Nhằm đáp ứng nhu cầu tái phát triển đàn lợn sau dịch bệnh và thúc đẩy chăn nuôi lợn của các địa phương theo quy mô trang trại, gia trại tập trung bảo đảm phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh (Sở NN và PTNT) đã chú trọng chọn tạo nguồn giống lợn đảm bảo chất lượng để cung cấp cho người chăn nuôi; triển khai xây dựng mô hình kinh tế chăn nuôi tuần hoàn, tạo sinh kế bền vững cho người chăn nuôi.
Cán bộ Trung tâm Giống gia súc, gia cầm (Sở NN và PTNT) chăm sóc lợn giống. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Là đơn vị chuyên nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo giống gia súc, gia cầm có uy tín, thời gian qua, Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh đã nỗ lực nghiên cứu, chọn tạo các loại giống có giá trị kinh tế, cung ứng ra thị trường để sản xuất các loại gia súc, gia cầm thương phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Đồng chí Nguyễn Trọng Tấn, Giám đốc Trung tâm cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về nhiệm vụ cung ứng lợn giống an toàn, sạch bệnh cho các cơ sở, người chăn nuôi trong tỉnh tái đàn sau khi các địa phương khống chế được dịch bệnh, ngoài việc duy trì các giống lợn sẵn có như Landrace, Yorkshire, Duroc, Pietrain... tháng 8-2020, Trung tâm đã tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp khu vực chuồng nuôi theo hướng đồng bộ, khép kín, đồng thời lựa chọn nhập 100 con lợn giống ông, bà của Viện Chăn nuôi khu vực phía Nam (Bộ NN và PTNT) để lai tạo, cung ứng nguồn giống lợn bố mẹ và nguồn giống lợn con chất lượng cho người chăn nuôi. Giống nhập là dòng lợn nái VCN-MS15 lai với các giống lợn ngoại, nhằm phát huy ưu thế lai, con lai dễ nuôi, thịt có tỷ lệ nạc vừa phải, phù hợp nhu cầu sử dụng thịt lợn của người tiêu dùng trong tỉnh. Để bảo đảm an toàn cho đàn lợn giống, Trung tâm đã làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chuồng nuôi, tổ chức cách ly chặt chẽ, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn giống gốc. Nhờ đó, đến thời điểm này, đàn lợn giống gốc của Trung tâm vẫn an toàn, khỏe mạnh và sinh trưởng, phát triển tốt. Thời gian qua, Trung tâm đã cung ứng cho người chăn nuôi trên 300 con lợn nái hậu bị giống bố mẹ, hơn 400 con lợn giống cho các cơ sở, hộ nuôi lợn phục vụ nhu cầu chăn nuôi của người dân trong tỉnh.
Bên cạnh sự chủ động cung ứng đều đặn giống lợn hậu bị bố mẹ, nguồn giống lợn nuôi lấy thịt chất lượng cao ra thị trường, Trung tâm cũng chú trọng xây dựng mô hình nuôi lợn theo phương thức kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đánh giá, tổng kết kinh nghiệm và tổ chức phổ biến nhân rộng ra các địa phương. Theo đó, Trung tâm đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng theo công nghệ chuồng nuôi kín, bảo đảm mật độ diện tích 2 m2/con; nền chuồng dốc dần về phía sau với độ dốc từ 1-2 độ; phía cuối chuồng được đặt ống thoát nước thải của lợn nối với hầm biogas để xử lý. Nền chuồng áp dụng lớp đệm lót sinh học dày 20cm với nguyên liệu chính là trấu kết hợp chế phẩm MT-Biomix, đường. Để bảo đảm an toàn cho đàn lợn, Trung tâm thực hiện cách ly triệt để, hạn chế tối đa người lạ ra, vào khu vực chăn nuôi. Tại cổng và trước cửa chuồng nuôi, kho chứa thức ăn, phòng thay đồ bảo hộ đều có biển hiệu cảnh báo và hố khử trùng. Các ô chuồng nuôi được sắp xếp, bố trí phù hợp với từng đối tượng lợn nuôi; làm mới toàn bộ hệ thống máng ăn, trang bị hệ thống uống nước sạch tự động phù hợp với từng lứa tuổi lợn; các cửa sổ được trang bị lưới và làm cửa kính kín chắn chống côn trùng xâm nhập; lắp đặt hệ thống làm mát chuồng lợn bằng quạt điện công nghiệp, mái tôn lạnh, bạt chống nóng. Thức ăn được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, bảo quản trong kho riêng, kê cao trên kệ và có biện pháp chống ẩm mốc, chống chuột… Với mô hình này mỗi lứa Trung tâm nuôi 400 con lợn, với trọng lượng giống 15 kg/con; sau 115 ngày nuôi, trọng lượng bình quân mỗi con lợn đạt trên 110kg.
Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu của Trung tâm Giống gia súc, gia cầm thực hiện cho thấy: Vấn đề vệ sinh môi trường được quan tâm thực hiện tốt nên cơ bản xử lý được mùi hôi, thối, môi trường chăn nuôi bảo đảm; lợn nuôi luôn khỏe mạnh, phát triển đồng đều, ít bị bệnh và tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trọng nhanh với mức tăng bình quân từ 0,7-0,9 kg/ngày. Nền chuồng được xử lý bằng công nghệ đệm lót sinh học giúp lợn không bị thối bàn chân; lông, da luôn bóng mượt, sạch, thịt chắc, thơm ngon, giảm tồn dư kháng sinh nên bán được giá và được thị trường ưa chuộng; lượng chất thải được xử lý bằng đệm lót sinh học và men vi sinh, tạo môi trường an toàn cho người lao động và đàn lợn nuôi; chi phí về điện, phòng, chống dịch bệnh đều giảm do kiểm soát tốt nguồn nước và chất thải, nguồn nước sạch giảm 70-80%... góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Với những kết quả thu được từ mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu của Trung tâm Giống gia súc, gia cầm và một số mô hình điểm ở các huyện thực hiện trong thời gian gần đây, Sở NN và PTNT sẽ phân tích, đánh giá, tổng kết và xây dựng thành quy trình chuẩn để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi trong tỉnh áp dụng và nhân rộng, tạo sinh kế, thu nhập ổn định cho người dân.
Đứng trước yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất ngành chăn nuôi lợn của tỉnh thời gian tới, Trung tâm đang tập trung xây dựng hệ thống chuồng trại, tổ chức nhập thêm 200 giống lợn ông, bà để tăng khả năng cung ứng giống lợn hậu bị bố mẹ, nguồn giống lợn nuôi thịt chất lượng cao cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh; hoàn thành tốt nhiệm vụ nuôi giữ đàn giống gốc; nghiên cứu, triển khai một số đề tài, dự án, các công trình khoa học công nghệ... góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững./.
Văn Đại