[links()]
(Tiếp theo kỳ trước)
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định song công tác chống khai thác IUU trong ngành thủy sản tỉnh vẫn còn không ít hạn chế, nhất là công tác ngăn chặn, xử lý các vi phạm của tàu cá; công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ nên hiệu quả chưa cao...
Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ngân hàng VietinBank chi nhánh tỉnh Nam Định trao tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ và phao cứu sinh cho ngư dân tại Cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu) (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Bài 2:
Vì sao kết quả phòng, chống khai thác IUU chưa như kỳ vọng?
Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các sở, ngành, các địa phương và ngư dân, mặc dù phải tập trung chỉ đạo chống dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng khác nhưng công tác phòng, chống khai thác IUU của tỉnh vẫn được quan tâm đôn đốc. Tình hình thực thi pháp luật, ý thức của ngư dân có sự chuyển biến, tình trạng tàu cá vi phạm các vùng biển, ngư trường khai thác giảm dần; hệ thống giám sát tàu cá, cơ sở dữ liệu và thiết bị giám sát hành trình (VMS) được từng bước đầu tư, lắp đặt, kết nối. Việc quản lý, truy xuất nguồn gốc hải sản đã bước đầu được quan tâm; cơ sở hạ tầng nghề cá được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng…
Xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EC trong khai thác hải sản của Việt Nam nên UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên sự vào cuộc của chính quyền cấp huyện còn hạn chế. Đến thời điểm hiện tại cấp huyện vẫn hầu như chưa ban hành văn bản chỉ đạo công tác này; còn trông chờ vào các ngành chức năng, chưa xác định đó là nhiệm vụ của địa phương nên chưa chủ động tìm các giải pháp thực hiện chống khai thác IUU. Đồng chí Phạm Xuân Mai, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nêu vấn đề: Mặc dù các sở, ngành đã tích cực tuyên truyền, với nhiều hình thức nhưng một số chủ tàu, thuyền trưởng vẫn cố tình vi phạm, ý thức chấp hành các quy định về khai thác IUU của ngư dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, tiến độ lắp đặt VMS chưa đạt lộ trình quy định; việc bảo đảm duy trì vận hành VMS của một số chủ tàu, thuyền trưởng còn nhiều hạn chế; nhiều tàu vẫn tùy tiện tắt VMS. Công tác khai thác, vận hành, xử lý tàu cá mất kết nối VMS, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trên hệ thống giám sát tàu cá còn chậm. Ngoài nguyên nhân các chủ tàu chưa nhận thức hết rủi ro của việc không lắp nên chưa quan tâm đầu tư lắp đặt VMS theo quy định thì còn có lý do đội ngũ thuyền trưởng mới sử dụng VMS nên còn gặp khó trong quá trình vận hành; việc bảo trì, bảo hành VMS của các đơn vị cung cấp thiết bị còn chậm. Hơn nữa, theo phản ánh của ngư dân Nguyễn Văn Xuyến, xã Hải Triều (Hải Hậu), trong quá trình vận hành VMS trên biển thường bị ảnh hưởng bởi mù, mặn nên thiết bị hay bị trục trặc kỹ thuật; việc thu phí thuê bao hàng tháng của các nhà cung cấp dịch vụ cũng không thống nhất, tháng thu 250 nghìn đồng, tháng thu 350 nghìn đồng. Quá trình vươn khơi, bám biển thường xuyên thay đổi nên chủ tàu không nộp cước đầy đủ khiến nhà mạng cắt sóng tín hiệu… Mặt khác, quá trình kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục nên ngư dân còn có tâm lý nhờn luật. Tình trạng tàu cá vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản, đặc biệt là vi phạm các hành vi khai thác IUU vẫn còn diễn ra khá phổ biến; công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Nguyên nhân chính là do ý thức của ngư dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác chưa cao, mặc dù đã được cơ quan chức năng nhiều lần tuyên truyền, hướng dẫn. Một số tàu cá vỏ gỗ bị xuống cấp không đảm bảo điều kiện cấp chứng nhận tàu cá an toàn thực phẩm. Phương tiện tàu thanh tra của Sở NN và PTNT chưa hoạt động thường xuyên do thiếu kinh phí, mức xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản còn ít, chưa đủ sức răn đe. Chưa có lực lượng Kiểm ngư địa phương; tàu Kiểm ngư xuống cấp hoạt động cầm chừng, chưa thường xuyên.
Trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác, nhiều chủ tàu chưa chấp hành quy định thông báo cho cơ quan chức năng trước khi tàu rời - cập cảng 1 giờ; việc ghi, nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác chưa đầy đủ, chính xác. Trên địa bàn tỉnh hiện mới có 2 cảng cá được chỉ định cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng và đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc hải sản, trong khi đó ở các huyện ven biển có nhiều bến cá tự phát vẫn cho các tàu cá vào cập cảng nên rất khó kiểm soát toàn bộ số lượng tàu xuất, nhập bến.
Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào đến văn phòng xin xác nhận và chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác theo quy định. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do việc nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác cho tổ chức quản lý cảng cá theo quy định mỗi chuyến biển một lần trước thời điểm bốc dỡ hàng thủy sản gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trong khi tàu cá của tỉnh và các địa phương lân cận đang neo đậu rất nhiều ở các bến cá ven biển có nhu cầu về Cảng cá Ninh Cơ để bốc dỡ thủy sản nhưng cơ sở hạ tầng cảng cá chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu, ra, vào của tàu cá có công suất lớn, đặc biệt là tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ khiến cho việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá gặp khó khăn. Mặt khác, các sản phẩm thủy sản khai thác của tỉnh hiện chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch nên chủ tàu chưa chịu áp lực phải làm thủ tục xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản.
Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, từ năm 2018, Sở NN và PTNT đã thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá có trụ sở đặt tại Cảng cá Ninh Cơ, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý các tàu vi phạm hành vi khai thác IUU. Tuy nhiên, theo Sở NN và PTNT, đội ngũ cán bộ Văn phòng đại diện còn làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và chưa thường xuyên phối hợp với lực lượng Biên phòng nên hiệu quả hoạt động chưa cao.
Nhận diện rõ những hạn chế, xác định rõ nguyên nhân là cơ sở để các ngành chức năng, các huyện ven biển và ngư dân trong tỉnh có giải pháp thích hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực thi hiệu quả các khuyến nghị của EC đối với ngành khai thác thủy sản của tỉnh.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Văn Đại