Lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng tung ra quảng cáo bán các thiết bị hỗ trợ điều trị COVID-19 tại nhà như các loại máy thở, máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2…, giá chỉ từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng...
Các thiết bị đo SpO2 chỉ cần thiết đối với các F0 bắt đầu có triệu chứng, chứ không phải để phát hiện người mắc bệnh. Ảnh: Internet |
“Ma trận” giá và thương hiệu
Trước tình hình số ca bệnh COVID-19 tăng cao, do tâm lý lo lắng, một số người dân đã tìm mua các thiết bị hỗ trợ trong việc điều trị tại nhà như các loại máy thở, máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2... Tuy nhiên, trên thị trường tồn tại nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đến sức khỏe của người tiêu dùng. Chỉ cần gõ từ tìm kiếm “máy tạo oxy” hay “máy đo nồng độ oxy trong máu” hoặc máy SpO2, các trang tìm kiếm sẽ cho hàng triệu kết quả. Các sản phẩm này được chào bán trên các trang thương mại điện tử, website bán hàng và các hội nhóm, “chợ mạng” kinh doanh vật tư y tế.
Trong vai người mua hàng trên một group chuyên bán máy tạo oxy và test nhanh COVID-19, phóng viên được người bán chào hàng chiếc máy tạo oxy Yuwell có khả năng tạo ra oxy, giúp cho quá trình hô hấp của bệnh nhân được thuận tiện, dễ dàng hơn. Theo người bán, chiếc máy này có nguồn gốc từ Trung Quốc, thiết kế nhỏ gọn như 1 chiếc loa, có thể điều khiển từ xa và hoạt động liên tục suốt 48 giờ với lưu lượng khí oxy tạo ra nhanh và ổn định, giá bán là 8 triệu đồng. Tuy nhiên, khi hỏi giấy tờ hàng hóa có đảm bảo hay không thì người bán cho biết, cửa hàng bán uy tín, nên yên tâm, song không đưa ra được giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Trong khi đó, tại một trang web bán hàng khác, chiếc máy đo nhịp tim và nồng độ oxy trong máu nhãn hiệu YUWELL này được ghi xuất xứ từ Mỹ và bảo hành 12 tháng, có giá 645 nghìn đồng. Ngoài ra, loại máy đo oxy này còn có nhiều loại khác như: Jziki (450 nghìn đồng), Beurer PO30 (2,4 triệu đồng), Pulse (260 nghìn đồng), IMediCare (1,6 triệu đồng)...
Về việc giá máy chênh lệch nhau khá nhiều, người bán này giải thích là nhiều máy đắt do thương hiệu, hãng sản xuất và tiền nào của nấy, máy đắt tiền thì độ nhạy cũng cao hơn, chất lượng hơn so với những loại máy vài trăm nghìn đồng.
Cảnh báo chất lượng
Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, thu giữ hàng loạt máy tạo oxy không rõ nguồn gốc. Cụ thể, ngày 21-8, tiếp nhận thông tin từ Tổ thương mại điện tử của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lào Cai, Đội QLTT số 5 (Cục QLTT tỉnh Lào Cai) đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế kiểm tra tại khu vực đường Trần Viết Xuân (phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Lực lượng phát hiện lô hàng gồm 5 máy tạo oxy nhãn hiệu Santafell do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến tính hợp pháp của hàng hóa trên.
Trước đó, chiều 19-8, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh) kiểm tra xe tải đang chuẩn bị giao hàng tại địa chỉ số 428/30 Quốc lộ 1A, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên xe có khoảng 350 nghìn sản phẩm vật tư y tế như máy tạo oxy, đồng hồ đo áp suất oxy, đồ bảo hộ, khẩu trang... Toàn bộ số hàng trên đều ghi chữ Trung Quốc, không có hóa đơn chứng từ mua bán, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ...
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng tung ra quảng cáo bán các thiết bị hỗ trợ trong việc điều trị COVID-19 tại nhà. Các loại máy này thường nhái các thương hiệu uy tín như Eveny, Omroni hoặc tên chung chung là Oximeter và thường cho kết quả không chính xác. Theo phản ánh, các máy này có điểm chung là thiết kế nhỏ, dạng kẹp đầu ngón tay, dùng pin AAA, màn hình hiển thị hai thông số chính là SpO2, nhịp tim, cùng nút bấm để khởi động. Tuy nhiên, những thiết bị này có thiết kế lỏng lẻo, chất lượng nhựa kém, các mối nối không liền mạch, có thể dùng tay để gỡ phần máy.
Theo một bác sĩ chuyên khoa, các thiết bị đo SpO2 cần thiết đối với các trường hợp F0 bắt đầu có triệu chứng, chứ không phải là dấu hiệu để phát hiện người mắc dịch. Chỉ số SpO2 chỉ là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, phù hợp cho những ai đang theo dõi người thân đang là F0 tại nhà. Bởi vậy không nên nghe quảng cáo rồi mua sắm đủ thứ thiết bị, nhiều khi không cần thiết mà còn đưa đến những chỉ số sai biệt rất tai hại.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có Công văn số 874/TMĐT-QL yêu cầu các Sàn thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ những sản phẩm vi phạm để có căn cứ xử lý. Đồng thời, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng và khuyến khích người dân nếu phát hiện các gian hàng vi phạm hãy phản ánh về Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số./.
Theo TTXVN