Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã bám sát nhiệm vụ được giao và nhu cầu phát triển sản xuất trong tỉnh, trở thành “cầu nối” chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Qua đó góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Kiểm tra hiệu quả mô hình nuôi cá bống bớp bằng thức ăn công nghiệp tại xã Nam Điền (Nghĩa Hưng). |
Một trong những kết quả nổi bật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh là Dự án Khuyến nông Trung ương năm 2020 “Xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học”. Mô hình được thực hiện tại 15 hộ dân của 2 xã Hồng Thuận và Giao An (Giao Thủy) với tổng số 155 con bò giống lai BBB và lai Brahman, độ tuổi từ 10-18 tháng tuổi. Thức ăn sử dụng để vỗ béo gồm các loại có sẵn tại địa phương như: thức ăn thô xanh (cỏ khô, rơm khô, bã rượu, bã đậu, rỉ mật), thức ăn tinh (các loại hạt ngũ cốc, cám gạo, khô dầu lạc, khô dầu đậu tương, hạt bông), thức ăn bổ sung khoáng và vitamin. Quy trình vỗ béo được áp dụng với phương thức nuôi nhốt trong chuồng trên nền đệm lót sinh thái, cung cấp thức ăn, nước uống và cho ăn tự do theo nhu cầu. Sau 3 tháng áp dụng quy trình vỗ béo, các hộ nuôi tham gia mô hình đã xuất bán bò, thu lãi tổng cộng 785 triệu đồng. Hạch toán kinh tế cho thấy mỗi con bò áp dụng đúng quy trình chăm sóc trọng lượng cơ thể tăng bình quân 860 g/con/ngày, khi xuất bán thu nhập cao hơn khoảng 17% so với bò không áp dụng quy trình vỗ béo. Ngoài ra mô hình áp dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh thái không chỉ đảm bảo mục tiêu xử lý triệt chất thải nuôi bò, đảm bảo môi trường chăn nuôi mà còn tái sử dụng đệm lót thành phân bón cho cây trồng. Hiện mô hình đã phát triển thêm 4 hộ nuôi trong vùng áp dụng với 26 con bò nuôi vỗ béo, hiệu quả tăng 16,7%. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang tiếp tục xây dựng mô hình tại 2 xã Giao Thịnh và Giao Châu (Giao Thủy); dự kiến năm 2022 sẽ tiếp tục mở rộng dự án tại các xã của huyện Ý Yên.
Triển khai chương trình hợp tác sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản, từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện Dự án “Hỗ trợ thúc đẩy nâng cao thu nhập và ổn định sản xuất, kinh doanh nông nghiệp cho khu vực lân cận thành phố Hà Nội và tỉnh Nam Định”. Trong giai đoạn 1 từ năm 2015-2017, Trung tâm đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản triển khai xây dựng các mô hình rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản tại Trung tâm Giống cây trồng Nam Định (Vụ Bản), các xã Xuân Kiên (Xuân Trường), Giao Phong (Giao Thủy). Ở giai đoạn 2 từ tháng 12-2017 đến nay, Trung tâm tập trung hỗ trợ nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản gắn xây dựng thương hiệu liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi tại 2 điểm là thôn Khả Lang và thôn Cẩm, xã Yên Dương (Ý Yên). Kết quả đến nay, Dự án đã giúp các hộ nông dân nắm vững quy trình sản xuất rau theo công nghệ Nhật Bản từ khâu cải tạo đất, bón phân đến các biện pháp kỹ thuật như: trồng rau trong nhà lưới, làm vòm lưới trắng, phủ vải không dệt passlite… tăng năng suất từ 10-20% so với sản xuất thông thường. Bên cạnh đó, Dự án đã hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho vùng trồng rau, thúc đẩy mối liên kết giữa người sản xuất và thị trường tiêu thụ, mang lại thu nhập cao cho người sản xuất, giúp người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng những sản phẩm an toàn.
Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các địa phương, đơn vị xây dựng nhiều mô hình khảo nghiệm, trình diễn trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau, nhằm chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân. Mô hình trồng lúa hữu cơ được triển khai tại xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) với quy mô 1,15ha trên giống lúa Đài Thơm, 100% sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm SH 01, cho năng suất 55,6 tạ/ha tương đương lúa trồng đối chứng song giá bán lúa hữu cơ cao hơn 2.300 đồng/kg nên hiệu quả kinh tế thu được cao hơn 12,2 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà. Các mô hình sản xuất: ngô nếp HN88; khoai tây năng suất, chất lượng cao liên kết với nhà máy chế biến tiêu thụ sản phẩm tại huyện Ý Yên cho hiệu quả kinh tế cao hơn 20-23% so với đại trà. Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học với 1.000 con giống gà Tân Hồ triển khai tại huyện Vụ Bản đảm bảo an toàn dịch bệnh, trọng lượng gà trung bình đạt 2,45 kg/con, lợi nhuận 55 triệu đồng.
Trong lĩnh vực thủy sản, Trung tâm đã thực hiện các mô hình nuôi cá đối mục bằng thức ăn công nghiệp tại huyện Xuân Trường; nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp tại huyện Giao Thủy cho lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng/ha. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn bằng công nghệ Biofloc tại huyện Nghĩa Hưng cho năng suất tôm đạt 17 tấn/ha, lợi nhuận đạt trên 650 triệu đồng/ha… Trong nghiên cứu khoa học, Trung tâm Khuyến nông tỉnh khảo nghiệm tập đoàn giống lúa với nhiều giống lúa triển vọng như: TBR279, ĐT100, BT7 KBL, LP5, Thiên Trường 900, Hương cốm 4… Đây là những giống lúa có năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, hiệu quả khá, giúp cho các huyện, thành phố có thể lựa chọn, bổ sung vào cơ cấu giống nhằm thay thế dần cho các giống lúa cũ năng suất, chất lượng và chống chịu kém hơn, góp phần đẩy nhanh chương trình phát triển sản xuất lúa chất lượng cao hướng tới xuất khẩu của tỉnh.
Song song với việc xây dựng các mô hình khảo nghiệm, trình diễn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức 66 lớp tập huấn cho nông dân về chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; 5 lớp dạy nghề về trồng cây lương thực, thực phẩm; sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản; chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho các lao động nông thôn tại các huyện Trực Ninh, Hải Hậu, Giao Thủy, Ý Yên. Qua các lớp tập huấn, dạy nghề đã giúp nông dân tiếp thu, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ KHKT vào sản xuất, phòng trừ dịch bệnh, đồng thời góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn. Đồng chí Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục ứng dụng chuyển giao nhanh các tiến bộ KHKT về cây trồng, con nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học; xây dựng các mô hình liên kết nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, an toàn và bền vững tạo động lực mới để phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Có thể nói, các mô hình khuyến nông hỗ trợ ứng dụng KHKT trong thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất nông nghiệp của tỉnh và rất thiết thực giúp đưa nhanh tiến bộ KHKT vào sản xuất, động viên nông dân mạnh dạn tiếp cận và vận dụng KHKT thay thế kinh nghiệm thói quen trong sản xuất. Đồng thời góp phần nâng cao dân trí nông nghiệp, nông thôn về tập quán sản xuất hàng hóa, bảo đảm an toàn dịch bệnh và môi trường, hướng tới nền nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh