Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó nông dân hiện đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ nông sản, giá bán sụt giảm. Trước tình hình trên, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã có giải pháp hỗ trợ, đảm bảo cho nông dân ổn định phát triển sản xuất.
Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ tiêu thụ hành tím cho nông dân tỉnh Sóc Trăng. |
Hợp tác xã (HTX) Tiến Đạt, xã Hải Triều (Hải Hậu) chuyên khai thác, chế biến cá khô phục vụ thị trường trong và ngoài nước, chủ yếu là Trung Quốc, doanh thu các năm trước đạt gần 2 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn đã tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của HTX. Còn tại HTX sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường) chủ yếu nuôi các loại cá lăng, trắm đen, trắm cỏ, cá chép, đối mục, tôm thẻ chân trắng cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ vì phần lớn sản phẩm trước đây được bán cho các nhà hàng đặc sản. Không chỉ ở lĩnh vực kinh tế tập thể, đối với các hộ trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại hoặc chăn nuôi nhỏ lẻ cũng chịu ảnh hưởng lớn của dịch do các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, trường học, bếp ăn tập thể tạm dừng hoạt động, chợ dân sinh thực hiện giãn cách xã hội nên sức mua giảm. Ông Kim, chủ trang trại nuôi cá ở xã Xuân Tân (Xuân Trường) cho biết, trước đây, 2 ao cá của gia đình mỗi năm xuất bán 50 tấn cá, sau khi trừ chi phí thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Thời điểm dịch bệnh, giá cá giảm mạnh, ao cá thương phẩm trọng lượng mỗi con đạt vài kg trong lúc chờ xuất bán vẫn phải duy trì nguồn thức ăn hàng ngày với chi phí lớn, chưa kể tiền điện, thuốc vi sinh để xử lý nguồn nước ao nuôi… Giá thức ăn tăng 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của người dân. Nhiều hộ chăn nuôi gà, vịt, tôm, ếch, các loại cá đặc sản như cá lăng, cá chép giòn cũng rơi vào tình cảnh đầu ra bị bế tắc, tiêu thụ chậm. Gia đình ông Minh ở thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) trước đây nuôi ổn định 14 ao tôm thẻ chân trắng thương phẩm, 20 bể ương tôm giống, mỗi năm thu lãi vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19, giá thức ăn tăng cao, đầu ra bế tắc, giá bán sản phẩm giảm sâu, kinh phí duy trì trang trại eo hẹp nên ông buộc phải giảm quy mô nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm từ 14 ao xuống còn 2 ao; hệ thống bể ương cũng được rút gọn. Tại các vùng nuôi cá Koi làm cảnh ở các xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Tân Khánh (Vụ Bản)…, dịch COVID-19 khiến nhu cầu chơi giảm mạnh, giá cá giảm từ 200 nghìn đồng/kg xuống còn 100 nghìn đồng/kg mà không có người mua. Các hộ trồng hoa cũng rơi vào tình trạng khó khăn do không tiêu thụ được thị trường ngoài tỉnh, giá bán cũng quá thấp. Theo một hộ dân trồng hoa ở xã Mỹ Tân, giá hoa cúc có thời điểm chỉ 10-12 nghìn đồng một bó 50 bông…
Trước thực trạng trên, các cấp HND trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên tổ chức lại sản xuất, chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và trong nuôi trồng thủy sản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, bảo đảm hạn chế tác động của thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Phối hợp, nhận ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tập thể ở nông thôn, tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, khai thác tiềm năng thế mạnh của từng vùng để tạo ra các nông sản có chất lượng, hiệu quả. Đến nay, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh là 26 tỷ 648,3 triệu đồng cho 1.259 hộ vay. Tổng dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 10.409 tỷ đồng cho 45.225 hộ vay; dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 1.282,77 tỷ đồng cho 39.028 hộ vay. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được đẩy mạnh. HND các cấp đã vận động nông dân tích cực tham gia dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sản xuất theo hướng hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân theo hình thức trả chậm; tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất cho nông dân; vận động hội viên sản xuất an toàn và liên kết theo chuỗi giúp nông dân tiêu thụ nông sản gắn với thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, HND tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp hoạt động với Liên minh HTX tỉnh về đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thúc đẩy cải tiến trang thiết bị, công nghệ mới, đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa sản xuất, cải tiến tổ chức quản lý để đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngày càng cao. Các cấp HND trong tỉnh còn tiếp tục chỉ đạo xây dựng mới các mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp nhằm tạo sự liên kết, gắn bó các hội viên có chung lợi ích và trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo chuỗi giá trị, làm tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, HTX. Đến nay toàn tỉnh đã có 44 mô hình chi HND nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp với 881 thành viên tham gia.
Nhờ chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, các cấp HND trong tỉnh đã tạo điều kiện để nông dân yên tâm duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống, góp phần từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội./.
Bài và ảnh: Lam Hồng