Sau hơn 4 năm áp dụng Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng đã bộc lộ một số bất cập cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo thích nghi phù hợp với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 và diễn biến dịch COVID-19.
Người dân tìm hiểu sản phẩm máy lọc nước tại cửa hàng đồ gia dụng tại xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tuân thủ đúng các quy định của NHNN, hoạt động cho vay của TCTD an toàn, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu vay vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng lớn của khách hàng. Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển của nền kinh tế, các quy định về hoạt động cho vay tại Thông tư 39 đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, cần được xem xét điều chỉnh phù hợp. Hiện nay, các TCTD đều đang từng bước số hóa các hoạt động ngân hàng. Đây cũng là định hướng phát triển phù hợp với xu thế của thị trường thương mại điện tử hiện nay. Bên cạnh đó, do dịch bệnh, thu nhập sụt giảm khiến hoạt động cho vay tiêu dùng cá nhân là yếu tố quan trọng kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh nội địa. Hoạt động bán lẻ hàng hóa, tiêu dùng trên thị trường sẽ tăng góp phần tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng kinh tế, phục vụ hoạt động sản xuất hay đầu tư. Thị trường tài chính tiêu dùng phát triển sẽ thúc đẩy doanh nghiệp duy trì, mở rộng sản xuất, phân phối hàng hóa, kích thích người mua tiếp cận với các gói vay tín dụng tiêu dùng để mua sắm hàng hoá theo nhu cầu. Khi đó, kinh tế sẽ phục hồi nhanh hơn. Do đó, tháo gỡ các vướng mắc của Thông tư 39 sẽ giúp người dân, khách hàng tiếp cận tốt hơn với các gói vay tiêu dùng cần thiết, hạn chế tín dụng đen, góp phần lành mạnh hoá thị trường tiêu dùng cá nhân. Trong đó, trọng tâm vẫn là đổi mới trong phương thức, quy trình hoạt động cho vay, giải ngân trực tuyến. Hiện tại, chỉ có 1 số ít ngân hàng áp dụng cho vay tín dụng tiêu dùng trực tuyến trên địa bàn như Ngân hàng TMCP Quân đội Chi nhánh Nam Định, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chi nhánh Nam Định, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank)…
Do đó, các TCTD đều đang đề nghị NHNN xem xét nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cụ thể về hoạt động cho vay có ứng dụng các phương thức điện tử theo hướng bổ sung quy định cho phép TCTD được chủ động quyết định áp dụng phương thức thẩm định, phê duyệt tín dụng một cách linh hoạt trên cơ sở bảo đảm được yếu tố bảo mật và an toàn. Trong đó, cho phép TCTD được áp dụng cơ chế thẩm định, phê duyệt tín dụng qua phương thức điện tử, thẩm định và phê duyệt tự động bằng hệ thống phần mềm đối với các khoản cho vay giá trị nhỏ, định danh điện tử khách hàng qua kênh điện tử hoặc do TCTD thu thập/sử dụng thông tin từ các tổ chức trung gian về tài chính như ví điện tử, VNPay, AirPay làm căn cứ cho vay, giải ngân, kiểm soát, tránh hiện tượng trùng lặp một hồ sơ điện tử giải ngân tại nhiều TCTD. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể quy định về chữ ký tại Điều 32 của Thông tư 39 “Quyết định cho vay có chữ ký của người có thẩm quyền” và Điều 96 Luật Các TCTD năm 2010 theo hướng chữ ký có thể là chữ ký trực tiếp hoặc chữ ký điện tử theo quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Theo đại diện một ngân hàng cho biết: “Về chữ ký trên quyết định cho vay, cần quy định cho phép TCTD có thể áp dụng việc thiết lập và lưu quyết định cấp tín dụng bằng bản cứng - có chữ ký “thực” của người có thẩm quyền hoặc bản mềm - có xác nhận của người có thẩm quyền thông qua các loại chữ ký điện tử theo pháp luật về giao dịch điện tử”. Ngoài ra, cần bổ sung quy định hướng dẫn về cách thức xác lập thỏa thuận cho vay trên các kênh trực tuyến, cho phép các TCTD được quyết định áp dụng cơ chế xác lập thỏa thuận cho vay với khách hàng trên kênh trực tuyến với điều kiện đảm bảo có biện pháp kỹ thuật để xác nhận việc khách hàng đồng ý với các nội dung tại thỏa thuận cho vay.
Một nội dung quan trọng các ngân hàng thống nhất kiến nghị là quy trình thẩm định, xác minh các hoạt động cho vay ngắn hạn và các khoản vay có tính chất an toàn. Đối với các khoản vay có tính chất an toàn về tín dụng như các khoản vay bảo đảm 100% giấy tờ và các khoản vay có tính chất tiêu dùng, phục vụ đời sống có giá trị nhỏ, Thông tư 39 vẫn yêu cầu các TCTD phải thực hiện đầy đủ công tác thẩm định, phê duyệt, giao kết hợp đồng, kiểm tra sau vay,… như các khoản vay trung và dài hạn. Việc này đang gây tốn kém về thời gian, chi phí cho các TCTD và không mang lại hiệu quả thực tế trong việc đảm bảo chất lượng tín dụng. Để tạo điều kiện cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân trong các vùng giãn cách, cách ly có cơ hội tiếp cận và sử dụng nguồn vốn an toàn từ ngân hàng, hạn chế các hoạt động cho vay nóng, lãi cao ngoài thị trường, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự, các ngân hàng đã có ý kiến đề nghị NHNN nghiên cứu bổ sung các quy định cho phép các TCTD có thể chủ động trong việc áp dụng các quy định về cho vay theo hướng đơn giản các thủ tục, trình tự về cho vay (hồ sơ vay vốn; phương thức/cách thức thẩm định, phê duyệt; xác lập hợp đồng/thỏa thuận cho vay; thẩm định, phê duyệt; đến xác lập hợp đồng/thỏa thuận cho vay; giải ngân vốn vay) trên cơ sở bảo đảm an toàn và tự chịu trách nhiệm về chất lượng tín dụng. Ngoài ra, còn có một số vướng mắc cụ thể trong từng quy định của Thông tư 39 như quy định về chủ thể vay vốn chỉ có cá nhân, pháp nhân trong khi trong nền kinh tế còn nhiều chủ thể khác như doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, tổ hợp tác… Hầu hết các TCTD đều kiến nghị, đề xuất NHNN sửa đổi, bổ sung các quy định về vay và cho vay thông qua các phương tiện điện tử hiện đại, phù hợp với xu hướng công nghệ số, tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Quy trình không chỉ cho vay tự động, cho vay qua app, áp dụng chữ ký số mà còn cần giảm thiểu giấy tờ đi kèm đối với các khoản cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, đặc biệt là ở khâu kiểm tra giám sát quy trình vay vốn, sử dụng vốn và trả nợ của khách hàng. Chị Nguyễn Thu Phương, chủ kiot kinh doanh cơ khí tổng hợp tại chợ Rồng (thành phố Nam Định) cho biết: “Hiện tại, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp dẫn đến khả năng có thể phải thực hiện giãn cách xã hội triệt để theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Do đó, người dân rất mong các ngân hàng có các giải pháp giải ngân các gói cho vay tiêu dùng thuận tiện hơn, nhanh chóng hơn để tránh phải lâm vào vay nóng, vay nặng lãi tín dụng đen”.
Việc kịp thời sửa đổi Thông tư 39 sẽ giúp hoạt động của các TCTD được đảm bảo an toàn, lành mạnh, đồng thời hỗ trợ các TCTD thuận lợi hơn trong quá trình giao dịch với khách hàng phù hợp với xu thế dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến quá trình giao dịch giữa ngân hàng và người dân. Đồng thời, cũng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay chính thống, lành mạnh của các ngân hàng, hạn chế tiếp xúc các loại hình cho vay tín dụng đen đang được cung cấp, quảng bá tràn lan trên app, website, mạng xã hội./.
Bài và ảnh: Đức Toàn