126 tỷ đồng giải ngân phục vụ hơn 1.000 khách hàng, tốc độ tăng trưởng dư nợ đạt 6,1%, bình quân cho vay mỗi hộ đạt 80 triệu đồng. Đó là những con số ấn tượng về kết quả hoạt động cho vay vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nghĩa Hưng trong 6 tháng đầu năm 2021, bất chấp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Từ nguồn vốn vay tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng, chị Nguyễn Thị Lĩnh ở xóm 7, xã Nghĩa Hải đã giải quyết khó khăn về vốn nguyên liệu, ổn định hoạt động sản xuất mắm tôm, nước mắm của gia đình. |
Trên vùng đất rộng 4ha ở xóm 7, xã Nghĩa Hải, chị Đoàn Thị Hằng vừa thoăn thoắt tay vợt kiểm tra tôm thẻ chân trắng dưới ao vừa chia sẻ với chúng tôi: “Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn về vốn. Được Hội Phụ nữ xã giúp đỡ, đầu năm 2021, nhà tôi đã được vay 90 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để đầu tư tu sửa 12 ao nuôi quảng canh tôm thẻ chân trắng và các loại cá truyền thống. Đến nay, các con nuôi đều phát triển, sinh trưởng tốt. Dự kiến, vụ thu hoạch tới, tôi sẽ thu về được 75 triệu đồng. Hy vọng nguồn vốn tín dụng chính sách sẽ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho bà con vay với lãi suất ưu đãi nhất và thời gian cho vay dài hơn để nông dân chúng tôi yên tâm đầu tư làm ăn”. Cũng như chị Hằng, vốn vay tín dụng chính sách đã kịp thời giúp gia đình chị Nguyễn Thị Lĩnh ở xóm 7 duy trì ổn định hoạt động sản xuất nước mắm, mắm tôm vượt qua khó khăn trong mùa dịch. Chị Lĩnh cho biết: “Trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất của gia đình tôi cung ứng ra thị trường hơn 30 tấn nước mắm, mắm tôm. Dịch bệnh phức tạp, giá nguyên vật liệu tăng dẫn đến chi phí sản xuất tăng. May có nguồn vốn 95 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện cho vay theo chương trình hộ mới thoát nghèo nên gia đình đã không phải lo về vốn nhập nguyên liệu”. Hiện tại, Hội Phụ nữ xã Nghĩa Hải tham gia quản lý và uỷ thác cho vay thông qua 14 tổ vay vốn với 698 hộ còn dư nợ, dư nợ là 33 tỷ 778 triệu đồng. Bình quân mỗi hộ vay 95 triệu đồng. Trong năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, đã có hơn 300 hộ vươn lên thoát nghèo. Toàn xã không có nợ xấu, nợ quá hạn.
Đến ngày 30-6-2021, tổng nguồn vốn tại Ngân hàng CSXH huyện là 529 tỷ 68 triệu đồng, tăng 35 tỷ 760 triệu đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 461 tỷ 457 triệu đồng, chiếm 87,22%, nguồn vốn huy động là 63 tỷ 911 triệu đồng, chiếm 12,08%, nguồn vốn UBND tỉnh và huyện chuyển ủy thác là 3 tỷ 700 triệu đồng, chiếm 0,7%. Tổng doanh số cho vay trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt trên 126 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay hộ cận nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, cho vay nhà ở xã hội. Dư nợ tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện đạt 523 tỷ 459 triệu đồng, tăng xấp xỉ 30 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 6,1%. Nhiều xã dư nợ cao như Nghĩa Hải 45 tỷ đồng, Phúc Thắng 39 tỷ đồng, Nghĩa Sơn 36 tỷ đồng...
Có được kết quả trên là nhờ ngay từ đầu năm, Ngân hàng CSXH huyện đã chủ động nắm bắt nhu cầu vay vốn tại các xã, thị trấn, tích cực xin nguồn vốn bổ sung phục vụ các đối tượng chính sách. Ngân hàng đã chủ động báo cáo Trưởng Ban đại diện HĐQT và thông báo để hội, đoàn thể các xã, thị trấn đăng ký nhu cầu vay vốn, tham mưu phân bổ nguồn vốn về các xã, thị trấn. Hội, đoàn thể các xã, thị trấn và các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) tranh thủ làm hồ sơ để giải ngân khi có nguồn vốn bổ sung. Ngoài ra, Ngân hàng CSXH huyện tham mưu cho Ban đại diện HĐQT chỉ đạo quyết liệt các hội, đoàn thể các xã, thị trấn thực hiện nâng cao chất lượng tín dụng đồng thời với tăng trưởng dư nợ. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chỉ đạo trưởng thôn, xóm phối hợp cùng tổ TK và VV quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách ngay từ cấp thôn, xóm. Các đồng chí trưởng thôn, xóm, thường vụ hội, đoàn thể cấp xã đã trực tiếp cùng sinh hoạt, bình xét vốn vay ngay từ cấp cơ sở, tham gia việc quản lý, xác nhận đối tượng được vay vốn, phối hợp cùng ngân hàng các cấp tham gia công tác xử lý nợ đến hạn và nợ bị rủi ro. Hội, đoàn thể cấp huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu thi đua và sát sao cùng với hội, đoàn thể cấp cơ sở. Bên cạnh đó, thực hiện Văn bản số 1466/NHCS-TDNN ngày 4-2-2021 của Ngân hàng CSXH Việt Nam về việc rà soát, sắp xếp hồ sơ và chấn chỉnh hoạt động tổ TK và VV, Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp cùng các hội, đoàn thể huyện chỉ đạo các xã, thị trấn và các tổ TK và VV triển khai tại 24/24 xã, thị trấn. Đến hết 30-4-2021, Ngân hàng CSXH huyện đã hoàn thành 100% khối lượng công việc, sáp nhập một số tổ hoạt động không hiệu quả, đến nay chỉ còn 376 tổ (giảm 22 tổ so với đầu năm) và nâng cao năng lực cho một số tổ để hoạt động có hiệu quả hơn. Ngoài ra, các điểm giao dịch đều thực hiện công khai, đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi, dư nợ của khách hàng, bố trí hòm thư góp ý... để UBND xã hội, đoàn thể xã và người dân cùng tham gia giám sát, quản lý vốn vay. Đến 30-6-2021, 10/24 xã, thị trấn đã thay thế các loại bảng, biểu, biển chỉ dẫn, hòm thư góp ý... theo đúng Cẩm nang nhận diện của Ngân hàng CSXH.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng sẽ tăng cường phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT, các hội, đoàn thể nhận ủy thác quản lý vốn; chỉ đạo Hội cấp xã thực hiện tốt công tác kiểm tra sau khi cho vay theo quy định, đặc biệt với những hộ vay trên 50 triệu đồng, tham gia giám sát tại buổi giao dịch xã theo hợp đồng ủy thác đã ký. Có kế hoạch kiểm tra thường xuyên đối với đơn vị có chất lượng hoạt động thấp, nợ quá hạn, lãi tồn đọng cao. Bám sát chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao trong năm đảm bảo, chủ động trong việc tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ tín dụng, phấn đấu hoàn thành kế hoạch tăng trưởng trên 8% dư nợ vào cuối năm. Tập trung cho vay đúng đối tượng các chương trình tín dụng chính sách, đẩy mạnh tuyên truyền để phát triển cho vay chương trình nhà ở xã hội. Tổ chức giải ngân kịp thời nguồn vốn mới được phân bổ, đáp ứng nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, tích cực huy động vốn để bổ sung vào nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng CSXH huyện cùng với hội, đoàn thể cấp xã bám sát chỉ tiêu kế hoạch được thông báo, nợ đến hạn để có kế hoạch giải ngân ngay sau khi thu hồi vốn. Tham mưu tích cực cho Ban giảm nghèo xã phân bổ, điều hoà nguồn vốn cho những thôn, xóm còn hộ chính sách có nhu cầu mà chưa được vay vốn, góp phần triệt xóa nạn tín dụng đen, hỗ trợ những hộ bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi và ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn. Kiên quyết chỉ đạo thực hiện triệt để nguyên tắc quản lý công khai hoá, dân chủ hoá kênh tín dụng chính sách tại cơ sở, từ việc bình xét cho vay, giải ngân, sử dụng vốn đến khâu quản lý để mọi người giám sát lẫn nhau./.
Bài và ảnh: Đức Toàn