Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) hiện đang trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Đặc biệt 2 năm gần đây, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các hình thức thương mại truyền thống bị giảm sút do giãn cách, cách ly, thị trường TMĐT đã trở thành kênh kinh doanh hữu hiệu giúp các doanh nghiệp vừa giao dịch được với khách hàng, vừa đảm bảo các yêu cầu trong phòng chống dịch. Trước sự phát triển của TMĐT, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) khi mua sắm trực tuyến cũng khởi sắc tích cực. Nắm bắt thời cơ đó, các ngân hàng đã nhanh chóng nhập cuộc đẩy mạnh hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tại các doanh nghiệp và các hệ thống mua sắm, siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống.
Nhân viên Agribank Chi nhánh huyện Vụ Bản hướng dẫn khách hàng chuyển khoản trực tuyến bằng Mobile Banking. |
Theo số liệu từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, số lượng thẻ ATM phát hành tăng lên nhanh, giá trị giao dịch thẻ tăng trưởng liên tục và ổn định. Hầu hết các ngân hàng đã tích hợp nhiều tính năng, ứng dụng thanh toán trực tuyến các dịch vụ như: tiền điện, tiền nước, bảo hiểm, các dịch vụ viễn thông, giao thông, mua hàng trực tuyến. Toàn tỉnh hiện có 213 máy ATM, 407 máy POS và 1.143.426 thẻ ngân hàng đã phát hành. 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị giao dịch qua máy ATM là 30.492 tỷ đồng, qua máy POS là 342 tỷ đồng. Có thể thấy, cơ sở hạ tầng đáp ứng cho việc thanh toán KDTM phục vụ TMĐT đang dần hoàn thiện để đảm bảo các hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt và nhanh chóng. Trên các trang TMĐT lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo; số lượng khách hàng sử dụng phương thức thanh toán KDTM thông qua ngân hàng ngày càng nhiều hơn, điển hình như sử dụng ví điện tử AirPay, chuyển khoản thông qua Mobile Banking giữa các ngân hàng để chi trả cho các hoạt động mua hàng trên Shopee. Đồng thời, các sàn TMĐT cũng đang tích cực tung ra nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi cho giao dịch thanh toán online, vì vậy thu hút được nhiều khách hàng hơn. Bên cạnh đó, một số sàn TMĐT còn bắt tay với các ngân hàng để cung cấp ra thị trường sản phẩm thẻ tín dụng đồng thương hiệu như: Tiki ra mắt thẻ tín dụng liên kết Sacombank Tiki Platinum; Shopee đã hợp tác với VPBank và Visa ra mắt thẻ tín dụng VPBank-Shopee. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ TMĐT phát triển, thời gian qua, hàng loạt các ngân hàng đều áp dụng chính sách “0 đồng” đối với phí dịch vụ chuyển tiền, giao dịch giữa các tài khoản ngân hàng như Techcombank, MBBank, Agribank, Vietinbank, TPBank... Không chỉ các sàn TMĐT, ngân hàng cũng hỗ trợ các cửa hàng, siêu thị trong sử dụng các dịch vụ ngân hàng để thanh toán các đơn hàng, giao dịch không dùng tiền mặt của các khách hàng. Chị Nguyễn Thị Mai Anh, chủ một cửa hàng bỉm sữa trên đường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) cho biết: “Hiện tại, các mặt hàng của cửa hàng chủ yếu được thanh toán thông qua chuyển khoản, mọi hoạt động giao dịch đều trực tuyến để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong mùa dịch. Cửa hàng cũng đã đăng ký sử dụng dịch vụ VNPay để khách hàng thực hiện quét mã QR thanh toán cho các hoá đơn mua hàng. Bình quân mỗi ngày, cửa hàng có đến hơn 50% số đơn hàng được thanh toán qua các dịch vụ trực tuyến của Vietinbank”. Anh Tuấn Anh, chủ xưởng đồ gỗ mỹ nghệ Tuấn Hằng ở xóm 9 Tân Tiến, xã Hải Minh (Hải Hậu) cho biết: “Dịch COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh bị tắc nghẽn, nhiều đơn hàng của xưởng bị huỷ. Nhờ có hoạt động livestream, TMĐT nên xưởng đã từng bước vượt qua khó khăn, ổn định được đơn hàng và duy trì sản xuất. Hiện tại, có tới 60% đơn hàng được đặt từ các kênh mua sắm trực tuyến trên Facebook, Zalo. Mọi giao dịch của xưởng đều được thanh toán trực tuyến thuận tiện, nhanh chóng qua tài khoản Mobile Banking của ngân hàng”.
Tuy có nhiều nỗ lực để phát triển từ phía ngân hàng và các sàn TMĐT, nhưng thực tế cho thấy, tỷ lệ thanh toán KDTM khi mua hàng online vẫn còn khiêm tốn. Cụ thể, theo thống kê, hình thức thanh toán trực tiếp khi nhận hàng ship (COD) vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu nhất, chiếm 86%; thanh toán thẻ ATM nội địa chiếm 39%; thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ 17%; ví điện tử 18%... Lý do là thói quen dùng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, phương thức này tạo cảm giác an toàn hơn, phòng tránh được các rủi ro mất hàng, hàng lỗi hay không nhận được hàng đúng chất lượng từ người bán. Ngoài ra, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về việc lộ thông tin cá nhân và chi phí khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử nên việc triển khai thanh toán KDTM còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi thanh toán bằng tiền mặt chỉ mất vài giây với mỗi giao dịch thì thanh toán điện tử tốn nhiều thời gian hơn, phải khai báo mã xác thực, xác nhận chuyển tiền và các thao tác cần độ chính xác tuyệt đối.
Với mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; doanh số TMĐT (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 15%/năm, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tỉnh; thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tích cực tuyên truyền nhằm thúc đẩy thay đổi thói quen, nhận thức của người dân về thanh toán KDTM trong giao dịch kinh doanh. Đồng thời, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, minh bạch về chính sách phí, cơ cấu phí giúp khách hàng hiểu biết đầy đủ hơn, cảm thấy an toàn, thuận tiện và thoải mái hơn khi sử dụng dịch vụ thanh toán KDTM. Không ngừng hiện đại hoá hệ thống thanh toán điện tử của các ngân hàng để cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng, ngày càng thoả mãn tốt hơn các nhu cầu của khách hàng, giảm chi phí vận hành, tăng cường hiệu quả quản lý và tăng hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh dịch vụ thanh toán thẻ, thúc đẩy việc chuyển đổi thẻ chip, tạo thuận lợi cho việc kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng đa dạng sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, thanh toán phi tiếp xúc và góp phần nâng cao tính an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán thẻ. Thúc đẩy hợp tác các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán áp dụng. Coi trọng vai trò hợp tác ngân hàng - trung gian thanh toán, tận dụng nền tảng ngân hàng số, hệ sinh thái số do các trung tâm thanh toán tham gia phát triển. Ngoài ra để phát triển TMĐT, không thể thiếu vai trò quản lý của các cơ quan, ban, ngành trong kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các sàn TMĐT, kiên quyết kiểm tra, xử lý những sàn TMĐT bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc; tạo niềm tin và bảo vệ tốt quyền lợi người tiêu dùng, giúp khách hàng gắn bó và sử dụng thanh toán KDTM.
Có thể nói, thúc đẩy thanh toán KDTM thông qua TMĐT của các ngân hàng là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra tác động đa chiều, vừa mang lại tiện ích cho người dân, vừa tạo đà tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ tài chính - ngân hàng. Xu hướng này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong chỉ đạo phát triển thương mại trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên diện rộng./.
Bài và ảnh: Đức Toàn