Để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, các ngành, các địa phương của tỉnh đã nỗ lực thực hiện chủ trương gắn xây dựng nông thôn với đô thị hóa, trong đó xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được coi là điểm nhấn quan trọng.
Xã Tam Thanh (Vụ Bản) từng bước cải tạo, nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. |
Tỉnh đặc biệt chú trọng chỉ đạo các ngành, các địa phương lập các quy hoạch liên quan để kịp thời tạo khung pháp lý, phục vụ đắc lực cho thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản của nông thôn, thực hiện hiệu quả chương trình đô thị hóa nông thôn. Tiêu biểu như các quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch quan trọng khác như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của 9 huyện; Quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông; Quy hoạch chung đô thị thị trấn Quất Lâm; Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Ngày 31-12-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3023/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Nam Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo quy hoạch, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt 35% với tổng số 21 đô thị; trong đó có 1 đô thị loại I, 3 đô thị loại IV và 17 đô thị loại V. Cụ thể, từ nay đến năm 2025 sẽ thành lập mới 5 đô thị loại V gồm: đô thị mới phía Tây tỉnh thuộc địa phận 4 xã Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến (gọi tắt là đô thị 4 xã của huyện Ý Yên); Đại Đồng, xã Hồng Thuận (Giao Thuỷ); Trung Thành (Vụ Bản); Xuân Ninh (Xuân Trường); Đồng Sơn (Nam Trực). Nâng cấp thị trấn Quất Lâm, mở rộng đô thị Rạng Đông đạt tiêu chí đô thị loại IV. Giữ nguyên cấp đối với 14 đô thị còn lại, trong đó thành phố Nam Định là đô thị loại I và được mở rộng địa giới hành chính (thêm huyện Mỹ Lộc, 5 xã của huyện Nam Trực và 3 xã của huyện Vụ Bản); thị trấn Thịnh Long mở rộng là đô thị loại IV; 12 thị trấn hiện có của 9 huyện là đô thị loại V.
Đổ bê tông, nâng cấp đường nội đồng tại xã Xuân Hoà (Xuân Trường). |
Trong điều kiện chưa tự cân đối được thu chi ngân sách, để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng đô thị hóa, các ngành, các địa phương đã thực hiện phương án ưu tiên đầu tư xây dựng, hình thành các khu vực dân cư và đầu tư các công trình hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Từ năm 2008 đến nay, nhờ chủ động thực hiện nhiều cách làm sáng tạo, kết hợp chặt chẽ giữa nguồn lực đầu tư của Nhà nước với huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa, toàn tỉnh đã huy động được trên 40 nghìn tỷ đồng cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Trong đầu tư các ngành, các địa phương đều chủ động kế thừa tối đa các công trình hiện có, kết hợp nâng cấp và xây dựng mới phù hợp với điều kiện thực tiễn, quản lý chặt chẽ xây dựng cơ bản. Tỉnh coi trọng đầu tư, cải tạo nâng cấp, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông từ tỉnh tới huyện, xã, thôn, xóm để đảm bảo tính kết nối liên hoàn mạng lưới giao thông quốc gia với hệ thống giao thông của tỉnh hạn chế, khắc phục các điểm nghẽn trong lưu thông. Đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải cải tạo nâng cấp và xây mới 437,7km đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, với tổng mức đầu tư khoảng 18.870 tỷ đồng; đã huy động các nguồn lực trong tỉnh để cải tạo nâng cấp và xây dựng mới 8.422km đường giao thông nông thôn; cải tạo nâng cấp và xây dựng mới 7.239 cầu, cống dân sinh, lắp thêm 10 cụm đèn tín hiệu giao thông ở các huyện. 100% số xã, thị trấn đã có đường ô tô được láng nhựa hoặc bê tông đến trụ sở UBND xã; đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp trên 34 nghìn công trình thủy lợi và kiên cố hóa gần 1.000km kênh mương các loại; cải tạo, nâng cấp, xây mới 852 trường học và 9.802 phòng học các cấp; nâng cấp, xây mới, đầu tư trang thiết bị khám chữa bệnh cho 10 bệnh viện, 10 Trung tâm y tế huyện, thành phố, 166 trạm y tế xã; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới 200 nhà văn hóa và khu thể thao xã; 2.194 nhà văn hóa thôn/xóm; 1.331 sân thể thao thôn, xóm; tu sửa 209 điểm bưu điện văn hóa xã; đã đầu tư xây mới 53 công trình cung cấp nước sạch nông thôn tập trung; 112 lò đốt rác; cải tạo nâng cấp và xây dựng mới 106 khu xử lý rác thải nông thôn; xây mới trên 13 nghìn hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi và trên 24 nghìn bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng; 173 chợ nông thôn. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích ở khu vực nông thôn từng bước được đầu tư như Country Mart, Lan Chi Mart, Media Mart, Điện máy xanh, Thế giới sữa... Cùng với đó, tỉnh đã tiên phong, chủ động bàn giao toàn bộ hệ thống lưới điện nông thôn cho ngành Điện lực quản lý từ năm 2009. Từ khi nhận bàn giao lưới điện nông thôn đến nay, ngành Điện lực đã đầu tư 2.882 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, xây mới 5.872km đường dây trung áp, đường dây hạ thế và 1.350 trạm biến áp khu vực nông thôn. Đến nay, lưới điện trung áp toàn tỉnh đã được đầu tư nâng cấp từ 6kV, 10kV lên tiêu chuẩn 22kV (là tiêu chuẩn tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới); 100% số hộ sử dụng điện được cấp điện từ lưới điện quốc gia. Hạ tầng đô thị nông thôn được đầu tư, phát triển đồng bộ đã gia tăng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiến độ đô thị hóa nông thôn đã có bước phát triển đáng ghi nhận, tiêu biểu như xã Trực Phú (Trực Ninh) đã được nâng cấp trở thành thị trấn Ninh Cường; các xã, thị trấn như: Rạng Đông, Quất Lâm, Thịnh Long, Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến, Trung Thành, Xuân Ninh... đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để xây dựng trở thành thị trấn mới hoặc nâng cấp đô thị.
Hướng tới mục tiêu đô thị hóa nông thôn mới bền vững, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương chú trọng phát huy các thành quả và bài học kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18-6-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 gắn với quá trình quy hoạch xây dựng đô thị hóa nông thôn. Tiếp tục có cơ chế tạo thuận lợi huy động các nguồn lực xã hội và vai trò chủ thể của người dân; khuyến khích các mô hình người dân tự chủ, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa cơ sở. Đồng thời tiếp tục củng cố, hoàn thiện, duy tu, bảo dưỡng và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội hiện có phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn. Chú trọng ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khu “đô thị mới” ở nông thôn, khu xử lý rác thải tập trung liên huyện, liên vùng... để khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có. Nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn theo hướng an toàn, ổn định và đảm bảo mỹ quan. Nâng cấp cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành ở cấp xã đảm bảo an toàn, đồng bộ, kết nối liên ngành và liên vùng. Tập trung xây dựng và nâng cấp hệ thống các công trình cấp nước sạch tập trung, phấn đấu đến năm 2025, có 98% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Từng bước hiện đại hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tự động hóa trong công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đảm bảo bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy