Những năm gần đây, huyện Nam Trực đã tích cực nâng cao trách nhiệm quản lý, sử dụng đất đai và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đất đai được sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm; đáp ứng yêu cầu mặt bằng cho các công trình dự án. Vi phạm pháp luật về đất đai được xử lý kịp thời, nghiêm minh, không còn tình trạng giao đất trái thẩm quyền ở các cơ sở thôn đội và các xã, thị trấn. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng đất đai đạt kết quả chưa cao, thu hút đầu tư còn thấp, chưa hình thành được vùng sản xuất chuyên canh công nghệ, chất lượng cao. Cơ sở dữ liệu về đất đai còn hạn chế, lạc hậu. Nhiều trường hợp vi phạm đất đai trước đây chưa được xử lý dứt điểm, tiến độ xử lý còn chậm. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật đất đai của một bộ phận nhân dân, doanh nghiệp còn hạn chế; còn phát sinh vi phạm đất đai mới.
Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Trực rà soát quỹ đất đã khai thác, sử dụng theo quy hoạch (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Bức xúc của người dân liên quan đến thủ tục hành chính về đất đai có thể kể đến trường hợp cử tri xã Nam Thanh đề nghị chính quyền sớm hoàn thiện công tác chỉnh lý hồ sơ địa chính và biến động giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ dân đã tự nguyện hiến đất theo phong trào xây dựng nông thôn mới để thực hiện dự án đầu tư tỉnh lộ 487 (từ năm 2015). Đối với trường hợp này, UBND xã Nam Thanh cùng với các đơn vị liên quan đã rà soát lập danh sách 43 hộ hiến đất cần chỉnh lý biến động; đã đo đạc, lập hồ sơ cho 43/43 hộ. Chốt số liệu đến đầu tháng 7-2021 cho kết quả: 15 hộ đã ký hồ sơ đo đạc, 28 hộ chưa ký hồ sơ (với lý do 7 hộ vắng mặt thường xuyên vào các thời điểm cơ quan chuyên môn đến làm việc, 21 hộ chưa ký do muốn kiểm tra lại số liệu đo đạc, chỉnh lý giảm vào đất vườn, ao không chỉnh lý vào đất ở trong khi đất vườn ao ở phía sau thửa đất không liên quan đến phần hiến đất). Để xử lý bất cập này, UBND huyện đã chỉ đạo xã Nam Thanh và các cơ quan liên quan tập trung giải quyết dứt điểm, hoàn thiện hồ sơ đảm bảo nguyện vọng chính đáng của người dân. Đối với các trường hợp vi phạm đất đai đã tồn tại từ trước, theo Hướng dẫn số 42, 1456 của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng, các địa phương ưu tiên nguồn lực từ nguồn kinh phí đấu giá quyền sử dụng đất để phục vụ công tác xử lý vi phạm; chỉ đạo rà soát, đánh giá đầy đủ những khó khăn, vướng mắc gây chậm tiến độ. Qua đó, huyện xác định rõ các nguyên nhân khách quan, trong đó có nguyên nhân chủ quan xuất phát từ trách nhiệm của người dân, của cơ sở thôn đội, UBND xã, thị trấn, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện, các đơn vị có liên quan như Chi cục Thuế, Phòng Tài chính, Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến đầu tháng 7-2021, các phòng chức năng, các địa phương đã tập trung hoàn thiện việc đo đạc, thiết lập hồ sơ xử lý các trường hợp sử dụng đất không hợp pháp tại các xã, thị trấn: Nam Toàn, Nam Cường, Nam Dương, Hồng Quang, Điền Xá, Nam Lợi, Nam Giang, Nam Tiến; đã thẩm định hồ sơ 28 trường hợp tại thị trấn Nam Giang, 37 trường hợp tại xã Nam Dương, 59 trường hợp tại xã Nam Hồng... Toàn huyện đã hoàn tất xử lý vi phạm, cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 23 trường hợp (trong đó có 11 trường hợp tại xã Nam Hồng, 3 trường hợp tại xã Nghĩa An, 1 trường hợp tại xã Nam Cường, 1 trường hợp tại xã Nam Dương, 7 trường hợp tại xã Nam Hùng). Về vi phạm liên quan đến đất đai mới phát sinh có thể kể đến trường hợp, Công ty CP Cơ khí Nam Ninh đã tiến hành xây dựng công trình kết cấu cột bằng thép, lợp mái tôn, diện tích 248,22m2 trên bãi sông Hồng thuộc phạm vi được Nhà nước cho thuê đất. Việc xây dựng của Công ty chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, vi phạm khoản 1 Điều 21 Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 19-9-2017 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. Ngày 1-12-2020 UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2581/QĐ-UBND về xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Cơ khí Nam Ninh với mức phạt 30 triệu đồng và yêu cầu phải tháo dỡ toàn bộ công trình. Đồng chí Chủ tịch UBND huyện trực tiếp kiểm tra chỉ đạo xử lý, công trình vi phạm, do đó sai phạm được xử lý triệt để, công trình bị tháo dỡ hoàn toàn. UBND huyện cũng đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra trường hợp vi phạm này.
Huyện cũng chủ động phân tích, chỉ rõ những nguyên nhân của hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất đai gồm: Vai trò của chi bộ cơ sở, đảng viên trong công tác quản lý đất đai chưa được phát huy. Cấp ủy, người đứng đầu ở một số địa phương chưa sâu sát, quyết liệt. Năng lực tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật còn hạn chế. Công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật liên quan đến đất đai còn kém hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý trách nhiệm của tổ chức, tập thể và người đứng đầu có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, liên tục...
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, thời gian tới huyện chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, gắn với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, quy hoạch khai thác khoáng sản; đảm bảo đồng bộ với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tiếp tục rà soát, đánh giá đúng tiềm năng, hiện trạng sử dụng đất của huyện; đồng thời tích hợp đầy đủ nhu cầu sử dụng đất của các công trình, dự án của Trung ương, của tỉnh trên địa bàn huyện; nhu cầu của các ngành, các địa phương theo yêu cầu nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Hoàn thiện hồ sơ địa chính, dữ liệu về đất đai, thông tin môi trường. Bố trí kinh phí cấp từ nguồn cấp điều tiết đấu giá quyền sử dụng đất, cùng với các nguồn hợp pháp khác để hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu thông tin đất đai; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa và các trường hợp sử dụng đất trong khu dân cư còn tồn sót. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước nhưng đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ, thực tiễn tại từng địa phương đơn vị nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng đất đai. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; hoàn thiện bộ máy và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát, xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai, nhất là các vụ việc đến nay còn tồn đọng, kéo dài, phức tạp và các nhiệm vụ phát sinh trên lĩnh vực đất đai. Xây dựng kế hoạch giải quyết cụ thể, cần thiết lập kế hoạch cho từng vụ việc cụ thể. Trong đó xác định rõ những công việc cần phải làm, dự kiến thời gian hoàn thành, điều kiện thực hiện; phân công rõ trách nhiệm của tập thể, trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ các phòng, ban, các bộ phận chức năng của huyện và xã, thị trấn. Huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp để xử lý các trường hợp tồn tại về đất đai. Tiếp tục cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai; tăng cường kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ trong quản lý đất đai; xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu gây phiên hà cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, thanh tra xử lý trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai theo kế hoạch, theo chuyên đề, các vụ việc cụ thể, từ đó làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xử lý; đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy