của huyện về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân học nghề. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo. Gắn đào tạo nghề với phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương./.
Bài và ảnh: Viết Dư