Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng là hoạt động sản xuất theo chu trình khép kín, đồng bộ hiệu quả cao hơn trong sử dụng nguyên liệu nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Việc áp dụng các công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý để xử lý phụ phẩm, chất thải chăn nuôi, trồng trọt thành các loại nguyên vật liệu có giá trị hữu ích được tái sử dụng trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường. Đây là hướng đi bền vững đang được áp dụng tại trang trại tổng hợp của chị Nguyễn Thị Thùy Linh, xã Xuân Thủy (Xuân Trường).
Phun thuốc khử trùng tiêu độc tại trang trại của chị Nguyễn Thị Thùy Linh, xã Xuân Thủy. |
Trang trại của chị Linh được bố trí hợp lý từ khu vực chuồng trại chăn nuôi đến ao thả cá và vườn cây ăn quả để thuận tiện sử dụng chất thải chăn nuôi cung cấp cho cây trồng. Chị Linh cho biết: Đối với khu vực chăn nuôi, từ tháng 8-2020 tôi xây dựng chuồng nuôi kín với 10 ô, mỗi ô có diện tích 80m2 đáp ứng yêu cầu chăn nuôi đệm lót sinh thái. Nền chuồng được thiết kế thành 2 phần, một nửa nền chuồng phía sau thấp hơn phía trước hơn 30cm có độ dốc 1-20. Trước khi nhập lợn, chuồng nuôi luôn được vệ sinh sạch sẽ và khử trùng bằng xút, Iodine, focmon, thuốc tím... Lợn được nhập từ nơi an toàn dịch bệnh. Toàn bộ chuồng trại được quản lý điều hành qua hệ thống camera, internet và điện thoại. Mấu chốt của mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi của chị Linh là toàn bộ diện tích nền chuồng phía sau sử dụng đệm lót sinh học dày 40cm được làm từ nguyên liệu chính là trấu trộn với chế phẩm vi sinh MT-Bimix. Ngay khi thả vào chuồng, lợn được “huấn luyện” tạo thói quen thải phân một chỗ ở phía nền chuồng dưới có chứa đệm lót. Để sự tiêu hủy phân, nước tiểu của lợn được triệt để và kéo dài tuổi thọ của đệm lót, trong quá trình nuôi, chị Linh kết hợp trộn men tiêu hóa Citristim vào thức ăn. Đây là chế phẩm vi sinh có tác dụng giảm thải lượng và mùi của phân. Ngoài ra, chế phẩm Citristim còn làm giảm lượng thức ăn và tỷ lệ mắc bệnh, tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Toàn bộ đàn lợn được tiêm thuốc kháng sinh định kỳ phòng bệnh và các loại vắc-xin: dịch tả lợn cổ điển, lở mồm long móng, tai xanh… Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, chị Linh nuôi 400 con lợn với mật độ khoảng 1 con/2m2. “Với mật độ này cộng với chế độ dinh dưỡng vừa đủ, lượng thức ăn thích hợp, không dư thừa sẽ đảm bảo lợn sinh trưởng tốt, lượng chất thải được tiêu hủy hết và kéo dài được tuổi thọ của đệm lót” - chị Linh cho biết thêm. Để bảo dưỡng đệm lót, tùy theo trọng lượng lợn và lượng phân thải ra, sau 7-10 ngày chị Linh lại rắc men MT-Bimix và bổ sung trấu 1 lần.
Chia sẻ về ưu điểm của mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, chị Linh cho biết, nếu theo phương pháp chăn nuôi truyền thống, người chăn nuôi sẽ phải tốn công thu gom chất thải, rửa chuồng hàng ngày và sử dụng hầm biogas vừa mất rất nhiều thời gian, nhân công và việc xử lý môi trường cũng không triệt để. Áp dụng đệm lót sinh học, người chăn nuôi sẽ không phải thực hiện các công đoạn đó vì các nhân tố sinh học là các vi sinh vật được cấy trong đệm lót sẽ hoạt động theo cơ chế phân giải mạnh và đồng hóa tốt các thành phần có trong chất thải động vật để chuyển hóa thành các chất vô hại, kìm hãm sự phát triển của các vi sinh vật gây mùi, có hại trong nền chuồng nuôi và tiêu hủy hoàn toàn mùi hôi. Do không phải tắm rửa cho lợn nên ngoài giảm công lao động, chị Linh còn tiết kiệm được 80% lượng nước sử dụng trong suốt quá trình nuôi so với phương pháp truyền thống. Trong suốt quá trình nuôi, chỉ có 1 lượng nước thải nhỏ của lợn vào hầm biogas xử lý giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường. Sau mỗi lứa lợn, toàn bộ lượng chất thải rắn được xử lý thành phân hữu cơ, một phần sử dụng bón cho cây trồng trong trang trại, phần lớn còn lại được đóng thành bao bán cho các hộ trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, cây rau màu trong tỉnh. Qua theo dõi và ghi chép thực tế, sau 1 năm áp dụng mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, đàn lợn của trang trại sinh trưởng, phát triển, tăng trọng tốt, sức đề kháng của đàn lợn cao, đặc biệt lợn không bị nhiễm bệnh dịch nguy hiểm, tỷ lệ hao hụt thấp, khoảng 0,25%. Mỗi lứa lợn nuôi khoảng 4 tháng, bình quân trọng lượng xuất chuồng đạt khoảng 118 kg/con. Sức đề kháng của lợn cao nên đã giảm đáng kể lượng kháng sinh trong quá trình nuôi giúp thịt thơm ngon hơn, được thị trường ưa chuộng. Đồng chí Phạm Thanh Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy cho biết: Mặc dù chăn nuôi với số lượng lớn song chị Nguyễn Thị Thùy Linh đã tiếp cận được với tiến bộ kỹ thuật, nâng cao kiến thức chăn nuôi tạo ra mô hình sản xuất kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã cải thiện môi trường sống cho người lao động, đảm bảo vệ sinh môi trường chung. Đây là một trong những mô hình cần nhân rộng tại địa phương để giúp địa phương đảm bảo tiêu chí môi trường nông thôn, góp phần xây dựng NTM nâng cao, hướng tới kiểu mẫu.
Theo số liệu thống kê đến nay, tổng đàn lợn của huyện Xuân Trường đạt trên 63.500 con, đàn gia cầm đạt 690 nghìn con và đàn trâu bò đạt 1.746 con. Với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn, các địa phương quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, tạo điều kiện cho người dân đầu tư chăn nuôi khép kín, quy mô lớn, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, chứa chất thải để sử dụng trong nông nghiệp. Cùng với đó, ý thức và tư duy chăn nuôi của người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư chăn nuôi khép kín, quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh… Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng còn gặp một số khó khăn, vẫn còn nhiều phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái sử dụng tại địa phương, tình trạng lãng phí các phế phụ phẩm cây trồng, vật nuôi vẫn còn... Đồng chí Trần Tùng, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, bảo vệ và tái tạo môi trường sinh thái trong nông nghiệp, thời gian tới, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương trong huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi; xây dựng và triển khai các dự án, mô hình theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách của Nhà nước để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời đề xuất chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả nông hộ và doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải, phụ phẩm nông nghiệp./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh