Xã Yên Bằng nằm ở cực tây nam của huyện Ý Yên ngăn cách với thành phố Ninh Bình bởi sông Đáy. Mùa mưa lũ nước lên to, đi lại khó khăn, sản xuất luôn bị đe doạ bởi các tình huống thiên tai tiêu cực. Mặt đê tả Đáy đoạn qua địa phận xã đã được duy tu, sửa chữa nhưng một số vị trí trên mặt đê đã hư hỏng, đặc biệt đoạn qua thôn Ninh Mật, thân đê còn nhiều đoạn rò rỉ, thẩm lậu khi lũ lên báo động III, mái và cơ đê một số đoạn bị xói lở. Về bờ bao sản xuất: đoạn thuộc HTX Quyết Tiến đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng với chiều dài 750m nhưng không được nâng cao; đoạn thuộc HTX Ngô Xá vẫn còn nhiều vị trí sạt lỡ, có khả năng vỡ khi lũ trên báo động II, vị trí vỡ năm 2018 đã được đắp gia cố nhưng vẫn cần theo dõi thường xuyên có biện pháp ứng phó kịp thời khi có báo động xấu. Toàn xã có 12 cống dưới bờ bao sản xuất, 2 cống trên đê sông Đáy; cống trên các bờ bao sản xuất chưa được thường xuyên tu bổ và nhiều cống xây dựng chắp vá, rò rỉ khi có lũ trên báo động I. Trên tuyến đê Đáy thuộc xã quản lý có 2 điếm canh đê, trong đó điếm Biểu Thượng đã được cải tạo, nâng cấp năm 2020.
Lực lượng xung kích PCTT-TKCN xã Yên Bằng diễn tập các phương án ứng phó sự cố thiên tai ngay từ giờ đầu. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai bất thường, diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm 2021, xã Yên Bằng đã thành lập Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) xã, xây dựng và triển khai kế hoạch đến từng thôn/xóm, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Ban chỉ huy PCTT-TKCN xã xác định đoạn đê sông Đáy từ thôn Biểu Thượng đến địa phận xã Yên Khang hai bên thượng lưu và hạ lưu là thùng đào sâu và nhiều năm chịu ảnh hưởng của nước lũ; bờ bao sản xuất vị trí cống ông Môn, cống giáp Biểu Thượng, cống trạm bơm Ngô Xá là các vị trí xung yếu, thân cống chắp vá, tường đầu lún sụt. Mục tiêu của kế hoạch là tập trung chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực và các điều kiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”; chủ động phương án PCTT, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Khi có thiên tai xảy ra, nhanh chóng triển khai công tác ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, lấy phòng là chính”. Quyết tâm đảm bảo an toàn hệ thống đê, bối, kè, cống, bảo vệ sản xuất, tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân. Cụ thể, đối với tình huống lũ dâng cao mục tiêu là bảo vệ tuyến đê Đáy đảm bảo chống được lũ trên báo động III; các tuyến bờ bao sản xuất đảm bảo chống lũ trên báo động II. Chủ động phương án phòng chống bão; khi có tin bão khẩn cấp giật trên cấp 11 phải di chuyển nhân dân ra khỏi nhà cấp IV đến những nơi nhà mái bằng, khung cột bê tông cốt thép để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Chủ động chống úng kịp thời, huy động mọi nguồn lực đảm bảo an toàn sản xuất đến mức cao nhất khi có mưa lớn xảy ra; lượng mưa nhỏ hơn 200mm đảm bảo an toàn 100% lúa mùa; lượng mưa từ 200 đến 250mm đảm bảo an toàn 95% lúa mùa. Để thực hiện được các mục tiêu đó, Ban chỉ huy PCTT-TKCN xã phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư PCTT của các thôn. Xã đã thành lập lực lượng tuần tra canh gác và xung kích đảm bảo thường xuyên có mặt tại địa phương, có sức khỏe, điều kiện tham gia khi có bão lũ xảy ra, được tập huấn thành thạo về công tác hộ đê giờ đầu. Đồng thời UBND xã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ lao động, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ khi có tình huống khẩn cấp tổ chức huy động lực lượng ứng cứu kịp thời theo sự điều động. Về vật tư và phương tiện vận chuyển tại kho của xã gồm 300 cây tre, 60m3 đất, 10 chiếc bạt chắn sóng, 2.000 bao tải, 10kg dây thừng, 1 máy phát điện, 1 xe tải. Bãi đất để khai thác khi cần thiết hộ đê, UBND xã tập kết tại khu ruộng kênh thuộc HTX Ngô Xá. Các HTX và thôn Ninh Mật phải xây dựng phương án di dời dân và huy động nhân lực, chuẩn bị những vật tư, dụng cụ cần thiết để khi có lệnh huy động xử lý các tình huống xảy ra trên bờ bao sản xuất được kịp thời. Các HTX chuẩn bị đủ đất dự phòng để hoành triệt các cống nội đồng, khoanh vùng chủ động chống úng khi có mưa lớn xảy ra. Các thôn chủ động chuẩn bị vật tư gồm 4.000 cái bao tải, 90kg dây thừng, lực lượng xung kích 350 người, 4 xe vận tải và mỗi gia đình chuẩn bị 3 bao tải đất chống lụt để tại nhà, khi có lệnh huy động thì giao nộp kịp thời. Về “hậu cần tại chỗ”, xã chuẩn bị đủ kinh phí từ 15-20 triệu đồng và các điều kiện cần thiết khi cần huy động được ngay để phục vụ cho công tác PCTT-TKCN; các HTX chuẩn bị lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ cho công tác hộ đê và PCTT; Trạm Y tế chuẩn bị lực lượng cứu thương, bông băng, thuốc để phục vụ cho lực lượng làm công tác hộ đê; Công an xã đảm bảo ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội ở các vùng ngập úng. Trong mùa mưa bão, Ban chỉ huy PCTT-TKCN xã phân công người thường trực để tiếp nhận các thông tin kịp thời, thông suốt; duy trì chế độ tuần tra canh gác thường xuyên, nghiêm túc, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu. Đài phát thanh xã thông báo mọi chủ trương chỉ đạo, chỉ thị, công điện về công tác PCTT của Nhà nước, tỉnh, huyện để các cấp, các ngành và nhân dân biết thực hiện. Thường xuyên theo dõi mực nước trên các sông khi lũ từ báo động I trở lên; tăng cường công tác tuần tra canh gác và triển khai phương án PCTT của xã đã xây dựng. Đặc biệt lưu ý những chỗ xung yếu có nguy cơ xảy ra sạt lở. Khi có tin bão gần bờ có khả năng ảnh hưởng đến địa bàn, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, tích cực chủ động, nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra. Đối với bão có gió từ cấp 12 trở lên khẩn trương sơ tán dân ra khỏi nhà cấp IV đến những nhà mái bằng, ưu tiên sơ tán người già, trẻ em, gia đình chính sách. Các HTX chủ động thực hiện việc phân vùng, tiêu theo hệ thống, hạn chế nước chảy tràn lan khi chống úng và thất thoát nước khi chống hạn; có kế hoạch sửa chữa máy bơm điện, giải tỏa vật cản trên các kênh tiêu, tiếp tục nạo vét các kênh, khắc phục các sự cố của hệ thống dây điện nhà trạm bơm, đảm bảo các trạm bơm hoạt động đủ công suất hiện có, chuẩn bị các phương tiện chống úng, chống hạn.
Chủ động phương án PCTT-TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”, xã Yên Bằng quyết tâm đảm bảo an toàn tuyến đê bối cùng tài sản và tính mạng của nhân dân, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, bão lũ gây ra. Sớm khắc phục kịp thời hậu quả do bão, lũ lụt gây ra, ổn định đời sống nhân dân, sớm khôi phục, phát triển sản xuất. Để thực hiện tốt nhiệm vụ PCTT-TKCN năm 2021, xã Yên Bằng kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng, UBND huyện hỗ trợ kinh phí tu sửa những đoạn mặt đê đáy đã bị hư hỏng, sụt lún; tạo điều kiện đầu tư cứng hóa bờ bao sản xuất HTX Ngô Xá; kiểm tra và gia cố những vị trí đê bị rò rỉ, thẩm lậu; hỗ trợ kinh phí giải tỏa vi phạm đê điều và phát quang đê; hỗ trợ kinh phí xây dựng lại điếm Bát Khiêm./.
Thành Trung