Thành lập từ năm 2019 trên cơ sở sáp nhập từ 3 Trạm: Khuyến nông, Chăn nuôi và Thú y, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Giao Thủy đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, khắc phục khó khăn, phát huy hiệu quả trong hoạt động phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tư vấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và là cầu nối tiêu thụ nông sản sạch.
Cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm nông sản, thực phẩm sạch của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Giao Thủy. |
Từ tháng 1-2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Giao Thủy đã tìm hiểu thị trường, tổ chức liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và mở một cửa hàng giới thiệu, bán nông sản, thực phẩm sạch tại thị trấn Ngô Đồng. Hiện cửa hàng đã phát triển khoảng 150 sản phẩm theo tiêu chí nông sản sạch để giới thiệu và bán cho người tiêu dùng trong và ngoài huyện. Trong đó đặc biệt ưu tiên các sản phẩm chủ lực của địa phương như: chả cá, tép moi, cá mai tẩm gia vị, nõn bề bề, nõn tôm sấy của Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương; cá thu một nắng, cá nục một nắng của Công ty TNHH Thủy sản Xuân Thủy; mật ong Sú vẹt của Vườn quốc gia Xuân Thủy… Trung tâm còn cung ứng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh như: gạo sạch Toản Xuân (Ý Yên); thịt lợn sạch và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn sạch của trang trại chăn nuôi Hiền Thục (Trực Ninh); bột sắn, miến dong, trà túi lọc, bánh nhãn của một số cơ sở sản xuất, chế biến huyện Hải Hậu. Ngoài ra, còn cung ứng các sản phẩm đặc sản ở một số vùng miền: mì gạo sạch của tỉnh Phú Thọ; mộc nhĩ, nấm hương, đỗ xanh, vừng, bún ngũ sắc của tỉnh Cao Bằng; măng nứa khô của tỉnh Bắc Kạn; sản phẩm gạo ST24, ST25 của Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed)… Đồng chí Tô Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Giao Thủy cho biết: Sau gần 2 năm hoạt động, cửa hàng của Trung tâm đã góp phần kích thích các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản tại địa phương thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất quy mô lớn và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa. Bên cạnh đó cũng tạo cơ hội để người dân Giao Thủy và các huyện lân cận được tìm hiểu, sử dụng nông sản, thực phẩm có chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng của các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, việc tổ chức tốt kênh phân phối các sản phẩm OCOP của Trung tâm đã thúc đẩy quá trình xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm, đồng thời góp phần thực hiện thành công chương trình NTM nâng cao, hướng đến kiểu mẫu của các địa phương trong huyện nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Không chỉ thực hiện tốt vai trò là cầu nối liên kết tiêu thụ nông sản sạch, từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Giao Thủy luôn xác định rõ công tác BVTV, thú y, khuyến nông vẫn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Hiệu quả rõ nét nhất chính là sự phối hợp chặt chẽ của Trung tâm với chính quyền cơ sở trong phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và cây trồng. Để ngăn chặn bệnh lùn sọc đen phương Nam bùng phát trên lúa, ngay từ đầu mỗi vụ sản xuất, Trung tâm phối hợp với các xã, thị trấn triển khai tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho nông dân cách phát hiện và các biện pháp kỹ thuật phòng chống. Trong các vụ sản xuất, Trung tâm phân công cán bộ bám sát địa bàn, thu thập mẫu lúa chét, mạ, lúa và mẫu rầy lưng trắng theo đúng kế hoạch của Sở NN và PTNT gửi Chi cục Trồng trọt và BVTV giám định vi-rút để đưa ra các biện pháp khống chế nên tỷ lệ bệnh xuất hiện trên địa bàn huyện trong 2 năm qua rất thấp. Ngoài ra, Trung tâm còn làm tốt công tác dự tính, dự báo các loại sâu bệnh khác như: sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá… đảm bảo tính chính xác về thời gian, mức độ phát sinh, vùng phân bố nên công tác phòng trừ dịch hại cho cây trồng đạt hiệu quả cao, góp phần đưa năng suất lúa huyện Giao Thủy luôn nằm trong “Top” đầu của tỉnh. Những năm gần đây các loại dịch bệnh nguy hiểm trên các đối tượng chăn nuôi chủ lực cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên đàn bò… diễn biến phức tạp, Trung tâm đã phân công cán bộ tăng cường phối hợp cùng chính quyền cơ sở giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, xác minh và báo cáo kịp thời khi có ổ dịch phát sinh. Đồng thời hướng dẫn các xã, thị trấn, cán bộ thú y, các hộ chăn nuôi thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh truyền nhiễm theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm tránh làm lây lan mầm bệnh. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã cấp phát 1.600 lít thuốc sát trùng cho 22 xã, thị trấn; vận động các hộ chăn nuôi chủ động mua 200 lít hóa chất, hơn 10 tấn vôi bột thực hiện khử trùng, tiêu độc ngăn chặn dịch bệnh không lây lan sang địa bàn khác. Trong vụ xuân 2021, Trung tâm đôn đốc các địa phương tiêm vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng cho gần 15 nghìn con lợn; tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho 4.000 con trâu, bò, lợn nái, lợn đực giống, dê và 4.500 con chó, mèo, góp phần bảo đảm an toàn đàn vật nuôi và giảm thiểu thiệt hại cho chăn nuôi. Thời gian qua, Trung tâm phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh, các doanh nghiệp thực hiện các mô hình: nuôi bò vỗ béo trên nền đệm lót sinh học ở các xã Hồng Thuận, Giao An; nuôi cá trắm đen công nghiệp an toàn dịch bệnh tại Bạch Long; trồng rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản tại xã Giao Phong; trình diễn và hướng dẫn sử dụng máy làm đất, máy cấy Kubota tại xã Giao Nhân; khảo nghiệm và trình diễn một số giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao (ST24, ST25, Kim Cương 111, DH12) tại các xã Giao Hà, Giao Hải, Hoành Sơn, Giao Châu… Qua đó chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân ứng dụng vào sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy Doãn Quang Hùng: Ngành Nông nghiệp của huyện hiện đang hướng đến sản xuất quy mô lớn, tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật. Do vậy, nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện không chỉ là phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi và cây trồng mà phải theo hướng có chuyển giao kỹ thuật, tạo sự liên kết về sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm… Theo định hướng đó Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Giao Thủy đang phát huy tốt vai trò của mình, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh