Lấy các đô thị làm trụ cột, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế là chủ trương đã được tỉnh tập trung thực hiện từ nhiều năm nay. Tỉnh đã tập trung nâng cấp, cải thiện diện mạo đô thị thành phố Nam Định không ngừng theo hướng hiện đại, khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và đang hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Điểm nhấn trong đô thị hóa vùng nông thôn phải kể đến việc tỉnh đã chủ động lồng ghép, thúc đẩy xây dựng khu đô thị trung tâm thị trấn các huyện, khu dân cư tập trung trong thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau triển khai dự án thí điểm xây dựng khu dân cư đô thị mới tại thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) vào năm 2011 đã góp phần cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương và các khu vực lân cận phát triển nhanh, mạnh. Thành công này tạo tiền đề, động lực thúc đẩy các huyện trên toàn tỉnh đồng loạt triển khai đầu tư xây dựng khu dân cư đô thị. Tiếp nối chuỗi dự án đô thị hóa cấp huyện, tỉnh đã tăng cường cơ chế, đẩy mạnh đầu tư khu dân cư tập trung ở các xã. Nhờ đó, nhiều xã, thị trấn đã vươn lên trở thành thị trấn mới, đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa nông thôn như: xã Trực Phú (Trực Ninh) trở thành thị trấn Ninh Cường, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu)… Hiện toàn tỉnh có 17 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại IV, 15 đô thị loại V.
Khu đô thị Dệt may tạo điểm nhấn về cảnh quan, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn thành phố Nam Định. |
Các đô thị đã tạo trụ cột, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, sự gia tăng của các đô thị giúp diện mạo, cảnh quan các địa phương ngày càng khang trang, hiện đại với nhiều khu nhà ở có chất lượng, thậm chí có công trình đạt quy mô khu vực giúp cho thị trường bất động sản có tốc độ tăng trưởng khả quan, gia tăng cơ hội phát triển dịch vụ lưu trú, du lịch. Cùng với đó, việc tăng cường nâng cấp, cải thiện hệ thống điện, đường, trường, trạm, các công trình bảo vệ môi trường nước, rác… theo hướng đồng bộ, hiện đại đã tạo vị thế, sức hấp dẫn mới, thu hút các doanh nghiệp tích cực đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu, cụm, điểm công nghiệp tập trung ở các khu vực đô thị, gần đô thị nhằm khai thác, tận dụng các hạ tầng xã hội và kỹ thuật sẵn có như nguồn nhân lực, các cơ sở y tế, giáo dục, đường bộ, đường sắt... Những lợi thế từ thu hút đầu tư kéo theo hàng loạt cơ hội chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, trọng điểm, tạo ra nguồn thu nhập có tích lũy cho một bộ phận người lao động; tăng nguồn thu ngân sách địa phương.
Với những kết quả kể trên, nhiệm kỳ 2021-2025 tỉnh tiếp tục xác định các đô thị là trụ cột, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Để quá trình đô thị hoá phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò trụ cột, thúc đẩy phát triển kinh tế, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn vốn đầu tư để phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch. Hiện tỉnh đang tập trung đôn đốc các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu dân cư tập trung; đôn đốc thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, chú trọng hình thành đô thị Rạng Đông - Thịnh Long và triển khai thực hiện tốt quy hoạch Khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông theo hướng tập trung thu hút đầu tư để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực; trong đó chuyên sâu về: Phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, các khu vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, khách sạn cao cấp, resort ven biển, sân golf để hướng tới du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, văn hóa, giải trí gắn với khám phá, trải nghiệm, ẩm thực, tổ chức sự kiện. Đẩy mạnh xây dựng đô thị Thịnh Long theo hướng phát triển du lịch, dịch vụ vận tải biển, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản. Tập trung xây dựng đô thị Quất Lâm, Đại Đồng, Giao Phong theo hướng phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội thảo hội nghị, du lịch cộng đồng - làng nghề... Các ngành, các địa phương tiếp tục chú trọng tính liên kết vùng trong đầu tư xây dựng, khai thác, quản lý kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giữa các đô thị. Chú trọng cải tạo, tái thiết các đô thị hiện hữu, nâng cao năng lực hệ thống hạ tầng đô thị; gia tăng tính gắn kết phát triển đô thị với xây dựng mới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, ưu tiên đầu tư các khu, CCN đã được quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp. Nâng cấp mở rộng, xây mới hệ thống công trình thương mại, dịch vụ theo quy hoạch, trọng điểm là: Xây dựng 1 trung tâm hội chợ, triển lãm tại khu vực phường Lộc Hòa; xây dựng siêu thị tổng hợp hạng I khu vực phía Nam sông Đào; xây dựng khu phức hợp vui chơi giải trí và đô thị thông minh trên địa bàn thành phố Nam Định; xây dựng, nâng cấp chất lượng hệ thống thương mại, dịch vụ tại khu vực đô thị Thịnh Long, Rạng Đông, Quất Lâm; xây dựng khu vực logistic tại khu vực nút giao Cao Bồ (thuộc đô thị mới 4 xã huyện Ý Yên). Tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng hệ thống công trình dịch vụ du lịch với trọng tâm là dự án xây dựng Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa Trần; kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng Khu du lịch văn hóa Phủ Dầy; đầu tư nâng cấp hệ thống công trình lưu trú, khu quảng trường, khu dịch vụ vui chơi giải trí tại khu du lịch biển Thịnh Long, khu du lịch biển Quất Lâm; đầu tư xây dựng các khu lưu trú, khu nghiên cứu phục vụ tham quan nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học tại vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy; đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Rạng Đông. Chú trọng hoàn thiện hệ thống quản lý tài chính đô thị theo hướng sử dụng hợp lý các nguồn thu cho đầu tư phát triển đô thị, nhất là nguồn lực từ đất đai. Tích cực đổi mới mô hình phát triển đô thị, đặc biệt là mô hình kinh tế đô thị, mô hình chính quyền đô thị, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng các đô thị theo hướng đô thị thông minh, đô thị xanh, phát triển bền vững, có bản sắc; đẩy mạnh phân cấp, nâng cao năng lực, minh bạch thông tin, dữ liệu quản lý đô thị.
Tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu: đến năm 2025 có 21 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 3 đô thị loại IV, 17 đô thị loại V; đến năm 2030 có 26 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 5 đô thị loại IV, 19 đô thị loại V; đến năm 2030 Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy