Chú trọng cải thiện năng suất lao động

08:09, 13/09/2021

Số liệu kết quả điều tra kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 của Cục Thống kê tỉnh công bố 6-2021, năm 2020, năng suất lao động (NSLĐ) tỉnh tính theo giá hiện hành đạt 76,1 triệu đồng/lao động (tương đương 3.309 USD/lao động), gấp 2,5 lần so với năm 2011 và 1,6 lần năm 2016. Bình quân giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng NSLĐ tỉnh Nam Định tăng 6,9%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của cả nước là 5,1%/năm. NSLĐ cải thiện đã góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của tỉnh, thúc đẩy xuất khẩu và có tác động tích cực đến thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, so với cả nước NSLĐ của tỉnh hiện nay vẫn còn ở mức thấp và khoảng cách tuyệt đối ngày càng có xu hướng tăng lên. Nếu như chênh lệch NSLĐ của tỉnh với NSLĐ cả nước năm 2011 chỉ mức 24,9 triệu đồng/lao động thì đến năm 2020 chênh lệch này ở mức 41,8 triệu đồng/lao động. Thực trạng này buộc các ngành, các địa phương phải phân tích, nhận diện sâu sát NSLĐ theo các khu vực, các thành phần kinh tế; từ đó có giải pháp sát thực để cải thiện NSLĐ của tỉnh theo hướng bắt kịp NSLĐ chung của cả nước. 

Công nhân Công ty Cổ phần May Sông Hồng (chi nhánh Nghĩa Hưng) ứng dụng thiết bị công nghệ nâng cao năng suất lao động.  Bài và ảnh: Thanh Thúy
Công nhân Công ty Cổ phần May Sông Hồng (chi nhánh Nghĩa Hưng) ứng dụng thiết bị công nghệ nâng cao năng suất lao động.

Phân tích NSLĐ theo khu vực kinh tế cho thấy: Toàn tỉnh có 38,3% lao động đang làm việc tại khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản nhưng đến năm 2020 khu vực này mới chỉ đóng góp 22,46% vào GRDP của tỉnh. Trong các khu vực kinh tế, NSLĐ khu vực này ở mức rất thấp và thấp nhất, đạt 44,6 triệu đồng/lao động (theo giá hiện hành), bằng 58,6% NSLĐ chung của tỉnh, bằng 51,5% NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng, bằng 45,3% khu vực dịch vụ. Công nghiệp và xây dựng là khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GRDP tỉnh nhưng theo giá hiện hành đến năm 2020 NSLĐ của khu vực này đạt 86,6 triệu đồng/lao động, chỉ gấp 1,1 lần NSLĐ chung; chưa thể hiện rõ vai trò chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Trong đó, NSLĐ ngành công nghiệp đạt 93,8 triệu đồng/lao động, tăng 29,6 triệu đồng/lao động so với năm 2016; ngành xây dựng đạt 69,4 triệu đồng/lao động, tăng 11,8 triệu đồng/lao động so với năm 2016. Trong các ngành công nghiệp, NSLĐ ngành khai khoáng (chủ yếu là sản xuất muối) năm 2020 (theo giá hiện hành) đạt 20 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 26,3% NSLĐ chung cả tỉnh và là ngành có NSLĐ thấp nhất trong các ngành kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện có NSLĐ đạt 205,9 triệu đồng/lao động, gấp 2,7 lần mức NSLĐ chung; NSLĐ ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 207,1 triệu đồng/lao động, gấp 2,7 lần NSLĐ chung. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng NSLĐ ngành này còn chưa đạt kỳ vọng. NSLĐ ngành này đạt 93,3 triệu đồng/lao động, gấp 1,2 lần mức NSLĐ chung. Các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (gồm cả doanh nghiệp FDI) chủ yếu tham gia ở các khâu, các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công, không chủ động được nguồn cung cho sản xuất, nhất là các sản phẩm phải nhập khẩu nguyên phụ liệu (dệt, may mặc, da giày, đồ chơi...), trong khi đây là những ngành sử dụng nhiều lao động. NSLĐ khu vực dịch vụ năm 2020 theo giá hiện hành đạt 98,5 triệu đồng/lao động, gấp 1,2 lần năm 2016. Tốc độ tăng NSLĐ bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 2,2%/năm (bình quân giai đoạn 2011-2015 giảm 1,3%/năm). Trong khu vực dịch vụ các ngành bán buôn, bán lẻ và dịch vụ lưu trú, ăn uống có NSLĐ lần lượt là 48,1 triệu đồng/lao động và 45,6 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 63,2% và 59,9% mức NSLĐ chung của tỉnh. Theo thành phần kinh tế, NSLĐ khu vực Nhà nước luôn dẫn đầu và cao hơn NSLĐ chung của toàn tỉnh; năm 2020, NSLĐ theo giá hiện hành khu vực Nhà nước đạt 181,6 triệu động/lao động, gấp 2,4 lần so với NSLĐ chung toàn tỉnh. Khu vực ngoài Nhà nước dù chiếm tới 86,7% tổng số lao động đang làm việc cả tỉnh, nhưng là khu vực có NSLĐ thấp nhất trong nền kinh tế, năm 2020 chỉ đạt 64,7 triệu đồng/lao động, bằng 85,0% NSLĐ chung toàn tỉnh. NSLĐ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm 2020 đạt 95,4 triệu đồng/lao động, tăng 32,3 triệu đồng/lao động và gấp 1,5 lần năm 2016.

Nguyên nhân dẫn đến các bất cập trong NSLĐ của tỉnh được xác định gồm: Các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn (gồm cả doanh nghiệp FDI)  còn hạn chế tham gia sâu các chuỗi giá trị toàn cầu nên chưa có cơ hội hưởng lợi từ cuộc cách mạng khoa học, công nghệ toàn cầu. Hiện các doanh nghiệp của tỉnh tham gia chủ yếu ở các khâu, các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp, không chủ động được nguồn cung cho sản xuất, nhất là các sản phẩm phải nhập khẩu nguyên phụ liệu (dệt, may mặc, da giày...). Xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp vẫn tăng trưởng chủ yếu ở nhóm hàng do khối doanh nghiệp FDI sản xuất (dệt, may mặc, da giày). Việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI sang khu vực doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động thời gian qua còn hạn chế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh đổi mới về khoa học công nghệ rất nhanh, nhưng đổi mới về tư duy, năng lực của lao động vận hành công nghệ không theo kịp; đội ngũ lao động trên địa bàn tỉnh phần lớn chưa được trang bị chuyên môn, kỹ thuật. Năm 2020, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo (có bằng cấp chuyên môn kỹ thuật/nghề từ 3 tháng trở lên) đạt 19,70%. Toàn tỉnh còn 80,30% dân số trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật; trong đó, khu vực nông thôn tỷ lệ lao động chưa được đào tạo chiếm tới 84,20%. Cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn.

Để cải thiện NSLĐ, tỉnh yêu cầu thời gian tới các ngành, các địa phương và bản thân các doanh nghiệp phải tiếp tục xác định tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và đảm bảo cho nền kinh tế, phát triển nhanh, bền vững. Cần tăng cường phát động phong trào tăng NSLĐ trong tất cả các khu vực của nền kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tế, gắn với thị trường và thích nghi biến đổi khí hậu; tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn để chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao hơn. Tập trung phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ nhằm chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ có giá trị cao; tích cực chuyển dịch trong nội bộ ngành công nghiệp từ sản xuất dựa vào lao động sang dựa vào công nghệ, hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, liên kết với các tập đoàn nước ngoài, nâng cao năng lực tham gia vào các khâu, các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh phát triển đầy đủ thị trường khoa học và công nghệ và tăng cường hiệu quả hoạt động chuyển giao giúp các doanh nghiệp tích cực tiếp cận, đầu tư, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Tiếp tục tận dụng có hiệu quả “cơ cấu dân số vàng” song song với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ lao động; chú trọng giảm nhanh số lao động giản đơn, gia tăng số lao động có trình độ, tay nghề phù hợp bằng cách đổi mới phương thức, chương trình đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, dạy nghề theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu xã hội, trong đó, tập trung đào tạo đội ngũ thực hành giỏi./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com