Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã tích cực phối hợp với các địa phương có cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực và thu hút cộng đồng doanh nghiệp, người dân tham gia xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tăng năng suất và gia tăng giá trị thu nhập cho người dân.
Công ty TNHH Toản Xuân liên kết với các HTX, nông dân sản xuất lúa hàng hóa mang lại nguồn thu cao, ổn định (Trong ảnh: Cấy lúa mùa bằng phương thức “máy cấy, mạ khay” ở xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường). |
Nắm bắt chủ trương, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là đội ngũ doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, từ năm 2015 đến nay, Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) đã liên kết với gần 30 HTX nông nghiệp và hàng trăm hộ nông dân có diện tích sản xuất lớn ở các địa phương trong tỉnh để hình thành các chuỗi sản xuất lúa gạo sạch mang thương hiệu Toản Xuân. Ngoài việc ứng trước giống, phân bón, nông dân còn được Công ty hướng dẫn cụ thể quy trình gieo cấy, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch lúa thương phẩm. Toàn bộ lúa thương phẩm được Công ty thu mua theo hợp đồng và chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại để cung ứng cho người tiêu dùng qua hơn 200 đầu mối phân phối từ siêu thị, cửa hàng, đại lý trên toàn quốc. Sản phẩm “Gạo sạch Toản Xuân” được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao và đang trở thành thương hiệu sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn bởi chất lượng bảo đảm, mẫu mã, bao bì đa dạng, giá bán hợp lý. Nhờ có thị trường tiêu thụ ổn định, đến nay các hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết đã sản xuất thành công các giống lúa chất lượng gồm Bắc Thơm số 7, ST24 và ST25. Đây là những giống lúa chất lượng cao, có năng suất ổn định, hạt gạo dài, mặt gạo trắng, đẹp, cơm thơm, mềm, ngọt; thích ứng tốt với điều kiện thời tiết biến đổi, cây cứng và cao, bản lá ít mo, xanh bền, lâu tàn nên nuôi hạt tốt; thân cứng, chống đổ khá. Cùng với việc duy trì, mở rộng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo sạch với quy mô trên 400ha, Công ty TNHH Toản Xuân còn liên kết với các hộ nông dân sản xuất rau an toàn theo phương thức kinh tế hữu cơ tuần hoàn. Ở mô hình này Công ty đã tận dụng phế phẩm từ sản xuất, chế biến gạo sản sinh ra mày trấu, mày gạo để lên men trở thành phân bón hữu cơ sạch bón cho rau, màu. Do vậy, sản phẩm có chất lượng khác biệt, các loại rau, củ, quả có vị đậm, ngọt, thơm; đồng thời tăng khả năng kháng sâu, bệnh do quá trình sinh trưởng của cây trồng đáp ứng quy luật phát triển tự nhiên, làm giàu chất hữu cơ cho đất và hạn chế can thiệp bằng thuốc hóa học.
Để giúp người nuôi lợn giảm ảnh hưởng tổn thất bởi dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, Sở NN và PTNT đã triển khai xây dựng “Mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao”. Là một trong những người đầu tiên trong tỉnh áp dụng mô hình, chị Lương Thị Dung ở xã Giao Hà (Giao Thủy) cho biết: Được Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn, chị đã đầu tư xây dựng 800m2 chuồng áp dụng công nghệ chuồng nuôi kín, bảo đảm mật độ diện tích 2m2/con; nền chuồng được thiết kế thành 2 phần, trong đó nửa nền chuồng phía sau thấp hơn nửa nền chuồng phía trước từ 35-40cm với độ dốc từ 1-2 độ; phía cuối chuồng được đặt ống thoát nước tiểu của lợn nối xuống hầm biogas để xử lý. Nền chuồng được làm đệm lót sinh học dày 20cm với nguyên liệu chính là trấu rắc thêm chế phẩm sinh học MT-Biomix, đường và tiếp tục được bổ sung trong quá trình nuôi; trấu được xử lý từ 1-2 tuần bằng phương pháp khử trùng xông formol và thuốc KMnO4. Trang trại có hàng rào bao quanh ngăn cách với các khu vực khác, hạn chế người lạ ra, vào khu vực chăn nuôi. Tại cổng và trước chuồng nuôi, kho chứa thức ăn, phòng thay đồ bảo hộ đều có biển hiệu, hố khử trùng. Các ô chuồng nuôi được sắp xếp, bố trí phù hợp với từng đối tượng lợn nuôi, trang bị hệ thống uống nước sạch tự động phù hợp với từng lứa tuổi lợn; cửa sổ có lắp kính để chống côn trùng xâm nhập; làm mát chuồng lợn bằng quạt điện công nghiệp, mái tôn lạnh, bạt chống nóng. Thức ăn cho lợn được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, bảo quản trong kho riêng, kê cao trên kệ và có biện pháp chống ẩm mốc, chống chuột… Nhờ đó, mỗi lứa chị nuôi 400 con lợn, với trọng lượng giống 10 kg/con; sau 115 ngày nuôi, trọng lượng bình quân mỗi con lợn đạt 92kg, với giá bán 75 nghìn đồng/kg, mỗi đầu lợn chị lãi gần 1,3 triệu đồng.
Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố về các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi có sự tham gia của doanh nghiệp, HTX đều mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Thông qua thực hiện các mô hình liên kết đã đào tạo được một bộ phận nông dân có kiến thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thay đổi cách nghĩ, nếp làm từ sản xuất tự phát, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật sang thực hành sản xuất an toàn gắn với bảo vệ môi trường. Hiện ở các địa phương trong tỉnh đều xuất hiện mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, với vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp tạo ra những cánh đồng sản xuất nông sản lớn, quy mô và khối lượng, chất lượng nông sản đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thị trường, được người tiêu dùng đánh giá và ghi nhận.
Trong chăn nuôi lợn theo mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững, các đơn vị, hộ nuôi đã thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật từ khâu lựa chọn con giống, thức ăn, chăm sóc, nuôi dưỡng đến vệ sinh thú y và phòng bệnh. Các chi phí về điện, việc phòng, chống dịch bệnh đều giảm do kiểm soát tốt nguồn nước, thức ăn, chất lượng con giống và chất thải; lượng nước sạch giảm 70-80% do không phải tắm cho lợn. Nhờ chi phí đầu vào giảm nên thu nhập của người chăn nuôi tăng; môi trường chăn nuôi cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, lợn nuôi trên nền đệm lót sinh học luôn khỏe mạnh, lớn đồng đều, thịt chắc, thơm ngon, giảm tồn dư kháng sinh nên bán được giá và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Rõ ràng, việc áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn đã khẳng định những ưu điểm vượt trội so với các phương thức sản xuất, chăn nuôi truyền thống. Do vậy, Sở NN và PTNT, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn mở rộng áp dụng các mô hình này, góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho nông dân và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp an toàn, bền vững trong điều kiện hiện nay./.
Bài và ảnh: Văn Đại