Nam Định có vị trí ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ, thuận lợi kết nối với Thủ đô Hà Nội, các trung tâm kinh tế, các tỉnh lân cận. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, những năm qua, tỉnh ta đã tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội nội vùng, liên vùng.
Trong công tác quy hoạch, tỉnh đặc biệt chú trọng chỉ đạo các ngành, các địa phương lập các quy hoạch theo định hướng thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng. Tỉnh đã nỗ lực huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển mạng lưới công trình giao thông trọng điểm huyết mạch, tăng năng lực kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận. Giai đoạn 2016-2020, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào; cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ; các tỉnh lộ 488 (từ cầu Vòi đến thị trấn Thịnh Long), 487, 489C đoạn từ nút giao Quốc lộ 21 (cầu Lạc Quần) đến phà Sa Cao. Các dự án đang thi công: Giai đoạn 1 tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh; các tuyến tỉnh lộ 485B, 487B, 488B, 488C; tuyến đường huyện nối từ đê tả Đáy đến đường 57B huyện Ý Yên. Đang triển khai các thủ tục giai đoạn 2 tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình...
Sản xuất tại Công ty CP Dệt nhuộm Sunrise Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản. |
Giai đoạn 2016-2020 tỉnh chú trọng phát triển và đã đạt những bước tiến mới tại các vùng kinh tế mang tính trọng điểm, tạo tác động lan tỏa phát triển nhanh hơn cho các nội vùng khác, tạo lực để phát triển kinh tế - xã hội liên vùng gồm: vùng kinh tế ven biển (gồm 3 huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng) thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực, sức bật và sự ổn định cho kinh tế địa phương; vùng công nghiệp - dịch vụ thành phố Nam Định với một số chức năng đạt quy mô trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Trong đó, thành phố Nam Định đã tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật vùng công nghiệp - dịch vụ, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng về văn hóa, thể thao, giáo dục và đào tạo. Tại vùng kinh tế ven biển, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, góp phần cải thiện vị thế địa kinh tế, tạo diện mạo mới. Kinh tế biển, các vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hàng năm đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện rõ rệt, thu nhập của người dân bằng mức bình quân chung của cả tỉnh. Đặc biệt, tỉnh xác định doanh nghiệp là chủ thể chính, quan trọng nhất trong cụ thể hóa liên kết, vì vậy tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường áp dụng các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong quá trình xúc tiến đầu tư, thúc đẩy quá trình hợp tác, liên kết. Nhờ đó, xu hướng hợp tác, liên kết của các doanh nghiệp cùng ngành dần hình thành. Tiêu biểu, trong giai đoạn 2016-2020, các mô hình doanh nghiệp liên kết phát triển mạnh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Toàn tỉnh đã hình thành trên 30 mô hình mới trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị; góp phần thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất, giúp ngành nông nghiệp phát triển ổn định, là nền tảng quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. Việc đẩy mạnh liên kết vùng với sự gia tăng mạnh mẽ tính kết nối của hạ tầng giao thông, điểm nhấn của các vùng kinh tế trọng điểm cùng môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện là những lợi thế tăng tính cạnh tranh trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh đã thu hút được 461 dự án đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn, trong đó có 362 dự án trong nước và 99 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); với tổng số đăng ký đạt trên 3 tỷ USD vốn FDI và trên 16.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Vốn thực hiện của các dự án FDI đạt khoảng 720 triệu USD, gấp 3,5 lần so với số vốn thực hiện trong giai đoạn 2011-2015; vốn thực hiện của các dự án đầu tư trong nước đạt khoảng 12 nghìn tỷ đồng gấp 2,7 lần so với số vốn thực hiện trong giai đoạn 2011-2015. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới hàng năm liên tục tăng, đến cuối năm 2020 đã có trên 9.500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, tăng khoảng 4.000 doanh nghiệp so với năm 2015.
Công ty TNHH Nice Power đầu tư xây dựng nhà máy gia công đế và mũi giày dép tại xã Giao Tiến (Giao Thủy). |
Bước vào nhiệm kỳ mới, tỉnh tiếp tục xác định thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội nội vùng, liên vùng trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thời gian tới, tỉnh tập trung triển khai điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng các huyện đến năm 2030 gồm các thị trấn Yên Định, Cồn (Hải Hậu), Gôi (Vụ Bản), Lâm (Ý Yên), Ninh Cường và Cát Thành (Trực Ninh); triển khai xây dựng Quy hoạch vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy và vùng liên huyện Nghĩa Hưng - Ý Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070...; tập trung thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng chú trọng đảm bảo thúc đẩy tính đồng bộ, liên kết giữa các vùng liên huyện trong địa bàn tỉnh và tính liên kết giữa các tỉnh, các vùng trong phạm vi toàn quốc làm căn cứ thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng trong giai đoạn tiếp theo. Đẩy mạnh huy động hiệu quả nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư tập trung phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội mang tính kết nối, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tính kết nối nội vùng, liên vùng. Chú trọng xây dựng hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi trong và ngoài tỉnh, với các trục giao thông trọng điểm quốc gia. Hoàn thành toàn tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; các cầu Bến Mới, Đống Cao, Ninh Cường; các tỉnh lộ kết nối trong vùng...; nghiên cứu, đề xuất triển khai tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần và Lạc Quần nối đường ven biển; tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu kinh tế, khu đô thị tạo điểm nhấn vùng ven biển. Xây dựng, hình thành Khu kinh tế Ninh Cơ là trung tâm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và cảng biển; khu kinh tế ven biển huyện Nghĩa Hưng là trung tâm cảng biển, sản xuất công nghiệp, đô thị, sản xuất đồng bộ từ sợi, dệt, nhuộm, may mặc và thời trang lớn của miền Bắc nước ta. Xây dựng, phát triển các đô thị ven biển như: Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông... theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch biển, nghỉ dưỡng: phấn đấu đến năm 2030, hình thành đô thị Thịnh Long - Rạng Đông là đô thị loại III, trung tâm phía nam của tỉnh, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó chuyên sâu về phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, các khu vui chơi giải trí, khách sạn cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng... Bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy liên kết phát triển nội vùng tỉnh sẽ tích cực tận dụng cơ hội từ các văn bản hợp tác đã ký kết với các tỉnh, thành phố lân cận; tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố trong vùng sẽ xây dựng phương án hợp tác, liên kết trên cơ sở hài hòa lợi ích, khai thác thế mạnh của từng địa phương./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy