Hồng Quang phát triển nghề truyền thống

08:09, 23/09/2021

Với bản chất cần cù, thông minh, sáng tạo và bàn tay khéo léo, từ lâu người dân xã Hồng Quang (Nam Trực) đã tạo ra những sản phẩm ẩm thực, thủ công mỹ nghệ độc đáo mang giá trị nghệ thuật cao như tương bần làng Lạc Đạo; hoa giấy, hoa nhựa, đèn ông sao làng Báo Đáp… Ngày nay, trong sản xuất, kinh doanh, nông dân trong xã vẫn chú trọng phát triển nghề truyền thống, để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. 

Người dân thôn Báo Đáp sản xuất hoa lụa.
Người dân thôn Báo Đáp sản xuất hoa lụa.

Chớm thu, trong gió heo may se lạnh, men theo con đường ven sông lác đác lá sấu rụng vàng, chúng tôi về làng hoa lụa Báo Đáp, tìm gặp những người vẫn bền bỉ gìn giữ tinh hoa làng nghề truyền thống. Đến gia đình anh Nguyễn Văn Thích, vợ anh cho biết, vừa qua, gia đình rất vinh dự được đón đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc tới thăm khi kiểm tra một số làng nghề truyền thống của các địa phương trong tỉnh. Từ đời cha ông, gia đình chị đã gắn bó với nghề làm hoa. Trải qua thời gian, từ những mẫu hoa đơn giản ban đầu hiện nay sản phẩm ngày càng phong phú, nâng cao về chất lượng. Ngoài các loại hoa dùng trang trí, làm đẹp cho không gian sống hàng ngày, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) nhà chị còn có những đơn hàng đặt mấy chục nghìn hoa sen. Vợ chồng chị thường xuyên đi thực tế, tìm tòi, học hỏi các mẫu hoa đẹp, mới lạ về làm; mua máy dập cánh hoa để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Dập cánh hoa đã có sẵn khuôn nhưng cái khó là phải căn nhiệt độ vừa đủ để làm cứng vải và tạo vân đẹp, đúng “thần thái” của bông hoa. Từ vải lụa màu đơn sắc, chị còn kỳ công nhuộm, hấp, làm loang màu, tạo cho cánh hoa mềm mại, có màu sắc tự nhiên. Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu trang trí và sức mua giảm, nhưng gia đình chị vẫn thường xuyên có 6 lao động đảm nhận khâu ghép hoa lên cành, lên bát. Còn tại gia đình chị Nguyễn Thị Xuân thường xuyên có gần chục người làm các công đoạn dập cánh hoa, gắn hoa, lắp lá. Chị Xuân cho biết, nghề làm hoa phù hợp với cả người già, trẻ em, nhất là phụ nữ cao tuổi bởi công việc không quá vất vả, có thể vừa tranh thủ làm, vừa đảm đương việc nhà, trung bình mỗi ngày có thu nhập từ 50-100 nghìn đồng. Cách đó không xa, xưởng làm hoa nhà anh Nguyễn Văn Thịnh vẫn có đông lao động làm việc. Những đôi tay khéo léo thoăn thoắt gắn hoa, điểm lá, tạo ra những cành cúc họa mi mang vẻ đẹp mỏng manh, thanh khiết. Anh Thịnh chia sẻ, do Báo Đáp từ xa xưa là làng nghề có truyền thống dệt nhuộm nên người dân đã áp dụng kỹ thuật này trong sản xuất hoa lụa, tạo cho cánh hoa có độ bóng, bền màu hơn. 

Hiện nay làng Báo Đáp có 1.850 hộ dân thì có tới trên 400 hộ sản xuất, kinh doanh hoa vải lụa lớn nhỏ, trong đó phần lớn các hộ đã làm nghề lâu đời; nhà chuyên về làm cành, nhà chuyên làm lá, đài, dập cánh, phủ nhụy và ghép hoa. Mỗi gia đình với bàn tay tài hoa, khả năng sáng tạo đã làm ra những sản phẩm có mẫu mã riêng, không trùng lặp. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, các cơ sở không ngừng đổi mới, thay đổi mẫu mã, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho từng khâu sản xuất. Nghề làm hoa lụa đòi hỏi phải thật cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết, công đoạn, để mỗi bông hoa tăng thêm phần sinh động. Bên cạnh việc duy trì sản xuất những mẫu hoa truyền thống như hồng, sen, cúc, đào, mai, người dân đã tìm hiểu, làm ra nhiều mẫu hoa mới được khách hàng đặc biệt ưa thích như phong lan, hoa ly, cẩm tú cầu, cúc họa mi, mẫu đơn, đỗ quyên, hướng dương, phi yến… Mỗi loại hoa cũng được sáng tạo, phong phú đa dạng về chủng loại. Chẳng hạn, riêng hoa hồng đã có hồng điểm cánh nhọn, hồng trứng, hồng xoăn cúp…; hoa trà có hồng trà, trà đa vít, trà mây, trà pháp… Hoa vải lụa của làng Báo Đáp không chỉ đáp ứng được những yêu cầu về thẩm mỹ, màu sắc tươi thắm không kém gì hoa thật mà còn có giá trị sử dụng lâu dài, giá cả hợp lý nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Hoa được phục vụ cho rất nhiều đối tượng, nhu cầu khác nhau, từ các đại lý hoa, các phim trường, dịch vụ làm rạp đám cưới đến trang trí cho những khu đô thị, chung cư, khách sạn, nhà hàng, quán cafe... Nghề sản xuất hoa vải tạo việc làm quanh năm, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân địa phương và các xã lân cận. Thu nhập bình quân của các hộ làm hoa đạt từ 100 đến 120 triệu đồng/năm. Thời điểm mùa cưới và dịp tết, khi nhu cầu mua sắm người dân tăng mạnh, về làng hoa lụa Báo Đáp, mọi người sẽ được hòa mình vào không khí tấp nập bán, mua. Những xe tải rực rỡ muôn sắc hoa mang theo vẻ đẹp của làng nghề đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, còn có nhiều người dân ở các địa phương khác đến làng nghề, mua hoa chở đi bán rong khắp các làng quê, dãy phố, khiến cho làng hoa càng rộn ràng, sôi động. Cùng với nghề làm hoa lụa, nghề làm đèn ông sao hiện vẫn có vài chục hộ làm theo thời vụ, cao điểm là từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Trung bình mỗi năm, làng nghề cung cấp hàng triệu chiếc đèn đến thị trường khắp cả nước.

Năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thị trường hoa lụa, đèn ông sao có phần trầm lắng, sức tiêu thụ giảm. Nhưng với nhiều người dân ở làng Báo Đáp, những nghề truyền thống này vẫn luôn được trân trọng, gìn giữ, bởi nó đã đồng hành với họ đi qua bao thăng trầm, mang lại công việc ổn định, cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com