Chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất nông nghiệp được xác định là một trong 5 lĩnh vực được ưu tiên trong lộ trình CĐS của tỉnh đến giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm tạo bước đột phá trong quản lý, sản xuất và tiếp cận thị trường. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), các địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Chế biến ngao trên dây chuyền công nghệ hiện đại tại Công ty TNHH Thủy sản Lenger (thành phố Nam Định). |
Là tỉnh trọng điểm nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng với bờ biển dài 72km, diện tích tự nhiên hơn 165 nghìn ha, năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 19% trong GDP toàn tỉnh. Tuy nhiên, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là điểm yếu của sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Do đó, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường tiêu thụ, CĐS được xem là “chìa khóa” phát triển nông nghiệp thông minh, công nghiệp công nghệ cao. Thời gian qua, thực hiện lộ trình CĐS ngành NN và PTNT đã cụ thể hóa bằng việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số; ứng dụng công nghệ Web-GIS trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên, đê điều; dữ liệu chăn nuôi, dữ liệu xây dựng NTM và đang triển khai Đề án CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trong giai đoạn 2021-2025… Trong đó, tại xóm 4 xã Hải Bắc (Hải Hậu) đang từng bước triển khai thí điểm mô hình CĐS nhằm xây dựng khu dân cư thông minh với các tiêu chuẩn như: hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu đồng bộ, phục vụ cho quá trình ứng dụng công nghệ số và CĐS; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối đồng bộ và liên thông dữ liệu thông tin về dân cư, đất đai, sản xuất; triển khai các ứng dụng trực tuyến về: lập kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giám sát đánh giá sự hài lòng của người dân và cộng đồng trong xây dựng NTM, thẩm định, xét công nhận địa phương đạt chuẩn NTM, quản lý giám sát và đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, phát triển thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP của địa phương. Phấn đấu đảm bảo đạt được mức độ CĐS toàn diện trong xây dựng NTM ở tất cả các khâu, từ sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục và đào tạo, y tế, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa xã hội. Trong phát triển sản xuất, ngành NN và PTNT quan tâm thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và phát triển nông nghiệp, nông thôn, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; xây dựng thương hiệu; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phát triển thương mại điện tử… Do đó, đến nay đã có 52 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng tem điện tử thông minh (QR code) để truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho gần 150 dòng sản phẩm, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc thực phẩm và chống gian lận thương mại cho các sản phẩm nông sản thực phẩm. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các khâu không chỉ ở các doanh nghiệp lớn mà hàng trăm trang trại, cơ sở sản xuất, chế biến tư nhân cũng thực hiện như sử dụng phần mềm nhật ký điện tử để theo dõi nhật ký sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Anh Trần Văn Phong, chủ trang trại nuôi thủy sản nước ngọt tại xã Giao Long (Giao Thủy) thường bắt đầu công việc sản xuất hàng ngày bằng việc cầm điện thoại kiểm tra các thông số về lượng thức ăn, chế độ dinh dưỡng trong nước, nhiệt độ ao nuôi và thông tin dự báo thời tiết… để quyết định nhập số liệu lượng thức ăn, thời gian cho ăn đối với từng loại cá trong ao nuôi của mình. Sau bước đó, anh chỉ việc bổ sung cám vào các buồng chứa thức ăn ở các ao, mọi công đoạn còn lại từ cho ăn theo định lượng, thời điểm cho ăn, thời điểm bật quạt khí, chế độ tạo ô-xy, độ PH trong ao nuôi… đều được lập trình sẵn cho thiết bị tự động thực hiện. Với cách làm đó, trang trại nuôi cá nước ngọt của gia đình anh rộng trên 1ha nhưng chỉ cần duy nhất 1 lao động chính; anh vừa quản lý trang trại vừa có thời gian lo công việc xã hội khác. Mỗi năm trang trại thu hoạch từ 20-30 tấn cá, cao hơn trung bình những trang trại khác trong khu vực từ 5-10 tấn. Đồng thời giảm tối đa chi phí do lãng phí thức ăn, làm sạch môi trường và điều trị bệnh. Hầu hết các trang trại trong vùng đã học tập, áp dụng cách làm của anh Phong.
Công cuộc CĐS ở ngành NN và PTNT đã được khởi động tích cực và mang lại hiệu quả thiết thực trong cả khâu quản lý, điều hành và sản xuất. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN và PTNT, việc ứng dụng công nghệ, CĐS trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn mới mẻ và chưa đồng bộ. Ở lĩnh vực trồng trọt, phương thức sản xuất truyền thống chủ yếu dựa vào sức lao động của con người vẫn rất phổ biến. Số lượng các mô hình nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ chăm sóc, tưới tự động vẫn chỉ “đếm trên đầu ngón tay” và đa số mới chỉ ứng dụng công nghệ số, kỹ thuật hiện đại ở một số khâu nhất định. Việc sử dụng mạng xã hội để kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản thời gian gần đây đang được nhiều tổ chức, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể khai thác nhưng cũng chỉ dừng ở khâu chào hàng, giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó thách thức lớn nữa mà ngành Nông nghiệp đang đối mặt trong tiến trình CĐS đó là diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ; thói quen sản xuất tự do, thiếu liên kết, trong khi trình độ ứng dụng công nghệ của đa phần nông dân hiện nay thấp, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và người dân để CĐS còn hạn chế.
Đích hướng đến của CĐS trong nông nghiệp, nông thôn chính là người dân bởi người dân vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là chủ thể thực hiện nên ngành NN và PTNT rất cần cơ chế, chính sách, nguồn lực và sự đồng hành của các cấp, ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0. Cần có những giải pháp căn cơ làm thay đổi tư duy sản xuất để mỗi người dân là một thương nhân kinh tế số, mỗi cơ sở sản xuất là một đơn vị CĐS./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương