Năm 2021, tỉnh đề ra mục tiêu thu ngân sách trên 5.700 tỷ đồng. Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và thực tế dịch COVD-19 gây nhiều tác động tiêu cực nên ngay từ đầu năm, ngành Thuế và các địa phương đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo nguồn thu ngân sách.
Sản xuất sản phẩm gạch không nung tại Công ty CP Bê tông Nam Thắng (thành phố Nam Định). |
Các địa phương đã chủ động thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế trên tất cả các lĩnh vực: công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, du lịch, dịch vụ. Trong đó, đã tích cực vận động doanh nghiệp bám sát diễn biến thực tế của thị trường để đảm bảo cung ứng trúng và đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các doanh nghiệp tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì đảm bảo các điều kiện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giữ chân người lao động, nhất là các lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật sản xuất cao. Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, các hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng phát triển toàn diện, nhất là sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản tăng đáng kể. Các doanh nghiệp đã khai thác tối đa, hiệu quả mức gia tăng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân, nhất là thị trường các tỉnh miền Bắc trong giai đoạn Tết Nguyên đán, các dịp nghỉ giỗ tổ Hùng Vương, nghỉ lễ 30-4, 1-5 để đẩy mạnh sản xuất, cung ứng đúng đủ nguồn, đủ số lượng hàng hóa. Đặc biệt, trong tháng 4, các doanh nghiệp, cơ sở cung ứng dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đã đẩy mạnh liên kết tổ chức các hội thảo thu hút người tiêu dùng, cùng với đó cũng đưa ra những tour du lịch hấp dẫn, phù hợp giúp doanh thu trong lĩnh vực này khởi sắc. Các chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa, giá trị hàng xuất khẩu của tỉnh trong 4 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và bình quân chung của cả nước. Kết quả thu ngân sách giai đoạn này cũng đạt kết quả tích cực với mức tăng 30% so với cùng kỳ.
Ngay khi dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát diện rộng trên toàn quốc, tỉnh ta cũng phát sinh các ca nhiễm bệnh trong cộng đồng, tỉnh đã nhận diện tình thế có thể còn nhiều bất ổn ở phía trước. Vì vậy, tỉnh chỉ đạo các địa phương và ngành Thuế phải quyết liệt hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước. Đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất tập trung trong các khu, CCN, làng nghề tuyệt đối không chủ quan, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, phòng chống dịch COVID-19 trên tinh thần phải tự bảo vệ mình, ổn định nguồn nhân lực, duy trì, phát triển sản xuất. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, nhất là hỗ trợ trong tiếp cận, tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản, công nghiệp. ngành, các địa phương còn chú trọng quản lý, thúc đẩy phát triển các ngành, các lĩnh vực cho nguồn thu lớn, ổn định tại địa bàn, bao gồm: thu cấp quyền khai thác khoáng sản; thu tiền sử dụng đất... Đặc biệt, tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để đầu tư công thực sự trở thành trụ cột “kéo” tăng trưởng kinh tế, góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm của tỉnh nằm trong top 10 tỉnh có kết quả cao nhất trên cả nước.
Về phía ngành Thuế tỉnh, không chỉ thực hiện quyết liệt các giải pháp đã đề ra từ đầu năm mà còn chủ động bám sát tình hình, chủ động đề xuất, thực hiện nhanh việc theo dõi các nguồn thu mới xuất hiện trong nền kinh tế, không để sót lọt nguồn thu nhưng cũng không để xảy ra tình trạng gạn thu, xói mòn nguồn thu bền vững. Trong đó, Cục Thuế tỉnh yêu cầu cơ quan thuế các cấp chú trọng rà soát lại toàn bộ các nguồn thu trên địa bàn; tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp công tác quản lý thu, tập trung kiểm tra, rà soát toàn bộ số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh để xác định chính xác số doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh, số doanh nghiệp báo ngừng hoạt động; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng bảo đảm hoàn thuế đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý hóa đơn bán hàng... Chú trọng rà soát, thông báo đôn đốc các đơn vị còn nợ các khoản tiền thuế, tiền thuê đất gia hạn theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP (kể cả tiền chậm nộp tương ứng) phải được nộp vào ngân sách Nhà nước trước ngày 30-7-2021 thì mới giải quyết gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP. Phấn đấu đạt kết quả cao trong việc thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị quyết 52 để vừa tăng thu nợ thuế vừa giải quyết gia hạn nộp thuế cho người nộp thuế trong lúc dịch bệnh khó khăn. Hiện, Cục Thuế tỉnh chỉ đạo toàn ngành tiếp tục bám sát tình hình, phân tích, đánh giá kỹ các khoản thu, sắc thuế còn dự địa, khoản thu mới phát sinh; nỗ lực, linh hoạt để vừa hỗ trợ người nộp thuế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước theo chỉ tiêu được giao./.
Bài và ảnh: Thúy Vy