Trong điều kiện chưa có nguồn thu ngân sách chủ lực, ổn định từ kinh tế địa phương, cùng với sự hỗ trợ quan trọng từ Trung ương, tỉnh ta đã nỗ lực đổi mới điều hành, đảm bảo công tác chi ngân sách Nhà nước đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong 8 tháng đầu năm 2021, chi ngân sách toàn tỉnh đạt 8.894 tỷ đồng, bằng 68% dự toán năm.
Diễn tập phòng, chống dịch COVID-19 tại Khu công nghiệp Hòa Xá. |
Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí nhằm tạo nguồn xử lý các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh, chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, xác định nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm và thứ tự cần ưu tiên trong phân bổ nguồn ngân sách Nhà nước đối với từng ngành, từng lĩnh vực, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế và các nhiệm vụ theo nghị quyết Đảng bộ các cấp. Từ đầu năm 2021 đến nay, cả ngân sách tỉnh và ngân sách các địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch; chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo dự toán và chi cho đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế… Trong đó, quyết liệt thúc đẩy chi đầu tư công theo hướng dồn lực vào các dự án có tính chất trọng điểm, các dự án liên vùng làm động lực tạo ra cú hích về hạ tầng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Các sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan cũng tăng cường kiểm soát chi chặt chẽ theo mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ Nhà nước quy định. Chú trọng kiểm soát điều tiết chi đầu tư xây dựng cơ bản từ các nguồn thu: Các khoản thu liên quan đến sử dụng đất. Bên cạnh đó, cũng tăng cường giám sát, đánh giá để đảm bảo đầu tư đúng quy hoạch, kế hoạch được duyệt; tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án; đối với các dự án khởi công mới chỉ bố trí vốn khởi công mới các dự án thực sự cấp bách khi xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách nhằm nâng cao hiệu suất đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thời gian tới, dự báo nhu cầu chi cho phòng, chống dịch, nhất là mua vắc-xin COVID-19 tiêm chủng miễn phí trên diện rộng cho nhân dân, đảm bảo miễn dịch cộng đồng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch vẫn còn rất lớn đòi hỏi tỉnh phải tiếp tục tính toán, cân đối các nguồn lực đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, trong những tháng cuối năm 2021, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương chủ động xây dựng và cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế để có phương án điều hành ngân sách Nhà nước phù hợp; tiếp tục siết chặt kỷ luật kỷ cương ngân sách, đảm bảo chi đúng tiêu chuẩn, định mức và theo dự toán được giao. Các cấp ngân sách, từ tỉnh đến xã đều phải tiếp tục triệt để tiết kiệm chi tiêu cho các khoản chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các cơ quan, đơn vị nhưng đến ngày 30-6-2021 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện theo quy định. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Thực hiện tốt công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước, chú trọng thu hợp lý, nuôi dưỡng nguồn thu, quản lý các nguồn thu tiềm năng.
Hiện, các sở, ngành, các địa phương đang bám sát hướng dẫn của Sở Tài chính tập trung xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, kế hoạch tài chính, ngân sách Nhà nước giai đoạn 2022-2024. Trong đó, riêng nhiệm vụ xây dựng dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2022, các ngành, các địa phương chú trọng đánh giá kết quả thực hiện và kiến nghị các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện nhiệm vụ chi tiêu năm 2021. Tiếp tục quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu chặt chẽ, tiết kiệm trên cơ sở chỉ đảm bảo tăng chi cho chế độ chính sách mới và các nhiệm vụ cấp bách dự kiến sẽ chắc chắn phát sinh trong năm 2022. Đảm bảo xây dựng dự toán chi ngân sách Nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, các luật có liên quan, các quy định của pháp luật về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi ngân sách thường xuyên; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, gắn với việc triển khai chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập. Thực hiện cơ chế tự chủ và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở dự kiến đầy đủ các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật để xác định: Tăng số lượng đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi đầu tư và chi thường xuyên; tăng số lượng đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên. Đối với đơn vị sự nghiệp cần phải hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước phải thực hiện giảm dần số hỗ trợ, tương ứng số tăng thu của đơn vị, bao gồm cả số tăng thu do điều chỉnh lộ trình phí, lệ phí, giá dịch vụ... theo quy định. Lưu ý xây dựng dự toán chi thường xuyên theo các lĩnh vực cụ thể, đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ chính trị, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành, nhất là các chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội. Chú trọng cải cách hành chính theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ những thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học và công nghệ. Chủ động rà soát các nhiệm vụ trùng lắp, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2022 để hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn ngân sách Nhà nước được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác. Tiếp tục tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên ngân sách Nhà nước (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) so với dự toán năm 2021, trên cơ sở hạn chế tối đa mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo quy định, tiết giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách…
Với các biện pháp đồng bộ, toàn tỉnh nỗ lực đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác chi ngân sách, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính, đáp ứng hiệu quả, kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy