Năm 1991, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ông Trương Đức Hiến, xóm 15, xã Điền Xá (Nam Trực) chưa biết làm nghề gì. Mặc dù địa phương có nghề trồng cây cảnh lâu năm nhưng thời điểm đó, kinh tế cả nước còn rất khó khăn, cái ăn cái mặc còn thiếu, nói gì đến chuyện chơi cây, chơi hoa. Vì vậy, ông làm thợ đóng gạch; sau đó chung tiền cùng với vài người bạn vào Thanh Hóa đầu tư mua máy làm đá lạnh, phục vụ cho bà con các huyện ven biển đi đánh bắt hải sản. Làm đá trong Thanh Hóa khoảng 3 năm nhưng vẫn không thể vực dậy kinh tế gia đình, ông Hiến quay về làng.
CCB Trương Đức Hiến, xóm 15, xã Điền Xá (Nam Trực) chăm sóc vườn cây của gia đình. |
“Những năm 1995-1996 là thời điểm Điền Xá nổi lên phong trào trồng quất cảnh, nhà nhà, người người lao vào trồng quất bán. Từ việc trồng quất giúp “phát sinh” nghề mới là quay chậu cảnh. Tôi nhanh chóng học nghề và “nhập cuộc”, trở thành một thợ quay chậu”, ông Hiến kể. Thời điểm này, ông Hiến còn rủ thêm các thợ quay chậu trong làng đi khắp các tỉnh thành phía Bắc, vào tận Đà Nẵng để làm nghề. Nghề quay chậu mang lại cho ông công việc, thu nhập ổn định hơn trước nhưng lại thường xuyên phải xa nhà dài ngày. Năm 1998, ông chuyển “địa bàn” chỉ nhận quay chậu tại Quảng Ninh. Trong thời gian ở đây, ngoài nghề quay chậu, ông nhận thêm việc chăm sóc, uốn tỉa, buôn bán cây cảnh. Vì thế, ông Hiến có thêm thời gian học nghề, “xác định” lại công việc của mình. Từ đó, mục tiêu ông hướng đến lâu dài chính là trồng, kinh doanh cây cảnh, đặc biệt là tập trung vào cây công trình. Để có thể phát triển hướng đi mới, ông mạnh dạn đầu tư vốn, tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây cảnh công trình, nắm bắt xu hướng, nhu cầu thị trường để kinh doanh. Làm cây công trình, theo ông có rất nhiều lợi thế: tốn ít công chăm sóc, vốn đầu tư ít hơn trồng cây cảnh lâu năm, phù hợp với nhiều không gian trưng bày, đối tượng khách hàng nên thị trường rộng mở. Để làm cây cảnh công trình, ông chọn mua các cây thô như long não, cây xanh, cây ăn quả, xa la… từ các tỉnh miền Trung, miền Nam về tiếp tục trồng, lên tán, tạo thế. Những năm 1998-2000 việc đi lại, giao thương giữa các tỉnh còn gặp khó khăn do đường sá chưa được mở rộng. Thời điểm này, từ Nam Định ra Quảng Ninh có khi phải mất đến cả ngày nên ảnh hưởng đến việc vận chuyển, buôn bán cây. Để rút ngắn thời gian đi lại, kinh phí vận chuyển các mặt hàng cây cảnh ra Quảng Ninh, ông Hiến nghĩ ra cách chuyển cây bằng đường thủy thay vì đường bộ. Do đó, ông thuê các tàu chở than, chở cát từ Nam Định đi Quảng Ninh chở cây với giá cước rất phải chăng. Việc buôn bán, kinh doanh cây thuận lợi, đến năm 2006, ông cùng với người đồng đội cùng đơn vị cũ lập Công ty TNHH Phú Gia Hưng có địa chỉ đóng tại Hải Dương. Từ khi thành lập công ty, ông Hiến hầu như chuyển hẳn kinh doanh, làm cây cảnh công trình. Đến nay, với hơn 1 mẫu đất, chia thành 3 khu vườn, ông Hiến có khoảng vài trăm cây sanh, si hàng tán; hàng nghìn cây cảnh loại vừa và nhỏ cùng số lượng lớn cây bon sai, cây công trình… Tùy từng loại, ông chào bán với mức giá khác nhau. Cây sanh trong vườn có giá trị nhất đang được khách trả tới trên 50 triệu đồng. Các loại cây cảnh vừa và nhỏ có giá giao động từ 10-20 triệu đồng/cây. Với các loại bon sai như khế, ổi, chanh, duối, mai chiếu thủy, linh san, ngũ gia bì…, giá dao động từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn đồng/cây… Đa phần cây trong vườn nhà đều được dùng cho các công trình xây dựng mà ông đang nhận thầu. Hiện, ông Hiến đang nhận làm cây cho các công trình xây dựng quy mô lớn như: Khu công nghiệp Việt Hưng (Quảng Ninh) đồng thời kết hợp với Công ty Cổ phần Xây dựng đô thị Hải Dương nhận làm cây ở nhiều tỉnh thành phía Bắc… Hàng năm, trừ chi phí, ông Hiến thu nhập từ 600-700 triệu đồng. Khách hàng của ông đến từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, thậm chí sang cả một số nước như Lào, Trung Quốc. Nhà vườn của ông hiện cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho 6-7 lao động địa phương cùng nhiều lao động thời vụ với mức thu nhập 300-500 nghìn đồng/người/ngày. Không chỉ giúp lao động địa phương có việc làm, thông qua việc buôn bán cây, ông còn giúp người trồng cây cảnh trong làng, đặc biệt là các hộ trồng cây công trình nhập bán số lượng lớn cây. Trong 3 tháng trở lại đây, ông Hiến đã thu mua gần 30 nghìn m2 cỏ Nhật cho bà con nông dân trong xã.
Là người trồng cây cảnh năng động, ông Hiến còn là tấm gương “doanh nhân” CCB mẫu mực, nhiệt huyết với công tác Hội và các hoạt động thiện nguyện, đóng góp nhiều tâm sức, vật chất để quảng bá, giới thiệu về phong trào sinh vật cảnh của quê hương. Với vai trò Trưởng ban nghệ nhân số 4 huyện Nam Trực, từ hàng chục năm nay, nghệ nhân sinh vật cảnh cấp tỉnh Trương Đức Hiến đã thành lập được một đội thợ gồm 8-10 người là những nghệ nhân, thợ cây cảnh trẻ, chắc nghề đi khắp trong Nam, ngoài Bắc để cắt tỉa, tạo dáng cây cảnh. Hiện ông còn là Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ CCB làm kinh tế giỏi huyện Nam Trực.
Hiện ông Hiến còn ấp ủ nhiều dự định mới để phát triển nhà vườn, công việc kinh doanh cây cảnh. Ông chia sẻ: "Tôi muốn mở rộng quy mô vườn, đưa nhiều giống cây công trình mới về trồng, giới thiệu các mặt hàng cây cảnh của tỉnh đến với nhiều địa phương trong cả nước. Tôi tự hào về nghề làm cây cảnh của quê hương đã cho tôi cuộc sống hôm nay. Trách nhiệm của chúng tôi là làm cho làng nghề ngày càng phát triển"./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân