[links()]
(Tiếp theo và hết)
II. Những giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công
Trồng rau công nghệ cao tại Công ty TNHH Hải Đăng, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Tỉnh ta có nhiều tiềm năng để phát triển hoạt động khởi nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục, công nghệ thông tin… Trong đó có trên 9.400 doanh nghiệp; hệ thống giáo dục có 4 trường đại học, 7 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp và 16 cơ sở dạy nghề; có 142 làng nghề và làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm tự nhiên và chế tạo nổi tiếng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để KNĐMST thành công, ngoài vấn đề mấu chốt là hình thành ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thì quá trình kết nối thị trường đến tổ chức sản xuất còn cần kiến thức về quản lý, kinh doanh, kết nối vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất. Trong quá trình đó không thể tránh khỏi những khó khăn, thậm chí thất bại đòi hỏi người có ý tưởng phải biết vượt lên và không nản, sáng tạo thường xuyên. Đó cũng là lý do tỷ lệ doanh nghiệp KNĐMST chưa nhiều so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn và vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp KNĐMST chưa thành công. Theo Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ (Sở KH và CN) Đào Việt Hà thì nguyên nhân của những tồn tại này do doanh nghiệp thiếu thông tin về các nguồn đầu tư, các chương trình và tổ chức hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thông tin về các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp thiếu vốn để triển khai các dự án kinh doanh và khó khăn trong việc chứng minh tiềm năng phát triển để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các quỹ, các nhà đầu tư nên thường phải “tự lực” trong vấn đề tài chính hoặc chỉ vay mượn tiền của gia đình, bạn bè để thực hiện các dự án kinh doanh dẫn đến nguy cơ rủi ro phải bỏ dở dự án do thiếu vốn là rất cao. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cho rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp quá đề cao ý tưởng mà chưa hiểu về việc phát triển một mô hình kinh doanh hiệu quả. Anh Trần Hữu Chung, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Trường Xuân, xã Giao Lạc (Giao Thủy) là chủ nhân của giải thưởng “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu” do Bộ KH và CN phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức. Với giải thưởng này, HTX Nông nghiệp Trường Xuân do anh phụ trách được chọn để ứng dụng thí điểm sản phẩm phân bón Nano của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vào sản xuất nông nghiệp, vừa góp phần bảo vệ môi trường, không làm bạc màu đất đai, tăng năng suất, giảm tối đa chi phí, tăng hiệu quả kinh tế, vừa mang lại các sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người sử dụng. Từng là học sinh chuyên Lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định), sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng (Hà Nội), anh đã có gần chục năm làm kỹ sư xây dựng với mức thu nhập cao. Tuy nhiên, với ước mơ tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như ở các nước phát triển ngay trên đồng đất quê hương, năm 2016, anh quyết định rẽ sang con đường hoàn toàn mới: về quê thuê đất, thành lập HTX Nông nghiệp Trường Xuân để sản xuất rau công nghệ cao trên cánh đồng rộng 8ha bị nhiễm phèn mặn của xã Giao Lạc. Anh cùng các thành viên đầu tư gần 10 tỷ đồng để cải tạo cánh đồng nhiễm phèn mặn thành khu sản xuất nông nghiệp. Rau, quả được trồng và chế biến theo quy trình “6 không”: Không phân bón hoá học, không thuốc trừ sâu có nguồn gốc hoá học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gien, không sử dụng chất bảo quản sau thu hoạch. Anh bộc bạch: “Với tôi, khởi nghiệp là hành trình trải nghiệm thực hành những kiến thức học được để hiện thực hóa các ý tưởng khát vọng thành hiện thực. Do vậy, KNĐMST không phải chỉ có tâm huyết của bản thân mà phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tạo nền tảng vững chắc cho lộ trình phát triển”.
KNĐMST là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường và là nhu cầu của thế hệ trẻ trong bước đường lập thân, lập nghiệp. Để thúc đẩy hoạt động KNĐMST tại địa phương, tỉnh cần xây dựng kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Nam Định đến năm 2025 và các chính sách hỗ trợ KNĐMST cho các doanh nghiệp, HTX, làng nghề, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh. Trong đó đẩy mạnh truyền thông, thay đổi nhận thức và phát huy tinh thần về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo đến sinh viên, thanh niên, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nghiệp trong toàn tỉnh. Xây dựng trang thông tin KNĐMST tích hợp trên website của Sở KH và CN, Cổng thông tin KNĐMST quốc gia để cung cấp thông tin công nghệ, sáng chế, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ; sản phẩm, dịch vụ mô hình kinh doanh mới đến những người quan tâm và tham gia hoạt động KNĐMST và kết nối các thành phần của hệ sinh thái trong nước, quốc tế để hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh. Xây dựng quỹ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh nhằm hỗ trợ kịp thời những ý tưởng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến doanh nghiệp để hỗ trợ và thúc đẩy các dự án KNĐMST sớm gia nhập thị trường với thời gian và chi phí hợp lý. Bên cạnh đó, mỗi chủ thể muốn KNĐMST thành công ngoài ý tưởng sáng tạo thì cần không ngừng cập nhật kiến thức, nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn lĩnh vực mà mình có sự am hiểu và thế mạnh, trang bị kỹ năng quản trị doanh nghiệp, đặc biệt, không nên mạo hiểm “chạy” theo xu hướng, trào lưu chung./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương