Tiêm vắc-xin là giải pháp hàng đầu nhằm ngăn chặn và khống chế có hiệu quả các dịch bệnh động vật nguy hiểm như: Lở mồm long móng, cúm gia cầm, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục và một số bệnh truyền nhiễm khác… Hiện Sở NN và PTNT đang tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm, góp phần đảm bảo chăn nuôi phát triển ổn định.
Cùng với lực lượng cán bộ thú y Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vụ Bản, chúng tôi có mặt tại trang trại chăn nuôi tổng hợp của hộ anh Bùi Văn Hoàn, thôn Trại Nội, xã Thành Lợi (Vụ Bản). Anh Trần Đình Lê, Trưởng Thú y xã cho biết: Triển khai thực hiện kế hoạch tiêm phòng vụ thu năm 2021 trong điều kiện phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chúng tôi đã thông báo cho anh Hoàn trước 1 tuần về thời gian, đối tượng tiêm để anh chuẩn bị. Nhờ đó, khi chúng tôi đến nhà, toàn bộ đàn vật nuôi, gồm: 40 con lợn thịt, 6 con lợn nái, 200 con gà và 100 con vịt đẻ đã được anh nuôi nhốt sẵn và tiến hành tiêm ngay đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh… Theo kế hoạch, xã Thành Lợi sẽ triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn từ ngày 21-9; đàn trâu, bò từ ngày 25-9; đàn chó, mèo từ ngày 28-9. Để công tác tiêm phòng vụ thu đạt hiệu quả, ngoài Trưởng Thú y, UBND xã đã huy động thêm 3 thú y viên ở các thôn để triển khai tiêm vắc-xin cho đàn vật nuôi theo số lượng đăng ký của các hộ nuôi. Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, xã chỉ đạo không tổ chức tiêm phòng tại điểm tập trung cho đàn trâu, bò, chó, mèo như trước mà lực lượng thú y sẽ đến từng hộ nhằm bảo đảm không tập trung đông người; tổ chức tiêm vào buổi tối khi chủ vật nuôi có mặt tại nhà…
Trưởng thú y xã Thành Lợi (Vụ Bản) tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi của trang trại anh Bùi Văn Hoàn, thôn Trại Nội. |
Theo đánh giá của Sở NN và PTNT hiện nay, chăn nuôi ở tỉnh ta chủ yếu vẫn là nông hộ, nhỏ lẻ (chiếm trên 75%), đặc biệt tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi gặp không ít khó khăn. Mặt khác, nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm tiếp tục phát sinh, lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa ảnh hưởng đến sức khỏe đàn vật nuôi. Tổng đàn vật nuôi của tỉnh lớn trong khi việc quản lý đàn chưa chặt chẽ sát sao, người chăn nuôi chưa chủ động thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định, còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Mầm bệnh vẫn còn tồn tại, lưu hành trong quần thể đàn vật nuôi và môi trường nên khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển và gây bệnh cho vật nuôi. Lường trước những khó khăn trên, Sở NN và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, chính quyền các địa phương nỗ lực, quyết tâm triển khai tích cực công tác tiêm phòng vụ thu cho đàn vật nuôi. Đồng thời ban hành công văn số 2885/SNN-CNTY ngày 7-9-2021 về phòng, chống dịch bệnh và tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi vụ thu năm 2021 trong bối cảnh dịch COVID-19. Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Trong điều kiện hiện nay người chăn nuôi cần nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; chủ động theo dõi lịch tiêm phòng của các thôn, xóm để hỗ trợ phụ việc cho người tiêm bảo đảm cho đàn gia súc, gia cầm được tiêm đúng, tiêm đủ vắc-xin theo quy định. Việc chấp hành tiêm phòng cho vật nuôi cũng là quy định bắt buộc của Nhà nước đối với mỗi cá nhân, tổ chức có hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các hành vi không chấp hành quy định tiêm phòng, làm phát sinh dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm phải chịu trách nhiệm theo Luật Thú y. Tại điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 và điều 2, Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 3-1-2020 của Chính phủ, quy định rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 đến 300 nghìn đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc-xin, hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật. Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật nuôi bắt buộc phải tiêm phòng.
Theo số liệu thống kê của Sở NN và PTNT, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số dịch bệnh động vật như: bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 2 huyện, tiêu hủy 1.577 con; bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 3 huyện, tiêu hủy 494 con; bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò xảy ra tại 9 huyện với 302 bò mắc bệnh, tiêu hủy 19 con. Nguyên nhân chủ yếu do đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tập trung thực hiện công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm năm 2021, Sở NN và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng các địa phương đang tập trung cho công tác tiêm phòng vụ thu năm 2021. Theo đó, thời gian tiêm theo kế hoạch chung của tỉnh từ ngày 15-9 đến 15-10-2021. Ngoài đợt tiêm phòng chính, sẽ tổ chức tiêm bổ sung cho gia súc, gia cầm chưa được tiêm, nuôi mới hoặc hết thời gian miễn dịch. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, công tác phòng, chống dịch là rất quan trọng và cấp bách, tuy nhiên dịch có thể tiếp tục kéo dài ở nhiều địa phương; để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phòng, chống dịch bệnh động vật. UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Công văn số 6432/UBND-NN ngày 1-9-2021 để chỉ đạo các ngành và các địa phương liên quan.
Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chuẩn bị đầy đủ số lượng, chủng loại vắc-xin phục vụ công tác tiêm phòng chính vụ và tiêm phòng bổ sung cho những gia súc, gia cầm phát sinh; đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch, cách thức tiêm phòng cho các địa phương; đăng ký số lượng, chủng loại vắc-xin với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thành phố để được cung ứng đầy đủ, kịp thời (tỉnh cấp hỗ trợ vắc-xin dịch tả để tiêm cho đàn lợn; vắc-xin lở mồm long móng để tiêm cho trâu, bò, dê và đàn lợn nái, lợn đực giống; vắc-xin viêm da nổi cục tiêm cho đàn trâu, bò). Các địa phương cần quản lý, sử dụng các loại vắc-xin tỉnh hỗ trợ đúng mục đích; đối với vắc-xin được hỗ trợ phải lập hồ sơ tiêm phòng theo quy định, nộp hồ sơ tiêm phòng vụ thu năm 2021 về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện trước ngày 15-11-2021; thực hiện báo cáo tiến độ, kết quả tiêm phòng về UBND huyện qua Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện. Tuy nhiên qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, số lượng đăng ký vắc-xin của các huyện, thành phố còn thấp. Do đó, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa; chủ động các giải pháp để triển khai tiêm phòng đạt kết quả cao; đối với các địa phương được Nhà nước hỗ trợ vắc-xin, nếu số lượng các loại vắc-xin hỗ trợ không đủ, UBND huyện, thành phố cần chủ động bố trí kinh phí hoặc chỉ đạo người chăn nuôi mua thêm vắc-xin để tiêm phòng đạt tỷ lệ theo kế hoạch.
Tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm đúng định kỳ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật mới đạt hiệu quả phòng dịch bệnh tốt, đây là biện pháp tốt nhất để bảo vệ đàn vật nuôi phát triển bền vững. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm cần thực hiện nghiêm công tác phòng dịch chủ động bằng việc tiêm phòng vắc-xin, lựa chọn đúng chủng loại vắc-xin do Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã khuyến cáo. Những tổ chức, cá nhân không chấp hành tiêm phòng vắc-xin phòng các bệnh bắt buộc cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT, khi dịch xảy ra buộc tiêu hủy sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐCP của Chính phủ./.
Bài và ảnh: Văn Đại