Xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Nghĩa Thắng và Nghĩa Phúc. Là địa phương ven biển, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó đa dạng các hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Cơ sở đan cói, nhựa xuất khẩu của gia đình bà Vũ Thị Luyến xóm 1, xã Phúc Thắng thường xuyên tạo việc làm cho lao động địa phương. |
Đồng chí Trần Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Phúc Thắng cho biết: Hiện nay, xã chỉ còn 9 hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội chủ yếu là người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa. Để đạt được kết quả đó, UBND xã đã lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; tập trung phát triển ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Trong 6 tháng đầu năm 2021, năng suất lúa bình quân của xã đạt 67,5 tạ/ha; thu nhập từ trồng trọt ước đạt 5,7 tỷ đồng; tổng giá trị chăn nuôi ước đạt 12,4 tỷ đồng. Phát huy lợi thế ven biển, đến nay, xã có 193ha nuôi thuỷ, hải sản, sản lượng nuôi ước đạt 15,5 tỷ đồng. Toàn xã có 130 tàu cá tạo việc làm cho trên 1.000 lao động, sản lượng đánh bắt hải sản ước đạt 44.100 tấn, tổng thu nhập khoảng 41,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã phát triển đa dạng các ngành nghề may mặc, cơ khí, đan xuất khẩu, chế biến hải sản, sản xuất thức ăn cho cá…; tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Để giúp các hộ nghèo có điều kiện để thoát nghèo bền vững, hàng năm xã thực hiện hiệu quả Đề án 1956 mở từ 1-2 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hội Nông dân, Hội Sinh vật cảnh, Ban Nông nghiệp xã thường xuyên tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Năm 2020, Hội Sinh vật cảnh xã phối hợp Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện tổ chức lớp cắt tỉa cây cảnh cho 40 hội viên; Hội Nông dân xã mở lớp dạy nghề đan xuất khẩu cho 70 học viên. Trong 6 tháng đầu năm 2021, xã mở 2 lớp tập huấn cho hàng trăm người dân về kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng và kỹ thuật nuôi cá quả. Bên cạnh đó, chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi cá mú (Hội Nông dân xã) thường xuyên tổ chức sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm giúp hội viên nâng cao sản lượng và chất lượng cá nuôi, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm. Nhờ được bồi dưỡng kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi thường xuyên, nhiều gia đình trên địa bàn xã ứng dụng thành công và vươn lên thành hộ khá, giàu. Tiêu biểu như gia đình ông Trần Văn Nghiệp, xóm 2; ông Vũ Văn An, xóm 7 trồng cây đinh lăng thu nhập 200-300 triệu đồng/năm. Gia đình các ông: Tạ Xuân Hoá, xóm 2; Trần Văn Hiệp, Nguyễn Văn Đương xóm 1; Vũ Văn Chức, xóm 18 phát triển nghề nuôi thả vạng trên đất bãi cho thu nhập 1-2 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, xã huy động nhiều doanh nghiệp và cá nhân chung tay vừa tạo việc làm, vừa đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiêu biểu như: Cơ sở may gia công Hoàng Gia, xóm 10 tạo việc làm cho 25 lao động với thu nhập từ 4,5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Ở xóm 1, xã Phúc Thắng, cơ sở đan cói, nhựa xuất khẩu của gia đình bà Vũ Thị Luyến tạo việc làm cho hơn 20 lao động với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Với việc dạy nghề theo hình thức truyền dạy, người làm trước dạy người làm sau nên các lao động đều bắt kịp nhanh vào tiến độ sản xuất. Bà Trần Thị Hương (54 tuổi) lao động làm việc tại cơ sở cho biết: “Trước đây chồng tôi làm thợ xây còn tôi chỉ làm ruộng nên thu nhập bấp bênh. Từ khi học nghề đan và có việc làm, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định, các con đều được học hành đầy đủ và giờ đã phương trưởng”. Cùng với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xã tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn mở rộng sản xuất, trong đó ưu tiên hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận vốn vay. Đến nay, xã có 1.040 hộ được tạo điều kiện vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ 166,5 tỷ đồng…
Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã Phúc Thắng tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong xã đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo; đưa mục tiêu giảm nghèo bền vững vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội./.
Bài và ảnh: Viết Dư