Đến Công ty TNHH May Đại Trung, 113 Thành Nam, phường Trần Tế Xương (thành phố Nam Định) chúng tôi được chứng kiến khí thế sản xuất sôi động, khẩn trương. Khắp nhà xưởng những dãy máy may được kê thẳng tắp xen lẫn với hệ thống máy là, máy lập trình tự động hiện đại. Khu vực để sản phẩm “ngồn ngộn” những chiếc áo Jacket, áo khoác đang chờ công đoạn là hơi. Để tạo nên “cơ ngơi” này, cựu chiến binh (CCB) Lưu Quang Trung, chi hội số 14, phường Hạ Long trải qua vài chục năm tích cóp, lăn lộn tìm thị trường, cải tiến mẫu mã sản phẩm…
Anh Lưu Quang Trung, Giám đốc Công ty TNHH May Đại Trung kiểm tra các công đoạn may sản phẩm xuất khẩu. |
Sau khi rời quân ngũ, gia cảnh khó khăn để kiếm tiền nuôi bản thân, gia đình, trên chiếc xe cà tàng anh Lưu Quang Trung phải lặn lội khắp nhiều tỉnh, thành phố bán bánh mỳ, bán kem. Thế rồi “cơ duyên” đưa anh đến với nghề may trong một lần xin việc rất tình cờ. Qua bạn bè anh được biết có một công ty trong thành phố đang tuyển công nhân, anh xin vào làm. “Nói là xin vào làm công nhân chứ khi đó tôi đã biết may gì đâu. Vừa làm, tôi vừa tự mò mẫm để học nghề, học các kỹ thuật cắt may. Cũng may, tôi sáng dạ, khéo tay, chỉ học một vài buổi đầu là đã có thể nắm được những kỹ thuật cơ bản. Hai tháng sau tôi đã là một thợ may thuần thục”, anh Trung kể. Làm công nhân may một thời gian, có chút vốn liếng để dành, anh bắt đầu nghĩ đến việc mở xưởng riêng. Ban ngày đi may ở công ty, tranh thủ lúc rảnh rỗi, anh đi mua vải để tối về cắt may. Ban đầu anh may các loại quần đùi, quần soóc bán cho một số tiểu thương ở thành phố Nam Định. Lãi chút ít, anh lại dành ra để mua máy khâu, mua vải. Cứ như vậy, đến năm 2002, anh chính thức bỏ công ty về mở xưởng may. Nhà xưởng ban đầu của anh Trung cũng chính là nhà ở của gia đình. Trên diện tích 40m2, non một nửa anh dùng để ở, sinh hoạt còn lại dành hết để kê máy móc, chứa vải. Các mặt hàng mà anh may vẫn là quần đùi, quần soóc xuất bán cho tiểu thương chợ Rồng Nam Định và chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Cần mẫn may, giao hàng, giới thiệu sản phẩm, dần dà anh tạo được niềm tin cho nhiều tiểu thương buôn bán sỉ ở các khu chợ. Hàng may tới đâu được tiểu thương thu mua ngay đến đó. Sản xuất thuận lợi giúp anh có thêm vốn, lãi để lập công ty. Năm 2007, sau khi tính toán, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, anh đã thành lập Công ty TNHH May Đại Trung, chuyển từ may hàng chợ sang các sản phẩm quần áo xuất khẩu. Hiện các sản phẩm may mặc chính của công ty là áo Jacket, quần áo mùa đông, xuất đi các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, một số nước châu Âu. Trong đó, Hàn Quốc là nước tiêu thụ số lượng lớn các mặt hàng áo Jacket của anh Trung. Tâm sự về “duyên” đến với thị trường may mặc nước ngoài, anh Trung kể: “Tôi ra được đến thị trường quốc tế là do các bạn hàng quen trong nước giới thiệu. Sau khi làm việc cụ thể, các công ty may mặc ở nước ngoài gửi mẫu, thông số kỹ thuật sản phẩm để tôi cắt may. Tuy là mẫu có sẵn nhưng trong quá trình may, tôi phải tự cân đối màu, nhảy cỡ sản phẩm vì cùng một mã hàng nhưng lại xuất đi nhiều nước khác nhau. Do đó, tôi phải tính toán làm sao cho thông số trên quần áo phù hợp với sở thích, yêu cầu, ngoại hình của người tiêu dùng từng quốc gia. Những chuyến hàng đầu tiên chuyển đi, họ rất hài lòng, từ đó chính thức bắt tay hợp tác sản xuất”. Tìm được thị trường rộng lớn, bài toán “đầu ra” cho sản phẩm của anh Trung cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên, vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt là là các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cũng rất “áp lực” vì đây là thị trường may mặc “khó tính”, đòi hỏi yêu cầu khắt khe về mặt chất lượng, kỹ thuật. Để đáp ứng yêu cầu thị trường, anh Trung từng bước “chuyên nghiệp hóa” các khâu sản xuất, đặc biệt coi trọng các yếu tố kỹ thuật, vệ sinh công nghiệp. Coi trọng sản xuất, giữ uy tín với khách hàng, mỗi năm trung bình Công ty TNHH May Đại Trung xuất từ 20-100 nghìn sản phẩm sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Công ty hiện tạo việc làm cho 40 lao động, chủ yếu là nữ với thu nhập từ 5-9 triệu đồng/người/tháng. Gắn bó với công ty đã được gần chục năm, chị Nguyễn Thị Hoa, 39 tuổi, phường Trần Đăng Ninh cho biết: “Chúng tôi được anh Trung tạo mọi điều kiện thuận lợi để làm việc. Công ty cũng có những chính sách đãi ngộ, lương thưởng hợp lý cho người lao động. Quá trình làm việc tại đây, tôi được anh Trung hướng dẫn, dạy cho nhiều kinh nghiệm quý trong may hàng xuất khẩu. Tôi sẽ gắn bó lâu dài với công ty”. Trong khi nhiều công ty, cơ sở may mặc trong nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dẫn đến ngưng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng thì Công ty TNHH May Đại Trung vẫn ký được các đơn hàng mới. Dự đoán được những khó khăn do dịch bệnh, trước đó anh Trung đã chủ động khâu nhập nguyên liệu, đồng thời thường xuyên trao đổi với khách hàng để đảm bảo tiến độ sản xuất. Do đó, nhà xưởng của anh chưa bao giờ ngưng tiếng máy.
Từ một lao động tự do không có nghề nghiệp trở thành giám đốc công ty may, gia đình CCB Lưu Quang Trung đã thực hiện được ước mơ làm giàu, “thành đạt” trong cuộc sống. Với sự năng động trong phát triển kinh tế, anh Trung đã trở thành gương CCB làm giàu tiêu biểu của Hội CCB thành phố Nam Định./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên